Đặc khu kinh tế Vân Đồn: Biến tham vọng thành hy vọng
Năm 2012, Quảng Ninh bắt đầu nhắc nhiều đến khái niệm “đặc khu kinh tế” với tham vọng xây dựng một đặc khu kinh tế đặt tại huyện Vân Đồn.
Không lâu sau đó, vấn đề "đặc khu kinh tế" chính thức được đưa vào Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Lãnh đạo Quảng Ninh không giấu giếm hy vọng muốn biến đặc khu kinh tế Vân Đồn trở thành “một sân chơi tự do” mang tính toàn cầu, trong tương lai gần.
Một góc Vân Đồn
|
“Tổ cho phượng hoàng đẻ trứng”
Đi lên từ con số 0 trên nền của một làng chài nhỏ và nghèo nàn, trải qua hơn 30 năm xây dựng thí điểm mô hình đặc khu kinh tế (ĐKKT), Thâm Quyến đã trở thành một trung tâm kinh tế hàng đầu của Trung Quốc. Năm 2013, bảng xếp hạng chỉ số phát triển của Down Jones cho thấy: Thâm Quyến (Trung Quốc) lọt top 15 các trung tâm tài chính toàn cầu.
Theo phân tích của các chuyên gia, một trong những bí quyết thành công của Thâm Quyến là chính phủ Trung Quốc đã dành mọi nguồn lực tốt nhất cho ĐKKT theo phương châm “muốn bắt phượng hoàng phải làm tổ”.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã cắt nghĩa rõ hơn: “ĐKKT chính là tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng. Nhưng nếu ta làm tổ cho gà thì sẽ không thể nào có phượng hoàng đến đẻ trứng được”.
Trở lại với câu chuyện ĐKKT Vân Đồn, theo ông Thiên, để Vân Đồn trở thành một chiếc “tổ phượng hoàng” thực thụ, bắt buộc phải xây dựng đặc khu này trong điều kiện thể chế vượt trội, trong đó việc “tự do hóa cao nhất” ĐKKT sẽ biến nơi đây trở thành một "sân chơi tự do" mang tính toàn cầu.
Về vấn đề này, GS-TS Đào Nhất Đào, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu ĐKKT Trung Quốc, nhấn mạnh: “Hãy bằng những thể chế tốt nhất, bằng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư làm ra vàng, rồi đầu tư lại bằng vàng”.
Thoát khỏi tư duy "loanh quanh"
Quảng Ninh xác định phát triển ĐKKT Vân Đồn với định hướng du lịch biển đảo cao cấp có casino nên về hạ tầng, Vân Đồn đang rất cần sân bay và đường cao tốc. Tuy nhiên, khi xung quanh đã có Cát Bi (Hải Phòng) và Nội Bài (Hà Nội) thì việc xây dựng thêm sân bay Vân Đồn đã không khỏi làm dấy lên nhiều ý kiến lo ngại, trong bối cảnh có quá nhiều sân bay như hiện tại.
Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính thẳng thắn giãi bày: “Đứng trước lựa chọn phải ưu tiên đầu tư một trong hai hạng mục là sân bay hoặc đường cao tốc trước, Quảng Ninh chọn đầu tư sân bay. Vì dù chúng tôi có tập trung xây ngay cả ngàn km đường cao tốc thì việc đi lại cũng chỉ loanh quanh trong Quảng Ninh hoặc các địa phương trong vùng. Nhưng nếu xây dựng sân bay quốc tế, Quảng Ninh sẽ bước ra thế giới và cả thế giới cũng sẽ đến được với Quảng Ninh trong thời gian ngắn nhất”.
Đồng tình với quan điểm này, TS Trần Đình Thiên cho biết thêm: nếu nhà đầu tư phải di chuyển đến ĐKKT một quãng đường nhiều hơn hai giờ đồng hồ sẽ là một bất lợi rất lớn cho việc ĐKKT tiếp cận tới họ.
Trên thực tế, kinh nghiệm của ĐKKT Hạ Môn (Trung Quốc) cho thấy, đặc khu này đã ưu tiên làm sây bay trước. Và theo GS Trang Minh Tông, đến từ ĐH Hạ Môn, sau hơn 20 năm, đến nay, lựa chọn này vẫn chứng minh tính hiệu quả và sáng suốt của nó.
Đánh giá cao tư duy toàn cầu và cách nhìn mới mẻ của Quảng Ninh, nguyên Phó thủ thướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm cho rằng việc xây dựng sân bay có thể sẽ tiếp tục lỗ, nhưng phải nên lấy cái lãi tổng thể bù cho cái lỗ cụ thể. Nói cách khác, muốn đột phá phải lấy cái tổng thể cho cái cụ thể, đất nước muốn có những đột phá mới hãy lấy Vân Đồn làm nơi thể nghiệm.
Nếu được phê duyệt, ĐKKT Vân Đồn sẽ có luật riêng với nhiều thể chế hiện đại, vượt trội, được đánh giá là có sức cạnh tranh cao với khu vực và toàn cầu. Trong đó, đáng lưu ý là một số chính sách ưu tiên về thuế, đất đai như: thể chế tài chính, tiền tệ riêng; miễn thuế doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân đến năm 2030 và sau đó được giảm 70%; thời hạn cho thuê đất dự án dài nhất có thể lên tới 99 năm… |
Bích Ngọc
thanh niên
|