Thứ Ba, 11/02/2014 13:09

TS. Alan Phạm: Nhà đầu tư ngoại ấn tượng tốt về vĩ mô hiện nay

Là người tiếp xúc nhiều với nhà đầu tư nước ngoài, TS. Alan Phạm - Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital cho biết họ đều có ấn tượng tốt về tình hình vĩ mô của Việt Nam hiện nay. Đặc biệt là việc nới room ngoại sẽ mau chóng được thực thi để tạo đà cho một nguồn vốn ngoại dồi dào hơn.

* Năm 2013, Vinaland liên tục thoái vốn khỏi các dự án bất động sản

TS Alan Phạm.

Chính sách vĩ mô đúng hướng và tích cực

Ông đánh giá như thế nào về những cố gắng của Chính phủ trong việc điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2013 vừa qua?

Theo tôi, những chính sách vĩ mô trong năm 2013 là đúng hướng và tích cực.

Về nợ xấu, VAMC đã bắt đầu mua nợ xấu của khá nhiều ngân hàng với gần 39,000 tỷ đồng nợ gốc, tương đương hơn 32 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt. Thái độ của các nhà băng cũng rất hợp tác, dù lúc đầu hơi do dự nhưng sau một thời gian làm việc thì họ nhận ra đây là một bước tiến làm cho chất lượng bảng cân đối tài chính đẹp hơn cũng như giúp thanh khoản tốt hơn. Điều này chứng tỏ VAMC là một công cụ tích cực trong việc giải quyết nợ xấu.

VAMC có lịch trình hoạt động cụ thể với cách thức hoạt động 2 thời kỳ. Thứ nhất là mua nợ xấu - phát hành trái phiếu đặc biệt và mua nợ xấu về - đây là giai đoạn dễ. Nhưng giai đoạn thứ hai là làm thế nào để thanh lý nợ xấu - tức là bán nó ra cho nhà đầu tư trong và ngoài nước - giai đoạn này sẽ khởi động trong năm nay.

Còn về gói bất động sản 30,000 tỷ theo tôi là một chính sách đúng hướng nhưng chưa hoàn chỉnh. Bởi ngay khi nó được ban hành thì dường như NHNN chưa lường trước được những cản trở khiến việc vận hành chậm hơn. Ví dụ như thủ tục hành chính quá rườm rà làm cho người mua nhà khó tiếp cận vốn. Vấn đề nữa là nguồn cung của căn hộ xã hội cũng không đủ so với lực cầu.

Tuy nhiên hai điểm này đã bắt đầu được xử lý, thứ nhất là lãi suất cho vay đã giảm còn 5% và thời gian vay có thể tăng từ 10-15 năm; vấn đề thủ tục hành chính cũng được rút gọn. Vì thế, khả năng giải ngân trong năm 2014 sẽ nhanh và chất lượng hơn. Tuy nhiên cũng phải mất ít nhất 9 tháng đến 1 năm thì chính sách này sẽ vận hành trơn tru. Ngoài ra, nhu cầu thực trong bất động sản sẽ tăng, kéo theo đó các doanh nghiệp sẽ đầu tư vào nguồn cung cho nhà ở xã hội.

VN-Index có khả năng tăng từ 15-20% trong năm 2014

Ông dự báo gì về lạm phát và tăng trưởng trong năm 2014? Và ông kỳ vọng gì vào kinh tế vĩ mô trong những năm tới?

Năm 2014 sẽ là một năm gần giống như 2013. Nghĩa là tất cả các chỉ tiêu của nền kinh tế sẽ vận hành theo chiều hướng tương tự nhưng GDP sẽ tăng trưởng cao hơn. Tôi dự báo GDP năm nay sẽ khoảng 5.7-5.8%, CPI tầm 6.5-7%. Quan trọng nhất là tỷ giá sẽ ổn định, có thể tốt hơn năm ngoái và dưới 2% theo như NHNN.

Các nhà đầu tư ngoại mà chúng tôi tiếp xúc đều có ấn tượng tốt về tình hình vĩ mô hiện nay, GDP không cao như những năm trước nhưng đây là sự tăng trưởng tương đối khả quan. Còn CPI giữ được 6.5% là tích cực. Quan trọng với họ nhất là tỷ giá nên họ an tâm khi chính sách vĩ mô như 2013 sẽ được tiếp tục trong 2014.

Bằng chứng tốt nhất là chỉ số VNI của Việt Nam đã lên 21% trong năm 2013, cao nhất trong số các thị trường Asean. Và trong năm 2014 chỉ số VNI cũng có khả năng tăng từ 15-20%.

Còn thị trường chứng khoán, theo tôi, nhà đầu tư ngoại sẽ đổ thêm tiền vào, nhất là các quỹ ETF sẽ tiếp tục mua cổ phiếu Việt Nam.

Nói đến khối ngoại, hiện vấn đề nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài đã được trình lên Chính phủ. Ông kỳ vọng những chuyển biến gì về thu hút dòng vốn ngoại khi quy định trên được ra đời?

Đa số các nhà đầu tư ngoại đều hài lòng với đề án tăng room cho nhà đầu tư ngoại lên 60% đối với doanh nghiệp trên thị trường. Đây là một bước đầu quan trọng, tuy nhiên cần được được ban hành sớm, không nên trễ thêm.

Chính phủ cần tích cực hoàn chỉnh quy định để ban hành điều khoản càng sớm càng tốt, còn mức tăng thêm thì có thể điều chỉnh sau.

Sản xuất, chế biến và bất động sản hút FDI

Với sự cởi mở trên, liệu sẽ có một làn sóng M&A ngoại ồ ạt tại Việt Nam hay không, thưa ông?

Đương nhiên các nhà đầu tư nước ngoài đã dự trữ sẵn một số vốn để giải ngân khi chính sách đó được ban hành. Điều này sẽ tạo ra một làn sóng M&A, nhất là trong khối các ngân hàng và hiện họ cũng rất trông đợi sự trợ giúp từ vốn ngoại.

Đây là một điều khá tốt cho khối ngân hàng trong việc cải thiện thanh khoản, báo cáo tài chính khả quan hơn cũng như thay đổi giá cổ phiếu trên thị trường. Đúng như định hướng của Chính phủ trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, theo tôi thì khuynh hướng FDI hiện nay đổ tiền nhiều vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, hay ngay cả bất động sản. Bởi bất động sản có lẽ đã chạm đáy rồi và đang có khuynh hướng đi lên.

Nông nghiệp trong mấy năm gần đây hơi yếu, tiềm năng vẫn là những công ty về thủy sản. Khi thị trường tiêu thụ châu Âu, Mỹ, Nhật bắt đầu phục hồi thì nhu cầu về thủy sản càng tăng.

Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được nhắc đến rất nhiều trong năm qua. Quan điểm của ông như thế nào? Liệu doanh nghiệp chúng ta có sẵn sàng cho cuộc chơi mới?

Hiệp định TPP là một biến chuyển lớn, tôi dự trù sẽ có hai cơ hội lớn. Một là Hội nghị thượng đỉnh về đầu tư. Hai là TPP sẽ hoàn chỉnh và ký kết trong tháng 9, đó là một động lực lớn thúc đẩy việc sản xuất, xuất khẩu của các sản phẩm Việt Nam.

Tuy nhiên TPP cũng có những điều khoản chặt chẽ, quá trình đàm phán xong sẽ cần có thời gian chuẩn bị từ 3-5 năm để Việt Nam có thể đáp ứng được các điều khoản này.

Đối với ngành Dệt may, trở ngại chính là nguyên liệu chưa sản xuất được nhưng sẽ có hai phương án. Một số công ty Đài Loan và Hàn Quốc sẽ bắt đầu chuyển về Việt Nam hoặc các doanh nghiệp Việt phải tự khởi động việc sản xuất nguyên liệu. Cả hai phương án này đều có lợi cho Việt Nam khi tạo ra cơ sở thu nhập, góp phần vào việc xuất khẩu, tạo công ăn việc làm…

Đến năm 2015-2016 bất động sản mới phát triển

Ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư trong việc tìm kiếm kênh đầu tư có khả năng sinh lời tốt trong năm 2014 không?

Theo tôi, kênh đầu tư khá tốt trong năm 2014 sẽ là thị trường chứng khoán nhờ tình hình kinh tế vĩ mô khả quan. Tôi dự báo VN-Index sẽ tăng khoảng 15-20%. Ngay cả thị trường trái phiếu cũng khá tốt khi quy mô năm 2013 tăng mạnh cả trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.

Kênh đầu tư vàng hiện chỉ có giá trị giữ một tài sản, đó là văn hóa Á Châu. Còn để sinh lợi nhuận thì vàng không phải là kênh tốt bởi mức giá không có biến chuyển nhiều.

Đối với bất động sản, thị trường đã bắt đầu ấm lên nhưng chưa phải thời kỳ mang lại lợi nhuận cao. Đến năm 2015-2016 thì mới hy vọng thị trường bất động sản có thể phát triển.

Cám ơn Ông!

Thanh Nụ thực hiện

Công lý

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu nóng và những chiến lược trading hiệu quả nhất (03/02/2014)

>   Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng: Tiếp tục thúc đẩy thị trường, hướng tới các giải pháp dài hạn (27/01/2014)

>   Góc nhìn 27/01: Duy trì xu hướng tăng điểm? (26/01/2014)

>   Tổng giám đốc QLQ Manulife: TTCK 2014 sẽ tăng trưởng 15-20% (10/02/2014)

>   Hiện tượng tháng 1 và triển vọng thị trường năm 2014 (24/01/2014)

>   Góc nhìn 24/01: Chào đón BID, thị trường sẽ bứt phá? (23/01/2014)

>   TTCK 2014: Các chuyên gia dự báo ra sao? (31/01/2014)

>   Góc nhìn 23/01: Tiếp tục điều chỉnh? (22/01/2014)

>   Chuyên gia dự báo CPI tháng 1/2014 (22/01/2014)

>   Góc nhìn 22/01: Tiếp tục nắm giữ cổ phiếu (21/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật