Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp: Ai là người đại diện?
Quy chế hoạt động của người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (Quy chế) đã được ban hành kèm theo Thông tư số 21/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 14/2/2014, có hiệu lực thi hành từ 1/4/2014.
Việc ban hành Quy chế thuộc thẩm quyền và chức năng của Bộ Tài chính để Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012, Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 và Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, rất đáng tiếc, Quy chế còn không ít nội dung nửa vời và thiếu tính khả thi. Bởi lẽ, còn khá nhiều câu hỏi được đặt ra với người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (DN) chưa được trả lời hoặc trả lời chưa thấu đáo. Câu hỏi trước hết và quan trọng nhất là: Ai là người đại diện?
Trong đội ngũ cán bộ, công chức của nước ta hiện có bao nhiêu người “có khả năng, kinh nghiệm thực tế từ ba năm trở lên về quản lý tài chính DN, về kinh doanh và tổ chức quản lý DN” và bao nhiêu người “có đủ trình độ ngoại ngữ để làm việc trực tiếp với người nước ngoài”?
|
Khoản 2 Điều 2 của Quy chế quy định: Người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào DN là cá nhân được chủ sở hữu phần vốn nhà nước ủy quyền bằng văn bản để thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu phần vốn nhà nước, bao gồm: Người đại diện là người làm việc chuyên trách tại DN; người đại diện là cán bộ, công chức thuộc cơ quan hành chính nhà nước (Bộ, UBND tỉnh) được cử hoặc chỉ định làm người đại diện kiêm nhiệm tại DN.
Trong quy định trên, người đại diện làm việc chuyên trách tại DN có là công chức nhà nước không? Chưa có câu trả lời. Song, chắc chắn rằng, tiền lương và các khoản phụ cấp khác của “người đại diện chuyên trách” không được chi từ ngân sách nhà nước. Trong các DN 100% vốn nhà nước, một số cán bộ quản lý được gọi là “viên chức quản lý” nhưng không phải tất cả những viên chức đó đều là người đại diện. Song, người đại diện kiêm nhiệm lại là cán bộ, công chức thuộc cơ quan hành chính nhà nước. Điều đó có nghĩa là làm “người đại diện” chỉ là việc làm thêm của cán bộ, công chức được cử hoặc chỉ định. Từ đó, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm chuyên trách và người “làm thêm” không thể như nhau. Chẳng hạn, một giám đốc sở được cử làm người đại diện kiêm nhiệm nhưng không hoàn thành nhiệm vụ thì có thể bị cách chức giám đốc? Câu trả lời chắc chắn là: Không!
Khoản 5 Điều 3 của Quy chế quy định một trong những tiêu chuẩn của người đại diện là “có trình độ chuyên môn bậc đại học trở lên, có khả năng, kinh nghiệm thực tế từ ba năm trở lên về quản lý tài chính DN, về kinh doanh và tổ chức quản lý DN phù hợp với yêu cầu của vị trí được ủy quyền làm người đại diện. Trường hợp DN có yếu tố nước ngoài thì người đại diện phải có đủ trình độ ngoại ngữ để làm việc trực tiếp với người nước ngoài”.
Không biết quy định trên có căn cứ vào số liệu thống kê nào cho biết đến nay, trong đội ngũ cán bộ, công chức của nước ta có bao nhiêu người “có khả năng, kinh nghiệm thực tế từ ba năm trở lên về quản lý tài chính DN, về kinh doanh và tổ chức quản lý DN” và bao nhiêu người “có đủ trình độ ngoại ngữ để làm việc trực tiếp với người nước ngoài”?
Hiện nay, ở nước ta cần tới hàng nghìn cán bộ, công chức có đủ tiêu chuẩn như trên để cử hoặc chỉ định làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào DN. Liệu có đủ số lượng cán bộ, công chức bảo đảm tiêu chuẩn đó? Nếu không đủ, quy định như trên cũng chỉ là quy định cho có mà thôi!
Luật gia: vũ xuân tiền
Công thương
|