Chủ Nhật, 02/02/2014 09:20

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Sóng cả phải vững tay chèo

Cầu mong đoàn thuyền doanh nghiệp (DN) của chúng ta tiếp tục dấn thân cưỡi sóng và dần trở thành những hải đoàn vững chãi, vươn tới những vùng biển xa hơn, mang lại những thu hoạch lớn hơn cho chính mình và cho đất nước...

 

Ấn tượng những ngày đầu đầy phấn chấn khi nước ta chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hẳn chưa phai nhạt trong tâm trí nhiều người, đặc biệt là giới DN, doanh nhân Việt Nam.

Không phấn chấn sao được, khi chúng ta phải mất 12 năm đàm phán vất vả, phải tập dượt từ tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) trong ASEAN tới Hiệp định Tự do thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ cũng suốt 12 năm, mới có thể bước ra đấu trường rộng lớn này.

Không phấn chấn sao được, khi kết quả 5 năm đầu thực hiện BTA cao hơn cả kỳ vọng trước đó của mình, với những thành tựu vượt trội về xuất khẩu và thu hút FDI, với sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh trong nước, với việc phục hồi đà tăng trưởng cao và ổn định của kinh tế nước nhà sau khủng hoảng tài chính trong khu vực. Niềm tin và kỳ vọng của các nước bạn hàng về triển vọng của Việt Nam sau khi gia nhập WTO càng làm chúng ta phấn chấn, tự tin, háo hức hơn.

Tuy nhiên, cũng ngay từ những ngày đầu, tôi đã đồng tình với cách ví von của Tiến sĩ luật Phạm Duy Nghĩa để mô tả và bày tỏ nỗi lo trước hình ảnh các DN Việt Nam tham gia WTO như “đoàn thuyền thúng ra khơi”.

Điều lo lắng nhất lúc đó là với năng lực cạnh tranh còn hạn chế, “đoàn thuyền thúng” của các DN Việt Nam sẽ bơi ra sao trên đại dương rộng lớn này, sẽ có thể vượt qua sóng gió bên những hải đoàn hùng mạnh của các nước khác để lướt tới không, hay sẽ bị rớt lại trong cuộc đua tranh quyết liệt và không cân sức này.

Mặt khác, nhìn vào các lực lượng nền tảng và hỗ trợ càng thấy tội nghiệp cho “đoàn thuyền thúng” của chúng ta: nhà nghèo, thiếu cả hệ thống hậu cần và các phương tiện thông tin tối cần thiết lẫn những thuyền trưởng và thủy thủ lành nghề, những hoa tiêu nắm được tọa độ trên các con đường biển mênh mông, những “dự báo thời tiết” đáng tin cậy để giúp phòng tránh bão...

Giờ đây, sau 6 năm trời, nhìn lại xem “đoàn thuyền thúng” này ra khơi ra sao, chúng ta không khỏi giật mình khi thấy rằng những phấn chấn, kỳ vọng ban đầu đã quá cao, trong khi những lo lắng ban đầu thậm chí còn chưa đủ để giúp ta chuẩn bị và thích ứng với điều kiện đầy rủi ro khi ra biển lớn.

Lúc đầu, thời tiết thuận lợi, nên khi đoàn thuyền nhỏ bé, mảnh mai của chúng ta từ từ men cửa sông ra biển, chúng đã có thể khéo léo lướt đi theo những chiếc tàu lớn nhỏ của các hải đoàn các nước. Song, bất ngờ các cơn giông bão dữ dội đã xuất hiện từ bên kia chân trời và nhanh chóng lan ra khắp năm châu bốn biển, tấn công mọi nơi, khiến cho ngay cả những con tàu lớn cũng bị xô ngả xô nghiêng, thậm chí bị nhấn chìm, còn triệu triệu con thuyền nhỏ thì liêu xiêu như những chiếc lá tre cuốn theo dòng nước xoáy...

Ba năm sau, giông bão bên ngoài rồi cũng dịu dần. Dù còn khó nhọc, nhưng các đoàn thuyền lớn nhỏ ở các nước xung quanh ta đã nổ máy, giong buồm tiếp tục ra khơi. Còn “đoàn thuyền thúng” Việt Nam nhìn tới nhìn lui lại thấy rất nhiều chiếc thuyền của mình đang... mắc cạn!

Cái mắc cạn của những chiếc thuyền này do đâu? Có phải do biển rộng WTO quá nhiều “bãi đá ngầm”, nhiều “tam giác quỷ” hiểm trở? Rõ ràng là có, một phần nào đó. Tránh sao nổi, khi WTO là biển rộng và mở cho mọi con thuyền lớn nhỏ, từ mọi phương trời tự do lưu thông, mà thuyền nào cũng muốn đến những bến bờ ngon lành nhất.

Song, hầu hết các rủi ro, cạm bẫy đó đều có luật chơi của nó, dù rất tinh vi, phức tạp, có biển cảnh báo cho kẻ nào muốn vượt qua. Và rất rất nhiều thuyền của các nước đã vượt qua được, kể cả một số trong những con thuyền thúng của Việt Nam.

Danh mục ngày càng dài hơn các sản phẩm “made in Vietnam” được xuất khẩu đi các nước trên thế giới với quy mô hàng tỷ USD chứng minh điều đó. Trong hàng tỷ USD này, có công sức của những con tàu FDI hiện đại, của các DN nhà nước được trang bị đầy đủ (như trong các ngành dệt may, giày dép, dây cáp điện...), đồng thời có phần ngày càng tăng lên của những chiếc thuyền thúng của DN tư nhân, DN nhỏ và vừa Việt Nam, chuyên chở từ hàng tiêu dùng đến nông sản, thủy sản đi khắp các bến bờ xa lạ.

Nhưng cũng rõ ràng những trở ngại bên ngoài không phải là lý do chính yếu nhất cho tình trạng mắc cạn của phần lớn các con thuyền Việt Nam. Trong khi một số đã có thể vượt qua những trở ngại bên ngoài, thì số lớn thuyền thúng của Việt Nam lại không thể vượt nổi mà bị mắc cạn ngay tại các bến sông, cửa biển của nước mình.

Số thuyền tuyên bố cắm sào, ngừng chạy tăng lên nhanh chóng từ năm 2010 đến nay cho thấy điều đó. Năm 2010 có khoảng 40 ngàn DN ngưng hoạt động, thì các năm tiếp theo con số đó tăng dần lên thành 53 ngàn, 54 ngàn và năm 2013 này đã lập kỷ lục buồn 61 ngàn!

Điều gì đã xảy ra ở trong nước khiến cho kỳ vọng của chúng ta sau khi vào WTO không đạt được, khiến cho những thành công sau BTA trước đây không được lặp lại, khiến cho “đoàn thuyền thúng” của Việt Nam liêu xiêu mãi không thôi?

Phải chăng là do những ngọn gió lành của cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh thông thoáng hơn được tạo nên trong những năm đầu thế kỷ đã không được thổi mạnh lên theo những cam kết mới với WTO, mà ngược lại, còn bị đảo chiều bởi những tư duy cũ kỹ, những năng lực không theo kịp yêu cầu thay đổi, những ảo giác thành tích tăng trưởng đi cùng với những lợi ích riêng tư đầy cám dỗ?

Phải chăng sân chơi chưa kịp bằng phẳng đã bị xô lệch, gập ghềnh thêm bởi những móc ngoặc, chia chác nguồn lực chung theo những toan tính lợi ích của một số “đại gia” đầy quyền lực? Phải chăng làn sóng đầu tư nước ngoài một mặt tiếp thêm sức cho chúng ta, mặt khác lại dần xô dạt “đoàn thuyền thúng” của chúng ta để tranh lấy những ngư trường béo bở ngay trên mặt nước của mình?

Mặt khác, bản thân “đoàn thuyền thúng” cũng có đầy những hạn chế của chính nó. Ai cũng biết muốn ra biển rộng, muốn bắt được nhiều cá lớn hơn, thì đoàn thuyền phải được trang bị tốt hơn, không những bằng những con tàu vững chãi, trang bị hiện đại hơn, mà cả bằng những thuyền trưởng hiểu biết và định hướng tốt, những hoa tiêu thông thạo, những máy trưởng và kỹ thuật viên tài ba, những thủy thủ có tay nghề cao, và bằng đội hình phối hợp chặt chẽ, bằng cách đi hợp lý, khôn ngoan.

Rất nhiều thuyền trong đoàn thuyền thúng của chúng ta chưa có những cái đó. Thậm chí, tư duy của một số chủ thuyền cũng còn chưa dứt được khỏi thói quen chờ đợi được bao cấp hay bảo hộ phần nào, và nhất là chưa xác định cho mình một chiến lược rõ ràng để sẵn sàng cho cạnh tranh và hợp tác, cho sự tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đã, đang hình thành và thay đổi nhanh chóng.

Một số cũng bám giữ quá lâu vào những lợi thế vốn có mà chưa đầu tư để nâng cấp và tạo nên những lợi thế mới về hiệu quả, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng hay tính sáng tạo, độc đáo...

Sáu năm trong WTO đã trôi qua, với những bài học thắng - thua, được - mất ở cả tầm vĩ mô và vi mô thật đáng giá. Ngày nay, đoàn thuyền Việt Nam lại chuẩn bị đi vào những vùng biển mới, hẹp hơn về diện tích so với WTO, nhưng lại rộng và sâu hơn nhiều về nội hàm của những luật chơi, cao hơn nhiều về những chuẩn mực, lớn hơn nhiều cả về những cơ hội và thách thức.

Đó là những Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Mỹ, Nhật và 9 nước khác, Hiệp định Tự do thương mại (FTA) với EU, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) với ASEAN và 6 đối tác, FTA với Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazacztan, FTA với Hiệp hội Thương mại tự do Châu Âu (EFTA), với Hàn Quốc, bên cạnh những cái đã có như Cộng đồng Kinh tế ASEAN sắp hình thành. Chỉ trong vòng 2 năm nữa thôi, tất cả những cái đó sẽ thành hiện thực, đánh dấu giai đoạn “Hội nhập quốc tế 3.0” của Việt Nam.

Đại dương mênh mông đang mở rộng hơn trước mắt, đường chân trời còn rất xa, rất xa. Cầu mong đoàn thuyền của chúng ta tiếp tục dấn thân cưỡi sóng và dần trở thành những hải đoàn vững chãi, vươn tới những vùng biển xa hơn, mang lại những thu hoạch lớn hơn cho chính mình và cho đất nước.

PHẠM CHI LAN

doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Động lực chính cải cách nằm ở phía “người chơi” (02/02/2014)

>   Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2014 dưới góc nhìn các chuyên gia tài chính (02/02/2014)

>   Năm con ngựa 2014: Kết thúc tận thế (31/01/2014)

>   WB: Kinh tế toàn cầu sẵn sàng tăng tốc trong năm nay (31/01/2014)

>   Làm thế nào để kích cầu mà không gây lạm phát (29/01/2014)

>   16 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 1 tỷ USD (29/01/2014)

>   TS. Alan Phạm: Nhà đầu tư ngoại ấn tượng tốt về vĩ mô hiện nay (11/02/2014)

>   Chưa tạo ra nhân tố mới kích hoạt thị trường (27/01/2014)

>   Ngăn lạm phát ở vùng “trọng điểm” (25/01/2014)

>   Vẫn còn nguy cơ lạm phát quay trở lại (25/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật