Chủ Nhật, 12/01/2014 09:41

Sức mua ôtô 2013: Cú nước rút ngoạn mục

Tổng sức mua ôtô tại Việt Nam 2013 đạt mức tăng trưởng cả năm là 19%. Đây là mức tăng trưởng bất ngờ bởi trước đó, trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, ngành ôtô đã từng nhiều lần đưa ra dự báo rồi điều chỉnh theo những biến động cụ thể song mức tăng kỳ vọng cũng chỉ dừng ở 10%.

Chưa kể, nếu nhìn lại diễn trình của cả năm qua, đã có những thời điểm sản lượng bán hàng toàn ngành bất ngờ sụt giảm cho dù xu hướng đi lên so với năm trước là khá rõ ràng. Thậm chí trong giai đoạn “nóng” của thị trường là tháng 11, lượng xe bán ra cũng đã bị “trượt” nhẹ so với tháng liền trước khiến những kỳ vọng càng trở nên chông chênh.

Báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, tổng sản lượng bán hàng ôtô toàn thị trường năm 2013 đã đạt con số 110.519 chiếc, tăng 19% so với năm 2012. Trong đó, phân khúc xe chở người dưới 10 chỗ ngồi tăng 25%, phân khúc xe tải và xe thương mại tăng 16%.

Sự tăng trưởng bất ngờ này có được một phần nhờ cú nước rút ngoạn mục của tháng cuối năm. Cụ thể, đã có 13.205 chiếc xe mọi chủng loại được bán ra thị trường trong tháng 12/2013, tăng 30% so với tháng liền kề trước đó và tăng 32% so với cùng kỳ năm 2012.

Với những chuyển biến chưa thật tích cực trong công cuộc khôi phục nền kinh tế sau 5 năm kể từ thời điểm rơi vào khủng hoảng 2008, có thể nói đây chính là một tin vui đối với ngành ôtô Việt Nam. Từ đó, VAMA đã đưa ra dự báo tổng sức mua ôtô năm 2014 sẽ đạt khoảng 120.000 chiếc, tương ứng mức tăng trưởng 9% so với năm 2013.

Tuy nhiên, trong bức tranh đang dần đưa các gam màu hồng thành chủ đạo cũng vẫn còn vài chấm màu xám ít nhiều gây nên những băn khoăn, nhất là đối với ngành sản xuất ôtô trong nước.

Thị trường ôtô Việt Nam năm 2013 đã chứng kiến bước tiến mạnh mẽ của ôtô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng lượng ôtô CBU trong cả năm 2013 đạt khoảng 34.500 chiếc, đạt giá trị kim ngạch 709 triệu USD, tăng 25,9% về lượng và tăng 15,2% về giá trị so với năm 2012. Cùng với đà tăng mạnh về kim ngạch nhập khẩu là sự gia nhập của liên tiếp các thương hiệu mới như Lexus, Rolls-Royce, Infiniti, MG Car…

Đối với người tiêu dùng thì sự lớn mạnh của xe nhập khẩu là một tin vui song đối với ngành công nghiệp ôtô trong nước lại đem đến những nỗi lo. Bởi khi thời điểm thuế nhập khẩu ôtô CBU từ các nước trong khu vực ASEAN giảm còn 0% ngày càng cận kề thì nguy cơ đổ vỡ của ngành sản xuất xe trong nước càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Lưu ý rằng ngay trong bối cảnh ấy, chiến lược mới của ngành công nghiệp ôtô do Bộ Công Thương xây dựng vẫn chưa chính thức ra đời và thậm chí vẫn còn tiếp tục phải điều chỉnh.

Khi kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU tăng mạnh thì trong bức tranh chung của thị trường, mức tăng của ôtô lắp ráp trong nước (CKD) rõ ràng đang có phần thua kém.

Cụ thể, tổng sản lượng bán hàng của khối doanh nghiệp thuộc VAMA năm 2013 đạt 96.692 chiếc, tăng 20% so với năm 2012. Lưu ý rằng, bản thân nhiều doanh nghiệp thuộc khối này cũng đã tham gia vào thị trường xe CBU như Mercedes-Benz, Trường Hải, Ford, Honda, Toyota hay Suzuki…

Các tin tức khác

>   Tìm biện pháp chế tài doanh nghiệp FDI bỏ trốn (12/01/2014)

>   Thị trường xuất khẩu nhựa sẽ thay đổi (12/01/2014)

>   Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Giành thêm thị phần phân bón, hóa chất (11/01/2014)

>   Phía sau ngành công nghiệp điện tử (11/01/2014)

>   Thị trường điện máy: Khéo co thì sống được (11/01/2014)

>   Tăng xuất khẩu: Lấy công tác thị trường là trọng điểm (11/01/2014)

>   Doanh nghiệp chủ động đón sóng hội nhập từ TPP (11/01/2014)

>   Làm ăn kém, không ai bảo vệ được doanh nghiệp (11/01/2014)

>   Bỏ lỡ lợi thế từ vốn FDI (11/01/2014)

>   Ngành dầu ăn dự báo tiếp tục gặp khó (11/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật