Vốn cho bình ổn thị trường tăng hơn 4 lần
8 ngân hàng cam kết cho 64 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2014 vay 8.300 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi.
Từ ngày 1-4, chương trình bình ổn thị trường các nhóm hàng sữa, đồ dùng mùa khai trường, thực phẩm thiết yếu, dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TP HCM chính thức triển khai. Đây là năm thứ 13 chương trình được thực hiện và là năm thứ 2 thành phố không ứng vốn ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp (DN).
Sở Công Thương TP HCM cho biết ngoài những DN đã “theo” chương trình từ năm 2013 và những năm trước, có gần 10 DN mới tham gia chương trình. Các DN tiếp tục được kết nối nhiều tổ chức tín dụng để vay vốn lãi suất ưu đãi với tổng mức vốn tăng hơn 4 lần năm ngoái.
Đến thời điểm hiện tại, có 8 ngân hàng đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2014, Tết Ất Mùi 2015. Trong đó, ngoài 5 ngân hàng đã tham gia từ năm 2013 là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), còn có 3 ngân hàng mới là Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) và Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP HCM (HDBank). Tổng cộng 8 ngân hàng cam kết cho 64 DN sản xuất, cung ứng hàng hóa vay 8.300 tỉ đồng, tăng hơn 4 lần so với con số 1.976 tỉ đồng năm 2013.
Các mặt hàng thực phẩm thiết yếu nằm trong chương trình bình ổn có giá bán thấp hơn thị trường từ 5%-10%
|
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương TP HCM, không chỉ cho các DN bình ổn vay vốn mà với gói tín dụng này, các ngân hàng còn cho đối tác, DN cung ứng cho các DN bình ổn (trang trại chăn nuôi, hợp tác xã trồng rau…) vay để chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng đầy đủ, kịp thời cho DN bình ổn và cho thị trường. Đây cũng là một trong những điểm mới của chương trình bình ổn thị trường năm nay. Tùy theo ngân hàng và từng gói tín dụng, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5,5% -6%, lãi suất trung - dài hạn từ 7%-10%, lãi suất cho đối tác, nhà cung ứng cho DN bình ổn từ 7%-8%.
Từ nguồn vốn tự có và vốn vay với lãi suất ưu đãi, các DN bình ổn phải chuẩn bị nguồn hàng tăng từ 20% - 30% so với số lượng đăng ký năm ngoái và chiếm từ 20% - 60% thị phần tiêu dùng của thành phố. Giá bán các mặt hàng bình ổn vẫn duy trì theo cơ chế điều chỉnh như năm 2013: hàng lương thực thấp hơn giá thị trường từ 5% - 10% và chỉ tăng giá khi giá nguyên - vật liệu, chi phí đầu vào tăng 5% - 10%, giảm khi giá thị trường giảm 5%. Mặt hàng mùa khai giảng thấp hơn giá thị trường 10%. Các mặt hàng sữa do đơn vị tham gia bình ổn xây dựng và đăng ký giá với Sở Tài chính, bảo đảm tính hợp lý và dẫn dắt thị trường; thực hiện điều chỉnh giá trong khoảng thời gian nhất định, trong trường hợp giá nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng cao. Đặc biệt, chương trình năm nay đẩy mạnh phân phối hàng hóa của các hợp tác xã nông nghiệp (ưu tiên cho các sản phẩm được nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap) nhằm tạo đầu ra ổn định cho những sản phẩm này và tăng nguồn cung hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý.
Thanh Nhân
nlđ
|