Thứ Hai, 03/02/2014 16:05

Nền kinh tế với nhiều kỳ vọng mới

Khép lại 2013, với những biến động, rung lắc mạnh trong vòng xoáy kinh tế, mùa Xuân đang hé lộ những con đường cần chinh phục trong năm tới.

Chìm nổi với doanh nghiệp

Vào một ngày cuối năm 2013, một vài doanh nhân còn duy trì tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản đã ngồi lại với nhau. “Chúng ta tin ở vận hội trong năm tới”, ai đó phá tan không khí trầm lắng của cuộc gặp mặt và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng. Trong những tiếng chạm cốc, khi rượu vang nâu óng và sóng sánh, lại ùa về cảm xúc lâng lâng cho những doanh nhân một thời đình đám.

Năm 2013 đi qua với những vật vã của thương trường trong cơn ốm yếu. Gần 61 nghìn DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động sau một giai đoạn dài đã không còn sức để cầm cự nổi với tồn kho cao, tiêu thụ khó khăn và sản xuất đình đốn. Các ngân hàng bước vào giai đoạn tái cơ cấu, 8/9 ngân hàng đã tìm được hướng đi mới, trường hợp còn lại duy nhất chỉ chờ cơ chế đặc thù cho nhà đầu tư ngoại. Nợ xấu ở những thực thể kinh tế ốm yếu và còi cọc đã bán gần 39 nghìn tỷ đồng sang VAMC.

Cầu Nhật Tân dài hơn 3,7km một trong ba gói thầu có tổng giá trị 13.600 tỷ đồng vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Ảnh: ĐK

Trong quý I và II/2013, “thảm cảnh” diễn ra với phần lớn DN. Những thương hiệu lớn còn biến mất huống chi là DN nhỏ. Thị trường bất động sản lao thẳng xuống đáy mà chưa dò được điểm bật lên. Thường trực một câu hỏi trong đầu nhiều doanh nhân là: dừng bước hay rẽ sang hướng khác?

Hơn bốn chục DN “chết không buồn chôn!” đau đáu ý tưởng kinh doanh nay trở thành nỗi thất vọng. Hàng chục DN Nhà nước ngừng hoạt động mà chưa được giải thể, sáp nhập chỉ vì thủ tục. Tháng 10/2013, Tập đoàn kinh tế Vinashin được chuyển thành tổng công ty thuộc Bộ chủ quản, cho thấy sự thờ ơ đã hiển hiện với DN mà một thời từng được kỳ vọng đặt vào vị thế tiên phong mở ra thời kỳ phát triển kinh tế biển của đất nước. Than kêu cứu, điện đòi tăng giá để bù đắp chi phí sản xuất…

Đi theo những chìm nổi của doanh nghiệp và doanh nhân, thu ngân sách chưa năm nào khó khăn đến thế. 2013 trở thành năm đầu tiên sau hàng chục năm thu ngân sách khó nhọc đạt mục tiêu đề ra, một tình trạng khác hẳn với giai đoạn tăng thu tới cả chục phần trăm trước đây. Dù thế, cả năm 2013, thu ngân sách vẫn chỉ vượt chỉ tiêu kế hoạch chút ít.

Nhưng cũng nhẹ đi nỗi lo trĩu nặng khi khu vực DN chế biến, chế tạo, hay nhóm ngành năng lượng, DN đầu tư nước ngoài... bắt đầu khởi sắc. Giai đoạn nửa cuối năm, nền kinh tế đã tăng trở lại. GDP quý IV/2013 tăng tới 6,04%, một mức tương đối khá, nếu tính tăng trưởng theo quý của 3 năm trở lại đây. Đâu đó, vài ý niệm về một cơ hội phát triển mới đang nhen lên.

Những lát cắt trên chiếc bánh tăng trưởng năm 2013 điểm xuyết nhiều nhân tố khởi sắc hơn. Tăng trưởng GDP cả năm ở mức 5,42% đã cao hơn mức tăng trưởng kinh tế của năm 2012, theo công bố của Tổng cục Thống kê. Thất nghiệp theo số liệu báo cáo ở mức khá thấp, chỉ 2,2% tổng số lao động trong độ tuổi. Trong khi đó, các yếu tố thể hiện sự ổn định của vĩ mô như lãi suất, tỷ giá và lạm phát đều ở mức khá tích cực.

Xét ở nền tảng cho phát triển, bối cảnh 2013 như một giai đoạn nền kinh tế vật lộn để sửa mình trước buổi bình minh, chuẩn bị cho một giai đoạn tăng trưởng mới. Kết quả đó có đóng góp quan trọng của chính sách tiền tệ, của quá trình rà soát và chấn chỉnh lại quản lý và phân bổ nguồn vốn đầu tư công suốt hai năm qua...

Hệ thống ngân hàng tìm mọi phương thức, kể cả những hình thức đặc thù nhất chưa từng có để xử lý nợ xấu cho DN, triển khai mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, DNNVV… Cho vay qua tín chấp, bằng cách thẩm định dòng tiền tương lai bắt đầu mở rộng quy mô, chuỗi liên kết trong nông nghiệp được thúc đẩy hình thành để ngân hàng rót vốn… Khép lại 2013, với những biến động, rung lắc mạnh trong vòng xoáy kinh tế, mùa Xuân đang hé lộ những con đường cần chinh phục trong năm tới.

Đặt cơ sở cho hồi phục

Hội nhập đang làm tịnh tiến nhiều con số về diễn biến kinh tế quan trọng, cả ở phía thương mại và đầu tư. Ở phía các đối tác quốc tế quan trọng, nền kinh tế Hoa Kỳ đang phục hồi với tăng trưởng dự báo có thể lên tới 2,7% trong năm 2014, với biểu hiện là các giải pháp can thiệp của Fed dần được rút bỏ. Kỳ vọng lớn từ thị trường quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam còn đến từ nhiều hiệp định tự do hóa thương mại đã và đang đàm phán, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các FTA với Nhật Bản; Ấn Độ và tương lai cả Hàn Quốc đang đi đến những nội dung đàm phán cuối cùng, hoặc đã nằm trong lộ trình của Chính phủ.

Một duyên may từ bên ngoài cũng tạo ra hấp dẫn mới cho nguồn vốn FDI. Đó là, chi phí lao động tăng và môi trường kinh doanh không thực sự như kỳ vọng ban đầu của các doanh nhân nước ngoài ở Trung Quốc, khiến các ông chủ Nhật Bản, Hàn Quốc… tiếp tục quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Mô hình đầu tư “Trung Quốc + 1” trong giới doanh nhân mang vốn FDI vào khu vực Đông Nam Á đang ngày càng mở rộng.

Trong tâm thế mới, những ngày đầu năm 2014, giới DN đón nhận một thông điệp quan trọng từ bài viết của Thủ tướng được các phương tiện truyền thông đăng toàn văn. Trong bài viết: “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”.

Thủ tướng khẳng định rằng, đến lúc cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân. Câu chuyện, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển, một lần nữa được nhắc lại.

Trước đó, tháng 11/2013, Hiến pháp mới được thông qua, Luật Đất đai sau nhiều năm bàn cãi cũng đã được ban hành. Với nhiều nội dung cơ bản được sửa đổi, kết tinh được “Ý Đảng và lòng dân”, các văn kiện quan trọng này đã và đang mở ra cho các DN và người dân một niềm tin mới. Đó là niềm tin vào sự lãnh đạo của một chính Đảng đã đi cùng dân tộc trong hơn 80 năm và nay đang khẳng định quyết tâm xây dựng một hệ thống Nhà nước pháp quyền “do dân và vì dân”.

Cùng với đó, tại kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XIII), các đại biểu đại diện cho ý chí của người dân đã chấp thuận cho phép Chính phủ được nới bội chi ngân sách và phát hành thêm trái phiếu với niềm tin nguồn vốn sẽ được bổ sung vào những lĩnh vực ngành nghề phát huy hiệu quả lan tỏa và được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục tiêu.

Trước đó, lần đầu tiên, gói chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập trung bình cũng được ban hành, tác động mạnh đến các DN kinh doanh bất động sản theo hướng tập trung phân khúc bất động sản giá thấp, đem đến kỳ vọng cho từng người lao động sẽ có một “mái ấm” cho riêng mình bằng thu nhập hợp pháp.

Khi nhiều động lực cho tăng trưởng đến từ chính sách mới, lại có thêm nguồn lực vật chất là dự trữ ngoại hối đảm bảo khả năng tham gia bình ổn thị trường, khả năng thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội của hệ thống NHTM được củng cố bởi lòng tin của người dân vào giá trị VND đã được khẳng định qua thời gian của năm 2013. Do đó, lãi suất đang và sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt bằng các nghiệp vụ thị trường mở, “tự do hóa” lãi suất trung và dài hạn, sau một thời gian dài được điều hành bằng mệnh lệnh hành chính. Vàng đã “mất giá” trong mắt nhà đầu tư và người dân…

Sức hút đối với đầu tư trực tiếp đã được tạo đà trong năm 2013, nay sẽ còn tiếp tục với nhiều nhà đầu tư lớn chưa nguôi sự quan tâm với thị trường Việt Nam. Đầu tư gián tiếp đang “có cửa”, khi mà kinh tế được kỳ vọng khởi sắc hơn, vĩ mô ổn định và sản xuất lại cần thêm vốn để khởi động lại, tăng vòng quay của guồng máy kinh tế.

Nhưng tất nhiên, gánh nặng vẫn còn. “Cục máu đông” nợ xấu còn chưa tan biến. Sau khi hoàn thành tái cơ cấu 8 TCTD thì nhiệm vụ tiếp theo là phải đưa thêm những ngân hàng mới vào “vòng kiềm tỏa”. Trong khi, phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ trong một năm đầu tư mở rộng hơn sẽ phải thêm chặt chẽ nhưng vẫn phải uyển chuyển và có tính “nghệ thuật điều hành” cao. Những cảnh báo về sự quay lại của lạm phát cao đã đến ngay trong những tháng đầu năm mới này với nhân tố tăng giá xăng dầu đóng góp khoảng 0,1% tỷ lệ tăng của chỉ số giá tiêu dùng…

Vậy nên, trong sắc hoa đào thắm, bên mâm cỗ đầy, khi những doanh nhân ngành bất động sản nói trên khoác lên mình chiếc áo mới đón Xuân, trong rượu vang sóng sánh, vẫn còn dấu ấn của một giai đoạn khó khăn vừa qua. Năm mới 2014 đang tới, nền kinh tế cần sự vững tâm, bền bỉ và sáng tạo của những người điều hành, những doanh nhân bền chí.

Khi niềm tin thị trường được củng cố, những doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng mạnh mẽ, quyết đoán hơn trên thương trường – không chỉ trong nước mà cả với đối tác đến từ bên ngoài - đó sẽ là cơ sở cho nền kinh tế có sức mạnh nội lực bứt phá.

TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia:

Còn những khó khăn chủ yếu từ bên trong nền kinh tế

Năm 2013, chúng ta đã đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát được kiềm chế nhờ nhiều yếu tố thuận lợi từ sức ép tăng giá hàng hóa thế giới thấp, tiêu dùng trong nước hạn chế…

Nhìn tới năm 2014 thì tổng cầu, nhất là cầu nội địa chưa thể tăng nhiều. Sức ép đối với tỷ giá sẽ không lớn do cán cân thanh toán được hỗ trợ bởi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong khi, vốn đầu tư gián tiếp chưa có biến động lớn... Thâm hụt cán cân thương mại cũng khó có thể tăng nhiều, khi nhu cầu nhập khẩu sẽ không lớn trong điều kiện cầu nội địa vẫn còn yếu.

Thách thức lớn nhất đối với ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2014 là từ khu vực tài khóa với thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao, có thể tác động đến thị trường tiền tệ, qua đó tác động đến lạm phát. Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn chủ yếu từ bên trong nền kinh tế. Đó là tiêu dùng chưa thể cải thiện ngay, cần có thời gian để khôi phục niềm tin của người dân. Do tiêu dùng chậm cải thiện nên ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa, trong khi lãi suất khó có thể giảm hơn nữa bởi nếu giảm nữa sẽ ảnh hưởng đến tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Đầu tư của tư nhân cũng chưa thể tăng nhiều trong năm 2014.

Mặc dù chương trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng năng suất của nền kinh tế chưa thể cải thiện ngay trong 1 - 2 năm tới. Nhất là, năng suất của khu vực nông nghiệp đang đối mặt với quy luật năng suất cận biên giảm dần… Vì vậy, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm 2014, rất cần có sự bứt phá mạnh mẽ từ mọi phía.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

Tình hình đang thúc bách một sự quyết tâm và hành động mạnh mẽ

Sức khỏe nền kinh tế đang rất yếu. Bản thân nền kinh tế lại có độ mở rất cao, cho nên rất nhạy cảm với “thời tiết kinh tế” thế giới. Những tác động đa chiều, ngược chiều của các xu hướng kinh tế thế giới sẽ gây ra hệ quả - hậu quả khó dự đoán và có thể rất nghiêm trọng.

Câu chuyện của năm 2014 vẫn là cơ cấu yếu và kinh tế trì trệ. Ổn định vĩ mô được cải thiện nhưng dựa trên nền tảng yếu, hiệu quả thấp, cơ cấu bất ổn, trong khi tái cơ cấu chưa làm được nhiều. Lạm phát nguội dần nhưng chủ yếu do sức mua giảm. Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào nhưng tín dụng khó tăng bởi DN đang lả dần. Ngân hàng càng khó cho vay tiếp, khi thị trường vẫn đang rất “ọc ạch”. Nếu cứ tiếp vốn khi DN không đủ lực vay thì nợ xấu lại tăng lên. Khối DN FDI vẫn phát triển tốt, xuất khẩu hỗ trợ tăng trưởng nhưng lại làm lệch lạc cơ cấu kinh tế, khi đường lối của chúng ta là phát huy nội lực.

Đã có những nhận định: Xu hướng phục hồi của nền kinh tế đã bắt đầu được tái lập, dù vẫn khá mong manh. Quá trình tái cấu trúc phục hồi tăng trưởng vẫn chưa thực sự diễn ra đúng cách. Nếu tái cơ cấu đúng thì DN sẽ hồi phục mà không cần phải lo đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là bao nhiêu. Nếu cứ lo tăng trưởng sẽ tiếp tục làm méo chính sách, sẽ khiến thị trường mất niềm tin, người có tiền có vốn sẽ chẳng muốn đầu tư.

Năm mới mà nói nhiều đến khó khăn nghe có vẻ bi quan. Song tình hình đang thúc bách một sự quyết tâm và hành động mạnh mẽ. Nhìn lại năm qua, không phải ngẫu nhiên mà ào ào các địa phương xin cơ chế riêng. Điều đó cho thấy, thực tiễn đang đòi hỏi cơ chế mới, cần sự thay đổi rất mạnh về thể chế, phân bổ lại nguồn lực. Nhu cầu thay đổi đang thúc ép năm mới phải có cách làm mới để có sự thay đổi mới.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương:

Nền kinh tế đã hạ cánh chưa “mềm” như mong muốn

Kinh tế vĩ mô Việt Nam đã có chuyển biến tích cực. Lạm phát giảm mạnh từ trên 18% năm 2011 xuống mức hơn 6% năm 2013; tỷ giá VND/USD tương đối ổn định; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư tới 2 tỷ USD; dự trữ ngoại hối tăng mạnh. Bên cạnh đó, thanh khoản không còn là nỗi ám ảnh của hệ thống ngân hàng. Nhiều NHTM bước đầu được tái cấu trúc.

Song, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn còn thiếu vững chắc. Tâm lý hoài nghi vẫn dai dẳng. Lòng tin lạm phát sẽ ở mức thấp cũng chưa bền vững. Thâm hụt ngân sách lại tăng. Sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, trì trệ trên không ít lĩnh vực. Tổng cầu, cả tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh... Nhìn lại việc điều hành, có lẽ phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô còn thiếu suôn sẻ, nhịp nhàng nên nền kinh tế đã hạ cánh chưa “mềm” như mong muốn.

Lựa chọn chính sách của Chính phủ năm 2014 là củng cố và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 12% - 14%. Một số chính sách như miễn giảm thuế; xử lý nợ xấu; hỗ trợ người thu nhập thấp thuê, mua nhà ở; tăng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng... sẽ tiếp tục được thực hiện. Với chính sách như vậy, Chính phủ hy vọng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm 2014, ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát chỉ khoảng 7%.

Để tạo dựng lại lòng tin xã hội và thị trường, Việt Nam cần kiên trì, nhất quán với chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế một cách thực chất, để đón bắt tốt hơn xu thế phát triển mới của thế giới và thời đại.

Anh Quân

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Thành công là một hành trình (03/02/2014)

>   Khi nào con hổ thức giấc? (03/02/2014)

>   “Bắt mạch” kinh tế Việt Nam 2014 (03/02/2014)

>   Tái cơ cấu kinh tế: Mã đáo thành công (03/02/2014)

>   Ba việc lớn của nền kinh tế (02/02/2014)

>   Chuyên gia Phạm Chi Lan: Sóng cả phải vững tay chèo (02/02/2014)

>   Động lực chính cải cách nằm ở phía “người chơi” (02/02/2014)

>   Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2014 dưới góc nhìn các chuyên gia tài chính (02/02/2014)

>   Năm con ngựa 2014: Kết thúc tận thế (31/01/2014)

>   WB: Kinh tế toàn cầu sẵn sàng tăng tốc trong năm nay (31/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật