Thứ Tư, 29/01/2014 15:47

Làm thế nào để kích cầu mà không gây lạm phát

Hiện nay, lạm phát kỳ vọng đã giảm, để kích thích tăng trưởng kinh tế, đã đến lúc nên có biện pháp kích cầu. Đây là đề nghị từ các chính quyền địa phương tại buổi họp với người đứng đầu Chính phủ cuối năm 2013. Vấn đề đặt ra là làm sao đạt được mục tiêu kích cầu nhưng không gây áp lực lên lạm phát.

“Lạm phát luôn luôn và mọi nơi đều là một hiện tượng tiền tệ”. Câu nói nổi tiếng của nhà kinh tế Milton Friedman quả thực đúng cho tình trạng của Việt Nam. Cho đến nay, phần lớn mọi người đều đồng ý lạm phát cao giai đoạn các năm 2007-2011 có nguyên nhân chính do tăng trưởng tín dụng cao giai đoạn này; và khi Việt Nam gia nhập WTO, dòng ngoại tệ dồi dào (cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp) đổ vào Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tận dụng tăng dự trữ ngoại hối làm tăng cung tiền đồng nhưng không thực hiện chính sách thanh khoản đối ứng (thu hồi bớt nội tệ từ lưu thông nhằm vô hiệu hóa hoặc giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của việc thu mua ngoại tệ) để hút tiền đồng về.

Các nhà kinh tế theo trường phái trọng cung (supply side) cho rằng Việt Nam nên theo đuổi chính sách tăng tổng cung, vì hiện nay cung yếu, tăng cầu chỉ làm tăng giá.

Các biện pháp tăng tổng cung là cải cách thể chế để cởi trói cho các doanh nghiệp tư nhân, tăng tính cạnh tranh, phát triển giáo dục, giảm thuế thu nhập (đã thực hiện), tăng năng suất...

Đây là biện pháp đúng, nhưng ai cũng đều nhận thấy hầu hết các biện pháp tăng tổng cung là dài hạn, không thể thực hiện ngay trong vài tháng, vài năm; trong khi các doanh nghiệp đang thực sự khó khăn trước mắt, nguy cơ cận kề: hàng hóa chất đầy trong kho, bán không được, hoặc bán được thì không thu tiền được, ảnh hưởng đến dòng tiền hoạt động hàng ngày và không có tiền trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu, làm ảnh hưởng lây lan đến ngành ngân hàng.

 Giảm thuế GTGT sẽ làm giá hàng hóa giảm, và việc chỉ có hiệu lực trong một thời hạn nhất định sẽ khuyến khích người tiêu dùng mua sắm ngay, làm tăng tổng cầu, giúp các doanh nghiệp giải phóng hàng tồn và có dòng tiền về ngay giúp cải thiện thanh khoản. Và cứ thế theo hiệu ứng lan tỏa như một vòng lặp, các doanh nghiệp sẽ đặt hàng lẫn nhau để gia tăng sản xuất, sẽ kích thích cả nền kinh tế

Đây mới chính là nỗi lo sát sườn và sống còn của các doanh nghiệp hiện nay. Đó là chưa kể doanh nghiệp khó khăn làm ảnh hưởng đến thu nhập người lao động (không tăng lương, thưởng trong khi lạm phát tăng làm ảnh hưởng thu nhập thực), hoặc đóng cửa, sa thải công nhân gây thất nghiệp và kéo theo đó là các bất ổn xã hội. Trọng cung là đúng, nhưng nước xa không cứu được lửa gần!

Câu trả lời để kích cầu mà không làm tăng lạm phát là chính sách tài khóa.

Quốc hội đã đồng ý cho Chính phủ nâng trần bội chi lên 5,3% ngân sách, NHNN khẳng định chính sách tiền tệ năm 2014 sẽ điều hành ổn định theo lạm phát mục tiêu 7%, giữ ổn định tỷ giá. Đây là dấu hiệu cho thấy Việt Nam sẽ thực hiện kích thích kinh tế bằng chính sách tài khóa, mà cụ thể là chi tiêu của Chính phủ thông qua số nhân tài khóa để vực dậy nền kinh tế, để không gây áp lực lên lạm phát.

Nhưng vấn đề là chi tiêu của Chính phủ liệu sẽ đạt được mục tiêu kéo cả nền kinh tế? Chẳng hạn xây một trụ sở, làm một con đường sẽ làm tăng GDP nhưng liệu sẽ giúp được bao nhiêu doanh nghiệp? Đó là chưa kể nếu sử dụng không hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng đến lạm phát những năm sau (chi tiền ra nhưng không làm tăng năng suất nên không cải thiện tổng cung, làm tăng giá) và làm tăng nợ công, vốn đã ở mức nguy hiểm.

Do đó, người viết đề xuất một chính sách tài khóa khác để kích cầu: giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong một thời hạn nhất định.

Vấn đề hiện nay của nền kinh tế là sức mua yếu. Giảm thuế GTGT sẽ làm giá hàng hóa giảm, và việc chỉ có hiệu lực trong một thời hạn nhất định sẽ khuyến khích người tiêu dùng mua sắm ngay, làm tăng tổng cầu, giúp các doanh nghiệp giải phóng hàng tồn và có dòng tiền về ngay giúp cải thiện thanh khoản. Và cứ thế theo hiệu ứng lan tỏa như một vòng lặp, các doanh nghiệp sẽ đặt hàng lẫn nhau để gia tăng sản xuất, sẽ kích thích cả nền kinh tế.

Doanh nghiệp hoạt động được sẽ tăng vay tiền từ ngân hàng giúp giải quyết tình trạng ngân hàng muốn đưa vốn ra nền kinh tế (trong phạm vi tăng trưởng tín dụng mục tiêu của NHNN) cũng không được do doanh nghiệp không có nhu cầu vay. Vấn đề giảm bao nhiêu điểm phần trăm xin để Bộ Tài chính quyết định do nơi này có đủ thông tin về thu thuế GTGT để cân đối ngân sách, nhưng theo thiển ý, không nên giảm thấp hơn 5 điểm phần trăm, vì như thế sẽ không có tác động kích thích tiêu dùng.

Chính sách này có một số điểm lợi như sau:

Thứ nhất, bên cạnh việc sẽ không gây áp lực lên lạm phát do không tăng cung tiền, giảm thuế GTGT còn kích cầu nền kinh tế nhưng không ảnh hưởng quá lớn đến thu ngân sách do được bù từ phần tăng thêm từ thuế thu nhập doanh nghiệp do lượng bán tăng.

Thứ hai, khi giá hàng hóa giảm sẽ có dư địa cho NHNN điều chỉnh tỷ giá mà không ảnh hưởng đến lạm phát. Theo tính toán của TS. Lê Đăng Doanh, so với đô la Mỹ, tiền đồng đã bị định giá cao hơn giá trị thực khoảng 30%. Nếu như vậy, tỷ giá đô la Mỹ thực sẽ là trên 27.000 đồng thay vì 21.036 đồng như hiện nay. Một đồng bị định giá cao vừa làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, vừa làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam ngay trên sân nhà do chất lượng thấp. Ví dụ, nhà sản xuất nước ngoài sản xuất một món hàng với giá thành 1 đô la Mỹ, thay vì phải bán ở Việt Nam với giá ít nhất 27.000 đồng, nay chỉ cần bán 21.000 đồng. Nhà sản xuất Việt Nam để cạnh tranh buộc phải giảm chất lượng hàng hóa sao cho có thể sản xuất ở mức giá thấp hơn 21.000 đồng. Điều này giải thích tại sao cùng một mức giá chất lượng hàng Việt Nam luôn thấp hơn chất lượng hàng nhập khẩu. Vấn đề trên càng trầm trọng hơn với hàng Trung Quốc do nhân dân tệ, ngược với tiền đồng, đang bị định giá thấp hơn đô la Mỹ.

Do đó, việc giảm giá tiền đồng về đúng giá trị thực là điều nên làm để giúp doanh nghiệp trong nước ở hai khía cạnh: tăng năng lực cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và tăng tỷ giá đô la Mỹ làm tăng giá hàng nhập khẩu để tránh kích cầu chỉ làm tăng nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu. Có thể điều lo ngại nhất của NHNN khi không điều chỉnh tỷ giá, bên cạnh việc phải chi thêm tiền đồng để trả nợ nước ngoài, là ảnh hưởng của tỷ giá lên lạm phát. Việc tăng tỷ giá khi giá hàng hóa giảm (do giảm thuế GTGT) giúp triệt tiêu tác động này.

Thứ ba, quan trọng nhất, khi kích cầu thành công, kinh tế phát triển, mọi việc đều thuận lợi, các lực cản cải cách sẽ yếu đi, giúp đẩy nhanh tiến trình cải cách thể chế - tăng tổng cung - là con đường đúng trong dài hạn.

Nguyễn Hồng Huy

Thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   16 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 1 tỷ USD (29/01/2014)

>   TS. Alan Phạm: Nhà đầu tư ngoại ấn tượng tốt về vĩ mô hiện nay (11/02/2014)

>   Chưa tạo ra nhân tố mới kích hoạt thị trường (27/01/2014)

>   Ngăn lạm phát ở vùng “trọng điểm” (25/01/2014)

>   Vẫn còn nguy cơ lạm phát quay trở lại (25/01/2014)

>   Số liệu CPI tháng 1/2014: Tăng 6,77% hay 5,54%? (25/01/2014)

>   Lo ngại áp dụng PPP tùy tiện (24/01/2014)

>   Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 chỉ tăng 3% (24/01/2014)

>   Năm 2014, dòng vốn FDI "rót" vào miền Trung khả quan (24/01/2014)

>   Có nhiều ngày nghỉ lễ, CPI tháng 1 vẫn tăng thấp (24/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật