Thứ Hai, 31/03/2014 09:18

Cấp bách tái cơ cấu ngành chăn nuôi

Nhiều năm qua, ngành chăn nuôi liên tục phải đối mặt với những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, mất giá, không tiêu thụ được sản phẩm... Nông dân chịu thua lỗ nặng nề và sản xuất trong tâm trạng bất an. Vậy xóa nghịch lý này bằng cách nào? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT).

* Ngành chăn nuôi lỗ 27.000 tỷ đồng

- Phóng viên: Thưa ông, ngành nông nghiệp phải làm gì để hóa giải những khó khăn của người chăn nuôi hiện nay?

>> Ông TỐNG XUÂN CHINH: Thực tế ngành chăn nuôi của nước ta còn rất nhiều nghịch lý cần phải giải quyết sớm và không thể để những khó khăn tiếp tục đè nặng lên vai người chăn nuôi. Nói gì thì nói, nước ta vẫn đang phải dựa vào sản xuất nông nghiệp trong đó người chăn nuôi là những trụ cột góp phần cung ứng nguồn thực phẩm để bình ổn giá, ổn định xã hội…Vậy nhưng lâu nay chúng ta vẫn chưa có giải pháp căn cơ để bảo vệ và tạo động lực cho người chăn nuôi.

Ông Tống Xuân Chinh

Nghịch lý ở chỗ, mặc dù là ngành chăn nuôi vẫn sản xuất theo cung cách truyền thống nhưng hầu như “đầu vào” thức ăn chăn nuôi lại phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu. Đối với chăn nuôi thì giá thành thức ăn chiếm tới 65% - 70%. Đã vậy, so với các nước xung quanh, giá thành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam cao hơn khoảng 10%.

Trong khi chi phí quá cao như thế, giá bán lại rất thấp. Các loại sản phẩm gia cầm và thịt heo nhiều năm gần đây có thời điểm người chăn nuôi còn phải bán dưới giá thành, thua lỗ nặng nề. Và hầu như giá trên thị trường đều do thương lái thao túng. Nghịch lý ở chỗ người chăn nuôi kêu lỗ, người tiêu dùng vẫn phải mua giá đắt. Có những sản phẩm như thịt bò ở nước ta bán đắt hơn rất nhiều so với thịt bò ngoại, với mức 65.000 - 70.000 đồng/kg thịt bò hơi, nhưng nông dân không lời được mấy vì chỉ bán được giá 50.000 đồng là cùng, còn lại vào túi các khâu trung gian.

- Vậy giải pháp nào để cứu ngành chăn nuôi, bảo vệ nông dân?

Theo tôi, thứ nhất cần phải chủ động được khâu thức ăn chăn nuôi, giảm dần tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thức ăn “ngoại”. Bằng cách chuyển một phần đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây dùng làm thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là bắp và đậu tương. Kèm theo đó là việc đầu tư khâu bảo quản, sơ chế và nâng cao công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi để làm giảm giá thành, hạ giá bán. Thứ hai, phải kiểm soát được dịch bệnh. Hiện nay đa số các bệnh đã kiểm soát được, những bệnh nguy hiểm như trước không còn nhưng một số bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh vẫn xảy ra và chỉ cần một mùa dịch là nông dân lại điêu đứng, trắng tay.

Thứ ba, chất lượng con giống cho người chăn nuôi. Người chăn nuôi bị thua lỗ, sản phẩm chăn nuôi có năng suất kém cũng bắt nguồn từ hệ thống con giống của chúng ta không phong phú, chất lượng đưa đến người chăn nuôi chưa được đảm bảo, khâu kiểm soát con giống vẫn còn buông lỏng. Điều tiên quyết là phải kiểm soát tốt thị trường, nguồn hàng để không gây tình trạng được mùa thì phải bán rẻ, để mặc thương lái thao túng giá như hiện nay.

Giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi nằm chủ yếu ở khâu giết mổ và chế biến thịt, sản phẩm sữa, trứng. Nhưng hiện nay khâu này chủ yếu vẫn là giết mổ thủ công, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo. Đó cũng là lý do giá bán rẻ nhưng người tiêu dùng không yên tâm sử dụng. Trong khi giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp ở nước ta hiện nay mới chỉ cung ứng 20% sản lượng thịt, còn chế biến mới được 10%. Để thúc đẩy chăn nuôi cũng phải tập trung đầu tư cho khâu chế biến và tiêu thụ. Và để cứu ngành chăn nuôi, phải bắt đầu từ hướng đi tổng thể và chọn những sản phẩm có thế mạnh thông qua đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

- Nội dung quan trọng của đề án này là gì, thưa ông?

Tinh thần chính của đề án tái cơ cấu là tập trung phát triển các sản phẩm Việt Nam có ưu thế và tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là phải nhắm vào mục tiêu xuất khẩu. Phát triển chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi là mũi nhọn để tăng giá trị cho nông nghiệp. Tập trung đầu tư khoa học công nghệ, thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi. Phát triển mạnh chăn nuôi heo, gia cầm theo hướng tập trung trang trại an toàn sinh học, đẩy mạnh chăn nuôi theo quy mô công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bằng công nghệ, quy trình hiện đại.

Tái cơ cấu còn tập trung mạnh vào thị trường. Đối với thị trường nội địa, tăng tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi (thịt, trứng, sữa) thông qua chế biến, đa dạng hóa sản phẩm. Còn với thị trường xuất khẩu sẽ hướng tới các thị trường tiềm năng, trước mắt là thị trường Trung Quốc và châu Á. Một điểm quan trọng là sẽ kết nối chặt giữa nông dân và doanh nghiệp, hình thành các sàn giao dịch, các trung tâm giao dịch để tiến tới minh bạch trong quá trình tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

- Vậy theo đề án tái cơ cấu chăn nuôi thì sản xuất nông hộ có bị xóa bỏ?

Một mặt chúng ta vẫn phải ủng hộ chăn nuôi theo kiểu nông hộ, nhưng cần kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất chăn nuôi với quy mô lớn và hiện đại, đồng thời hỗ trợ cho nông dân vốn và kỹ thuật để họ sản xuất với quy mô lớn. Lâu nay chúng ta vẫn quan niệm, chăn nuôi là “chuyện con gà con heo” chứ không phải là một mắt xích của dây chuyền ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm. Do đó mà mức đầu tư cho chăn nuôi chưa nhiều, vẫn cứ tâm lý “được mùa thì vui, không được thì tính tiếp”.

Trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã khẳng định rõ là sẽ nâng tỷ trọng và giá trị ngành chăn nuôi lên thay vì chỉ trông đợi vào các sản phẩm trồng trọt như cây lúa, cây bắp như trước. Đó là một cách nhìn mới và đúng đắn, phù hợp bối cảnh hiện nay.

- Ông đánh giá như thế nào về khó khăn của người chăn nuôi khi gia nhập các sân chơi thế giới sắp tới?

Chúng ta đã gia nhập WTO rồi, sắp tới là AFTA và năm nay có thể là TTP. Điều này vừa thuận lợi vừa khó khăn cho ngành chăn nuôi khi gia nhập vào sân chơi chung. Chúng ta phải lựa chọn sản phẩm nào có lợi thế thì đẩy mạnh khai thác, những sản phẩm chăn nuôi không đủ lợi thế thì phải chấp nhận quy luật cạnh tranh về giá, thị trường. Nếu chúng ta muốn cạnh tranh thì phải đẩy mạnh chăn nuôi theo quy mô công nghiệp - trang trại và phải hạ được giá thành. Nếu có chiến lược đúng, chúng ta sẽ làm được.

Phúc Văn thực hiện

sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Đặc khu kinh tế Vân Đồn: Biến tham vọng thành hy vọng (31/03/2014)

>   Vốn cho bình ổn thị trường tăng hơn 4 lần (31/03/2014)

>   Nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Nhật Bản với thuế suất 0% (30/03/2014)

>   Gần 21 tỷ USD vốn ODA chưa được giải ngân (30/03/2014)

>   Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp: Ai là người đại diện? (29/03/2014)

>   EVN NPC: Nhiều giải pháp trong kinh doanh điện (29/03/2014)

>   Thoát bẫy thu nhập trung bình và bài học liên kết (29/03/2014)

>   Vốn ngoại đổ mạnh vào dệt may (29/03/2014)

>   Nafiqad sẽ công bố cơ sở sản xuất không đạt chất lượng (29/03/2014)

>   DOC dự kiến nâng thuế nhập khẩu đối với tôm Việt Nam (29/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật