Thép áp dụng quy chuẩn khó bán
Các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép làm cốt bê tông đã áp dụng theo đúng Quy chuẩn 7 (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép làm cốt bê tông) đang than ế hàng, còn loạt sản phẩm chưa áp dụng quy chuẩn 7 lại bán tốt hơn.
Xiết chất lượng thép xây dựng
Trước khi sản xuất thép làm cốt bê tông chưa áp dụng Quy chuẩn 7 thì các DN sản xuất thép thường tự công bố các tiêu chuẩn mà DN áp dụng, điều này có nghĩa là mỗi DN tự chọn một tiêu chuẩn để sản xuất, thậm chí họ còn có thể xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng và đăng ký. Đơn cử, công ty này sản xuất theo TCVN1651/1985 hoặc 2008, nhưng công ty khác lại sản xuất theo TCVN 1651/2008… Đương nhiên khi áp dụng quy chuẩn khác nhau thì sản phẩm thép xây dựng đưa ra thị trường đều có chất lượng, trọng lượng khác nhau.
Tuy nhiên,hiện nay sự cạnh tranh trong ngành thép rất gay gắt, thậm chí phải đối mặt với các mặt với các loại thép không rõ nguồn gốc, hoặc có loại nhập từ Trung Quốc chứa nguyên tố Bo trà trộn vào thép xây dựng kém chất lượng, ảnh hưởng đến các công trình xây dựng. Vì vậy, để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời loại bỏ những DN làm ăn nhỏ lẻ, manh mún và gian dối, Bộ Khoa học và công nghệ, mà trực tiếp là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã soạn thảo và ban hành Quy chuẩn 7 nhằm buộc các DN sản xuất thép làm cốt bê tông phải đưa ra thị trường các loại thép đủ tiêu chuẩn, và Quy chuẩn 7 được áp dụng từ ngày 1/1/2014.
Ấp dụng Quy chuẩn 7 chưa đồng nhất: Nhiều bất cập
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn áp dụng, một số DN sản xuất thép đã áp dụng quy chuẩn 7 cho rằng, việc áp dụng “lợi bất cập hại”. Các sản phẩm áp dụng quy chuẩn khó bán, bị ế. Nguyên nhân vì áp dụng quy chuẩn 7 phải theo các yêu cầu kỹ thuật, kích thước, khối lượng trên 1m chiều dài; mác thép và tính chất cơ học theo TC1601-2008; thậm chí ghi nhãn phải rõ ràng, không tẩy xóa, trên nhãn phải in đầy đủ các thông tin, tên địa chỉ cơ sở sản xuất, tên sản phẩm, số hiệu tiêu chuẩn do nhà sản xuất công bố áp dụng, dấu hợp quy, mác thép, khối lượng của bó thép hoặc cuộc thép, thời gian sản xuất...
Để áp dụng quy chuẩn này, buộc DN phải thay đổi thiết bị để sản xuất thép cốt bê tông theo đúng tiêu chuẩn, chi phí giá thành cho mỗi sản phẩm từ tăng khoảng 3 đến 5%. Vì thế, giá thành thép áp dụng quy chuẩn 7 cao hơn thép chưa áp dụng quy chuẩn nên khó bán hơn.
Cần loại bỏ thép không đủ tiêu chuẩn
Trong lúc sản phẩm áp dụng quy chuẩn và chưa áp dụng quy chuẩn còn nhập nhằng, cùng có mặt trên thị trường thì người tiêu dùng rất khó phân biệt. Thông thường, nếu cùng tên sản phẩm thép người mua cứ thấy giá rẻ thì mua. Nhưng thực tế, nếu người tiêu dùng tỉnh táo sẽ lựa chọn sản phẩm thép có đủ tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng, an toàn cho công trình. Tuy nhiên, để người sử dụng có thể phân biệt được sản phẩm thép theo quy chuẩn chất lượng cần có thời gian.
Theo kinh nghiệm của các nhà sản xuất, cứ 100 kg thép mà DN thực hiện theo quy chuẩn 7, cán “dương” (đủ) thì chỉ tương ứng với 100 cây thép. Nhưng, nếu cũng 100 kg thép đó mà cán “âm” sản xuất như trước đây chưa áp dụng Quy chuẩn 7 thì số cây thép nhiều hơn, tới 120 cây, dôi được 20 cây- đây chính là lợi ích cho các nhà kinh doanh, vì họ thường mua cân, bán cây sẽ lợi hơn. Nhưng cũng vì điều này mà thép sản xuất theo Quy chuẩn 7 sẽ “ế” hơn.
Nhiều DN thép đề xuất ý kiến, để đem lại công bằng giữa các DN sản xuất thép; bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt việc áp dụng Quy chuẩn 7, đưa ra những chế tài phạt nặng, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”?. Đồng thời, cần rút ngắn thời gian để thép chưa áp dụng quy chuẩn 7 lưu thông trên thị trường. Việc nhanh chóng loại bỏ thép không áp dụng quy chuẩn 7 sẽ mang lại công bằng cho các nhà sản xuất.
Kim Tuyến
công thương
|