Ổn định kinh tế vĩ mô - bài học không mới nhưng dễ quên
Không phải ngẫu nhiên các nhà kinh tế lại hết sức quan tâm đến ổn định kinh tế vĩ mô: khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng khiến nền kinh tế của chúng ta khó khăn, khi mà những lĩnh vực liên quan đến thế giới như xuất khẩu, đầu tư nước ngoài... đều là những điểm sáng.
Có nhiều lý do ở đây, nhưng có ba lý do cơ bản. Thứ nhất, ổn định là yếu tố quan trọng nhất để giá cả trở thành tín hiệu tốt cho sự phân bổ nguồn lực đến đúng địa chỉ, đi vào sản xuất, kinh doanh, tạo giá trị gia tăng thực. Khi kinh tế vĩ mô bất ổn, lạm phát cao và “nhảy nhót” thường có hai hành vi. Một là đầu cơ tài chính.
Đầu cơ tài chính có khi có ý nghĩa tích cực, song nhìn chung ít tạo giá trị gia tăng, thậm chí không ít trường hợp còn làm “thoái lui” đầu tư cần thiết cho sản xuất, kinh doanh. Hai là tìm “hầm trú ẩn” để bảo toàn giá trị tài sản, khiến nguồn lực tiếp tục bị bế tắc.
Thứ hai, bất ổn vĩ mô thường kéo theo hệ lụy là các rủi ro tài chính, đặc biệt là rủi ro hệ thống ngân hàng gia tăng. Các “trò chơi tài chính” có thể vượt quá phạm vi kiểm soát, thậm chí lũng đoạn cả thị trường, dẫn đến nguồn lực đang có của đất nước, kể cả nguồn lực con người và tư duy, phải lao tâm khổ tứ vì nó.
Thứ ba, khi bất ổn vĩ mô và lạm phát cao, người nghèo, người thu nhập cố định bị tổn thất nặng nhất. Quản lý nhà nước cũng trở nên khó khăn hơn trước áp lực phải đảm bảo không để thu nhập thực tế giảm, song lại phải tránh được vòng xoáy lương tăng - giá tăng.
Trong một chừng mực nhất định, do chu kỳ chính trị ngắn nên trước áp lực ấy, Chính phủ nhiều khi buộc phải chỉ số hóa tiền lương theo lạm phát, chứ không tăng lương dựa trên năng suất lao động, năng suất của nền kinh tế.
Việt Nam vừa qua cũng có thể là một ví dụ. Ngân sách “vỡ trận” là do bên cạnh bộ máy phình to, chức năng chưa được định chuẩn trong một nền kinh tế thị trường mở cửa, lương phải tăng đều, khá cao (danh nghĩa) hằng năm. Kết quả là chi thường xuyên, phần lớn là chi lương, đã vượt quá thu ngân sách.
Ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để nền kinh tế có được tăng trưởng bền vững hơn, đặc biệt là trong trung và dài hạn, phù hợp với cái chúng ta muốn và phải làm là tái cấu trúc nền kinh tế. Về bản chất đó chính là việc hoàn thiện, thay đổi hệ thống động lực để đảm bảo nguồn lực đang có và sẽ có được phân bổ hiệu quả.
Quá trình cải cách của Việt Nam bắt đầu từ cuối những năm 1970. Bất ổn vĩ mô đeo đẳng Việt Nam trong rất nhiều giai đoạn của quá trình cải cách. Nổi rõ nhất là giữa những năm 1980, kéo dài đến 1988, lạm phát hằng năm đều ở mức ba con số, có năm phi mã đến 700%.
Năm 1989, Việt Nam thực sự đi vào cải cách thị trường, mở cửa, rồi cũng hạ nhiệt được lạm phát còn trên 30% bằng những biện pháp rất quyết liệt và “đau đớn”. Sản xuất công nghiệp năm 1989 giảm tới 4%, đây có lẽ là năm duy nhất trong lịch sử cải cách Việt Nam sản lượng công nghiệp chịu một cú sốc như thế.
Kinh tế dần ổn định sau đó do cải cách, mở cửa và mở rộng quyền kinh doanh của người dân. Các lĩnh vực sản xuất nhỏ, dịch vụ, đặc biệt là nông nghiệp, hấp thụ được lượng lớn người cần giải quyết công ăn việc làm, đặc biệt là từ khu vực doanh nghiệp nhà nước bị cắt giảm và lực lượng quân đội giải ngũ.
Nhưng đến năm 1991-1992, lạm phát lại vọt lên khoảng 70%/năm khi chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng, và chỉ chịu giảm xuống mức 17% năm 1993 khi một số biện pháp được quyết liệt thực hiện và kinh tế vĩ mô dần ổn định trở lại.
Sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Việt Nam gặp nhiều khó khăn, đặc biệt mất cân đối nghiêm trọng về thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, áp lực mất giá tiền đồng rất lớn. Chúng ta đã thoát được cuộc “khủng hoảng cán cân thanh toán quốc tế” mà một số chuyên gia nước ngoài dự báo. Nhiều biện pháp chống đỡ khi đó có tính hành chính khá cao.
Không phải ngẫu nhiên mà giai đoạn 1997 - 1999 Việt Nam được xem là nền kinh tế với tốc độ cải cách “một bước tiến, hai bước lùi”. May là ngay sau đó, Việt Nam có hai đột phá là ban hành và thực thi Luật Doanh nghiệp và ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.
Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, nói về cơ hội và thách thức, chúng ta có khuyến cáo rằng nền kinh tế có thể dễ bị tổn thương hơn với các cú sốc bên ngoài, thậm chí có thể khủng hoảng. Nói như vậy là rất mạnh, nhưng chúng ta lại quá hào hứng với cơ hội tăng trưởng, tìm mọi cách để thúc đẩy tăng trưởng và coi đó như một thành tích “số một”.
Thành tích ấy cũng có thể hiểu được khi một nước nghèo muốn nhanh có thu nhập cao hơn. Song đằng sau đó, chúng ta lại quên đi vấn đề hiệu quả phân bổ nguồn lực, yếu tố không thể thiếu để tăng trưởng bền vững. Tăng trưởng và cái giá phải trả là bất ổn kinh tế vĩ mô. Rồi tăng trưởng cũng giảm dần. Và ngay bây giờ, kinh tế vĩ mô có chuyển biến tích cực hơn, nhưng nền kinh tế còn tiếp tục phải trả giá.
Bài học về ổn định kinh tế vĩ mô không mới, nhưng trong điều kiện bình thường người ta vẫn dễ mắc phải với nhiều lý do. Mục tiêu quan trọng đặt ra với các nước đang phát triển là cải thiện thu nhập, phản ánh qua tăng trưởng. Nhưng khi trở thành căn bệnh thành tích nặng nề như ở Việt Nam thì có thể lại là vấn đề, nhất là trong bối cảnh các chính khách chỉ có nhiệm kỳ theo năm.
Việc đáng làm là họ tận dụng trọng trách để cải thiện tình hình, nhưng ngay cả khi với ý đồ tốt, họ cũng có thể mắc sai lầm vì cách dễ dàng, đơn giản là tạo tăng trường bằng bơm thêm tiền, đầu tư nhà nước.
Tăng trưởng dựa trên “đồng tiền dễ dãi” không thể bền vững, dễ gây bất ổn vĩ mô, thậm chí lạm phát phi mã, khủng hoảng cán cân thanh toán và/hay khủng hoảng ngân hàng - tài chính.
Hậu quả kinh tế - xã hội để lại có khi khôn lường. Khi đó, việc lựa chọn chính sách cũng hết sức khó khăn. Một mặt, phải ổn định kinh tế vĩ mô nhưng thực thi sao cho nền kinh tế “hạ cánh mềm” lại không đơn giản.
Sự kiên trì chính sách ổn định cũng chịu sức ép rất lớn, bởi kinh tế ảm đạm, chính sách vĩ mô như tiền tệ, tài khóa lại thường phải thắt lại, sản xuất, kinh doanh lại càng khó khăn.
Không chỉ vậy, ổn định để nền kinh tế dần vận hành trở lại bình thường, song phải ở một nấc cao hơn. Muốn vậy, phải cải cách, mà cải cách thì lại tốn phí nguồn lực và không ít đau đớn, ít nhất là trong ngắn hạn. Đây là những vấn đề đặt ra rất thực tiễn và cần không ít nghiên cứu sâu sắc.
Tất cả những câu chuyện trên cho thấy, tăng trưởng cực kỳ quan trọng, nhưng không thể đánh đổi tăng trưởng bằng sự bất ổn kinh tế vĩ mô. Việt Nam đang cải cách theo định hướng thị trường thì việc mở cửa, hội nhập là một phần hữu cơ của quá trình cải cách và phát triển. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ, không có nghĩa cứ hội nhập là phát triển.
Điều quan trọng nhất để đảm bảo cả điều kiện cần và đủ là cùng hội nhập, phải cải cách bên trong, nâng cao sức cạnh tranh, tăng khả năng chống đỡ (trong đó có năng lực ổn định vĩ mô) trước các rủi ro có thể có của hội nhập.
Hội nhập có thể là “một trò chơi cùng thắng” nhưng điều ấy không có nghĩa là không có người/nhóm người thua, xét trong nội tại quốc gia. Và giữa các quốc gia, cái cùng thắng ấy có thể ở mức không đều. Vấn đề đặt ra với nền kinh tế mở là tương quan chi phí - lợi ích, cùng với khả năng tận dụng cơ hội và xử lý rủi ro.
Chẳng hạn, tham gia TPP, Việt Nam được đánh giá là nước được hưởng lợi lớn, theo nghĩa lợi ích ròng (lợi ích - phí tổn) và xét theo mức thay đổi GDP hay tốc độ xuất khẩu, song xét theo giá trị tuyệt đối (chẳng hạn đo bằng tỷ USD) thì các thành viên khác có thể được nhiều hơn. Kết quả này còn phụ thuộc vào việc các nhà đàm phán chấp nhận đến mức nào giữa chi phí và lợi ích để có thể đi đến thỏa thuận cuối cùng.
Vấn đề của hội nhập phức tạp, nhưng chúng ta cần tiếp tục con đường hội nhâp vì hai lẽ: Cái bắt tay của Việt Nam với thế giới đàng hoàng hơn. Thứ nữa, rủi ro lớn nhất của không hội nhập là không có cơ hội phát triển.
TS. Võ Trí Thành
doanh nhân sài gòn
|