Cổ phiếu nóng và những chiến lược trading hiệu quả nhất
Cổ phiếu nóng thường có những đợt đảo chiều tăng giảm giá rất mạnh với khối lượng dễ dàng được kích thích đột biến. Tuy nhiên, sau khi dòng tiền có dấu hiệu rút đi thì thanh khoản thường cạn kiệt. Vì vậy, nhất thiết nên có các chiến lược trading riêng với nhóm cổ phiếu này.
I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA CỔ PHIẾU NÓNG
Không nhất thiết phải là doanh nghiệp tốt mới "nóng". Các cổ phiếu nóng không nhất thiết phải là của doanh nghiệp tốt, thậm chí trong thực tế ở VN thường ít có trường hợp này. Yếu tố quyết định thường đến từ những thông tin bất ngờ, kể cả tốt lẫn xấu.
Thực tế là trên thị trường có rất nhiều trường phái đầu tư khác nhau và thước đo hiệu quả được tính đến là lợi nhuận chứ không phải tính hợp lý của nó. Nhiều nhà đầu tư cá nhân thường nhiệt tình ủng hộ cho trào lưu đầu tư "hiệu quả" này.
Chính vì vậy, sự tăng giá của các cổ phiếu nóng đôi khi không liên hệ nhiều đến các yếu tố cơ bản.
Một số đặc điểm ở những cổ phiếu nóng. Chúng ta có thể điểm qua một số đặc điểm cơ bản thường xuất hiện ở những cổ phiếu nóng:
Tình hình cơ bản của doanh nghiệp đang rất xấu, nay đột nhiên bớt xấu hơn. Ví dụ: doanh nghiệp đang ngập trong nợ nần, đột ngột giảm chi phí nợ do lãi suất trên thị trường giảm mạnh (trong 6 tháng đầu năm 2013, có thể thấy đặc điểm này ở các trường hợp cổ phiếu ITA, KBC…).
Cổ phiếu có lực mua rất mạnh từ các cổ đông nội bộ, hoạt động mua cổ phiếu quỹ hoặc các nhóm đầu cơ đã bán ra trước đó và đang cover lại hàng (PVX, FLC, VIS...).
Những thông tin đột biến về kinh doanh hoặc thâu tóm sẽ tạo ra lực cầu “khủng” cho cổ phiếu, do chúng có thể làm thay đổi giá trị nội tại của doanh nghiệp (TCM, TAC, VCF…).
Về giao dịch, cổ phiếu nóng thường có những đợt đảo chiều tăng giảm giá rất mạnh với khối lượng dễ dàng được kích thích đột biến. Tuy nhiên, sau khi dòng tiền có dấu hiệu rút đi thì thanh khoản thường cạn kiệt.
II. CHIẾN LƯỢC MUA BÁN VỚI CÁC CỔ PHIẾU NÓNG
Trước khi đi vào từng kỹ thuật cụ thể đối với thị trường giá lên và thị trường giá xuống thì cũng cần lưu ý chiến lược đối với các cổ phiếu nóng là vẫn phải duy trì nguyên tắc cơ bản Mua bình quân giá lên, Bán bình quân giá xuống.
Nghĩa là canh bắt đáy một lượng vừa phải (30% - 40%) của danh mục khi cổ phiếu chạm các vùng hỗ trợ mạnh. Nếu sau đó cổ phiếu phục hồi trở lại thì tiếp tục bình quân giá lên. Còn nếu thủng đáy thì nên cắt lỗ nhanh chóng để phòng ngừa rủi ro. Đây còn được gọi là chiến thuật 4 – 4 – 2 (theo tỷ lệ của danh mục) trong đầu tư chứng khoán.
Điều này đặc biệt phát huy tác dụng trong những đợt suy giảm kéo dài và không xác định được đáy của thị trường như hiện nay. Tùy thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro của mỗi người mà có thể chuyển thành chiến thuật 4 – 3 – 3 hoặc 5 – 3 – 2.
Ngoài ra, cũng có thể chẻ nhỏ tỷ lệ ra trong mỗi giai đoạn giải ngân tùy thuộc vào diễn biến từng phiên trong giai đoạn.
Chiến thuật tương tự áp dụng cho việc Bán bình quân giá xuống. Nhà đầu tư bán ra một phần cổ phiếu trước. Nếu thấy giá tiếp tục giảm thấp hơn giá mình bán thì tiếp tục bán ra.
1. Những điểm cần lưu ý khi mua cổ phiếu nóng:
Bắt đáy là cần thiết. Do các cổ phiếu nóng đảo chiều khá nhanh nên nếu như không có sẵn một lượng hàng trước đó, nhà đầu tư dễ bị rơi vào trạng thái tâm lý hối tiếc và thậm chí là lo sợ nếu như phải đua lệnh với giá cao để mua.
Vì vậy, việc bắt đáy là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải áp dụng ba kỹ thuật như sau để không rơi vào trường hợp "bắt dao rơi":
Thứ nhất là luôn để ý đến khối lượng giao dịch. Điều này bắt nguồn từ định đề số 5 trong Lý thuyết Dow về sự liên quan giữa giá và khối lượng. Theo định đề này, giá và khối lượng biến động cùng chiều thì xu hướng sẽ được duy trì tốt và mạnh mẽ. Nếu hai đại lượng này có biểu hiện ngược chiều nhau thì xu hướng hiện hành sẽ dễ bị đảo ngược.
Vì vậy, nếu khi giá đang giảm nhưng khối lượng tăng dần trở lại một cách ổn định thì nhiều khả năng giá đang ở gần đáy và việc mua vào bắt đáy là không quá rủi ro.
Thứ hai, phân kỳ cũng là dấu hiệu đáng chú ý. Kỹ thuật này có ưu điểm là cho phép nhà đầu tư nhận diện được sự xoay chuyển của xu hướng trước khi giá có những dịch chuyển đáng kể. Phân kỳ ứng dụng được cho hầu hết các indicator quen thuộc (MACD Histogram, Relative Strength Index, CCI-Equis…). Nguyên lý cơ bản của phân kỳ là sự tích lũy của giá sẽ tạo ra các điểm xoay chuyển (Turning Point).
Vì vậy, khi phân kỳ giá lên (bullish divergence) xuất hiện thì việc mua vào bắt đáy nhẹ có thể được xúc tiến.
Bullish Divergence: Khi giá liên tục tạo thành những đáy thấp hơn thì cùng lúc đó indicator liên tục tạo thành những đáy cao hơn.
Thứ ba là các ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Đây có thể là các vùng đáy cũ, đỉnh cũ (đã bị vượt qua), các con số tròn có ý nghĩa (10,000; 20,000; 100,000...)... Nếu giá các cổ phiếu nóng về lại các vùng này thì sẽ là một cơ hội đáng để bắt đáy.
Mua cao bán cao hơn. Theo quan sát của giới phân tích kỹ thuật thì nhà đầu tư nên mua khi nhóm momentum đi vào vùng overbought. Điều này đi ngược lại với các nguyên tắc thông thường của phân tích kỹ thuật nhưng điểm mua tốt nhất của cổ phiếu đôi khi lại nằm ở đây.
Quan sát mã cổ phiếu BTP, chúng ta sẽ thấy rõ là khi Stochastic Oscillator bắt đầu đi vào vùng trên 80 thì mới là lúc cổ phiếu này bắt dầu tăng mạnh sau một thời gian dài tích lũy trước đó.
2. Những điểm cần lưu ý khi bán cổ phiếu nóng:
Bán trong quá trình tăng để phòng ngừa rủi ro. Một trong những điểm hạn chế lớn nhất của các cổ phiếu nóng là đảo chiều khá bất ngờ và thường mất thanh khoản khi có dấu hiệu dòng tiền rút mạnh.
Vì vậy, một trong những vấn đề quan trọng không kém là có chiến lược thoát hàng hợp lý. Chiến lược bán trong quá trình tăng để phòng ngừa rủi ro được xem là một trong những giải pháp được giới đầu tư ưa chuộng nhất.
Chiến lược này giúp cho nhà đầu tư có được một lợi thế tâm lý rất lớn khi giá đảo chiều nhanh và bất ngờ.
Bán thấp mua thấp hơn. Nếu như có một phần cổ phiếu bị kẹp chưa bán được khi cổ phiếu đảo chiều thì nhà đầu tư có thể áp dụng chiến lược như sau:
Nhà đầu tư nên bán mạnh khi các momentum đi vào vùng oversold. Điều này có vẻ như vô lý theo lý thuyết phân tích kỹ thuật nhưng thực tế cho thấy là khá hiệu quả đối với hầu hết các cổ phiếu nóng ở Việt Nam.
Chiến lược này đặc biệt hiệu quả khi thị trường cũng đang có những biến động xấu và kéo dài. Điển hình là giai đoạn 2007 – 2008. Nếu những nhà đầu tư nào đi theo chiến lược này thì sẽ tránh được những khoản thua lỗ to lớn do xu hướng giảm giá mạnh của thị trường.
Mặt khác, những phân tích trên cũng cảnh báo nhà đầu tư rằng nếu chỉ báo dao động (momentum) xuống dưới vùng oversold thì không có nghĩa là phải mua ngay đối với những cổ phiếu nóng, vì thời gian duy trì ở vùng này có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nếu thị trường xấu.
Như vậy, sự biến động khá bất thường của các cổ phiếu nóng đã dẫn đến những chiến lược chuyên biệt dành cho nhóm này. Hy vọng bài viết này sẽ giúp nhà đầu tư tự tin hơn khi phải đối diện với các cổ phiếu nóng và duy trì "sự sống còn" trên thị trường chứng khoán, vốn đang trở nên ngày càng khốc liệt.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
Công Lý
|