HSBC: Sản lượng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới
Trong bản báo cáo về Kinh tế Vĩ mô số tháng 2/2014 công bố ngày 07/02, HSBC cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được hỗ trợ trong ngắn hạn. Điều này nhờ vào sự đổi mới dần dần của việc xây dựng năng lực thể chế và tập trung cho đầu tư các hoạt động sản xuất.
Chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng đầu năm 2014 đã đạt kết quả cao nhất kể từ tháng 4/2011 và sản lượng có nhiều khả năng tiếp tục tăng trong những tháng tới khi sản xuất đang không đáp ứng được nhu cầu, hàng tồn kho sau khi bị giảm xuống mức kỷ lục do các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp nhằm giải toả hàng tồn kho cũng đang tiếp tục giảm mạnh. HSBC cho biết, đơn đặt hàng mới đang tăng do nhu cầu nước ngoài tăng và các điều kiện trong nước ổn định.
Nhưng HSBC cũng lưu ý rằng, tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất chỉ là mức tăng chuyên ngành và phản ảnh thực tế hoạt động đầu tư nước ngoài tăng mạnh hơn là một nền kinh tế nội địa mạnh khoẻ. Sự sụt giảm đáng kể đang có ở các ngành khác như khai khoáng mỏ và khai thác đá, xây dựng và bất động sản, nông nghiệp và lâm nghiệp. Ngành bất động sản và xây dựng bị ảnh hưởng nhiều nhất do các biện pháp thắt chặt và nhu cầu trong nước đang chậm dần. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong năm 2013 chậm chạp phản ánh sự lựa chọn những hoạt động ít mạo hiểm ở Việt Nam cũng như những khoản nợ xấu lớn vẫn còn ám ảnh cả hệ thống tài chính.
HSBC cho rằng, tình hình xấu nhất dường như đã qua, các nhà làm chính sách hiện nay có thể đề ra một chiến lược cụ thể để nâng cao hiệu quả kinh tế của Việt Nam và phát hiện ra tiềm năng của đất nước.
Theo HSBC, lạm phát nên tiếp tục được kiềm chế trong năm 2014 và hy vọng lạm phát cơ bản sẽ ở quanh mức 6-7% trong năm. Ngoài ra, HSBC hy vọng lãi suất OMO sẽ tiếp tục ổn định trong quý 1/2014.
HSBC cho rằng, trong cuộc khủng hoảng thị trường tài chính quốc tế, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ phát triển tương đối mạnh mẽ. Một nguyên nhân giải thích điều này là do Việt Nam sở hữu một thị trường vốn tương đối nhỏ, đồng thời có những lợi ích phát sinh từ chương trình nới lỏng định lượng ở các nước phát triển cũng được xem là một nguyên nhân khác.
Trong khi hy vọng về tiềm năng của Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là trong giới đầu tư quốc tế, HSBC nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn còn khá mong manh với nhiều khó khăn chính yếu vẫn chưa được giải quyết. Tốc độ tăng trưởng trong năm 2013 đạt 5.4% đa phần được dẫn dắt bởi khối dịch vụ và dòng vốn đầu từ nước ngoài ổn định đổ vào lĩnh vực sản xuất. Tăng trưởng nguồn vốn FDI đăng ký và giải ngân trong năm 2013 đạt tỷ lệ khá ấn tượng ở mức 81.7% và 9.9% đã thực sự phản ánh khả năng cạnh tranh của lao động và vị trí địa lý của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp khó khăn với tình hình tín dụng bị thắt chặt, nhu cầu trong nước không cao và năng lực cạnh tranh giảm. Điều này có nghĩa là các nhà làm chính sách sẽ phải giải quyết các vấn đề đang cản trở hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp nội địa để duy trì sự tăng trưởng trong trung và dài hạn.
>> Xem báo cáo đầy đủ: 20140206_ENG_Trien vong kinh te Viet Nam_PUBLIC.pdf
LĐ
Công lý
|