VNPT sẽ ra sao khi mất MobiFone?
“MobiFone tách ra sẽ là một thiệt thòi lớn cho VNPT và chắc chắn VNPT sẽ gặp khó khăn trong ít nhất 1-2 năm đầu”.
MobiFone đang mơ tới ngày được vươn tầm quốc tế khi thời điểm tách khỏi VNPT gần kề. Kẻ ở lại sẽ phải đối diện với thách thức: vừa hụt mất 2/3 lợi nhuận, vừa phải tiếp tục cạnh tranh sòng phẳng.
Điều mà Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) không hề mong đợi là có ngày phải chia tay với đứa con cưng MobiFone. Nhiều khả năng, quyết định này sẽ được thực hiện trong quý 1 năm nay. Cuộc chia tay nào cũng để lại không ít nỗi buồn. Trong trường hợp này, phần khó tất nhiên sẽ thuộc về VNPT.
“MobiFone tách ra sẽ là một thiệt thòi lớn cho VNPT và chắc chắn VNPT sẽ gặp khó khăn trong ít nhất 1-2 năm đầu”
|
Bước ngoặt MobiFone
“Nếu buông MobiFone, sắp tới không ít người thuộc mảng kinh doanh viễn thông cũng sẽ bị cho về hưu non giống như tôi”, chị Nguyễn Thị Thu, 52 tuổi, một cựu nhân viên với thâm niên hơn 30 năm thuộc Trung tâm khai thác bưu chính trên đường Lý Thường Kiệt, quận 11, TP.HCM, nói.
Cách đây 2 năm, chị Thu bất ngờ được triệu tập lên Phòng tổ chức để nhận quyết định về hưu non dưới hình thức tự nguyện. Chị được lãnh 110 triệu đồng cùng 2,1 triệu đồng là lương hưu hằng tháng, trong khi lương đương nhiệm của chị là hơn 5 triệu đồng/tháng. Lý do cho nghỉ việc là Trung tâm có doanh thu thấp. Chị Thu còn cho biết tổng cộng có 35 nhân viên được cho nghỉ hưu non cùng đợt này, đa phần ở độ tuổi trên 50.
Một nguồn tin của NCĐT cho biết, sắp tới Viễn thông TP.HCM thuộc VNPT sẽ có nhiều đợt luân chuyển nhân sự, tiếp tục đánh giá năng lực cá nhân, tái cấu trúc chế độ lương thưởng, tăng doanh thu, giảm tối đa chi phí hoạt động… Động thái này nhắm tới mục tiêu đạt hiệu quả kinh doanh ở mức cao nhất và cũng để chuẩn bị cho thời kỳ hậu MobiFone.
Năm qua, VNPT đã thông báo mức lãi ròng 9.265 tỉ đồng, trong đó chỉ riêng MobiFone đã góp đến gần 2/3. Điều này cho thấy tầm quan trọng của MobiFone đối với tập đoàn này nên chuyện họ không muốn buông bầu sữa của mình trong gần 8 năm qua cũng là điều dễ hiểu.
Trên thực tế, Chính phủ đã có chủ trương cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước từ nhiều năm trước. Cụ thể, kế hoạch cổ phần hóa ngành viễn thông, lấy VNPT làm cốt lõi đã được khởi động từ năm 2006. Nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, tiến trình này có lúc tưởng chừng như đã bị chìm vào quên lãng.
Trước sức ép ngày càng gia tăng từ đối thủ Viettel khiến cho lợi nhuận của VNPT liên tục sụt giảm cùng chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa của Chính phủ, cuối cùng, tập đoàn này cũng đưa ra được đề án tái cơ cấu vào tháng 5.2012. Nhưng đề xuất sáp nhập 2 đứa con của VNPT là MobiFone và VinaPhone, một nội dung “đinh” của đề án, đã không được chấp nhận.
Nếu hợp nhất 2 nhà mạng này thì sẽ tạo ra tổng thị phần di động từ 50 - 55%, cùng với thị phần của Viettel hiện cũng ở mức 45-50% (thị phần các nhà mạng còn lại không đáng kể), nguy cơ quay trở lại thời kỳ độc quyền có nhiều khả năng sẽ xảy ra. Điều này không phù hợp với mục tiêu cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông có vốn nhà nước nhằm tạo ra một thị trường viễn thông thật sự cạnh tranh, góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Gần đây, tại buổi Tọa đàm “Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã thừa nhận đề án tái cơ cấu VNPT đã được Bộ trình lên Thủ tướng phê duyệt với nội dung là tách MobiFone ra khỏi VNPT để hình thành Tổng Công ty Di động MobiFone. Như vậy, mọi chuyện đã ngã ngũ và nhà mạng này hiện chỉ chờ quyết định của Thủ tướng để ra riêng.
Đây có thể là cơ hội đối với MobiFone vì họ đang là một thương hiệu mạnh, làm ăn có lãi. Nếu việc tách MobiFone được phê duyệt trong quý 1 thì tiến trình cổ phần hóa nhà mạng này sẽ bước vào giai đoạn quan trọng là xác định giá trị doanh nghiệp. Năm 2009, Tập đoàn Credit Suisse, đơn vị tư vấn cổ phần hóa cho MobiFone, từng xác định giá trị sơ bộ của nhà mạng này vào khoảng 2 tỉ USD. Nhưng hiện nay, con số này có thể cao hơn.
Trước đây, MobiFone cũng từng chốt danh sách 6 nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, ứng cử viên nặng ký nhất là Hãng Viễn thông Orange France Telecom (Pháp), một doanh nghiệp đã theo sát tiến trình cổ phần hóa MobiFone trong những năm qua.
VNPT sẽ gặp khó
Nếu con đường phát triển của MobiFone được kỳ vọng sẽ khá thênh thang sau khi cổ phần hóa thì ngược lại, chắc chắn VNPT sẽ phải đối mặt với không ít thách thức sau khi bị “xén” bớt gần 2/3 lợi nhuận hằng năm.
Ông Mai Liêm Trực, cựu Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nhận xét: “MobiFone tách ra sẽ là một thiệt thòi lớn cho VNPT và chắc chắn VNPT sẽ gặp khó khăn trong ít nhất 1-2 năm đầu”. Ông cho rằng việc này có phần trách nhiệm của VNPT. Vì nếu triển khai cổ phần hóa từ năm 2006 thì VNPT vẫn có thể nắm được 80% cổ phần của MobiFone chứ không phải tách hẳn ra như bây giờ và sắp tới là cạnh tranh trực tiếp với VinaPhone.
Sau khi chia tay với MobiFone, VNPT cần phải thực hiện tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của mình, xác định những sản phẩm dịch vụ có thể mang lại hiệu quả cao nhất để tăng tối đa doanh thu. Nghĩa là VNPT phải tập trung vào ngành nghề cốt lõi hơn chứ không thể làm dàn trải như hiện nay.
VNPT có thể sẽ không giữ nguyên VinaPhone mà sẽ tái cấu trúc phần hạ tầng riêng, phần dịch vụ riêng theo hướng chuyên nghiệp hóa bằng cách thành lập những đơn vị trong nội bộ VNPT thành tổng công ty hạ tầng, tổng công ty dịch vụ, tổng công ty công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, một thông tin tích cực có thể giúp VNPT giảm bớt phần nào khó khăn sau khi chia tay với MobiFone. Đó là MobiFone sẽ phải ôm theo số nợ khoảng 1.600 tỉ đồng mà VNPT đầu tư vào các doanh nghiệp trái ngành nghề và bị buộc phải thoái vốn. Trong số này, có doanh nghiệp đã bị lỗ trong năm 2012 như Công ty Tài chính Bưu điện lỗ 635 tỉ đồng, hệ thống vệ tinh Vinasat 1 và 2 lỗ 411 tỉ đồng.
Theo ông Lê Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc VNPT kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị MobiFone, với mức doanh thu hơn 43.000 tỉ đồng cùng lợi nhuận lên tới 6.000 tỉ đồng của nhà mạng này trong năm qua thì món nợ 1.600 tỉ đồng của VNPT chuyển sang là không quá nặng nề. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang theo dõi sát quyết định sau cùng của Thủ tướng về việc tách MobiFone khỏi VNPT.
Vĩnh Hảo
nhịp cầu đầu tư
|