Chủ Nhật, 12/01/2014 10:05

Tìm biện pháp chế tài doanh nghiệp FDI bỏ trốn

Định hướng sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2005 sẽ thông thoáng hơn nhưng cũng sẽ có những quy định chặt chẽ hơn trong việc quản lý nhà đầu tư, đưa ra những biện pháp xử lý các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vắng chủ, bỏ trốn, hoặc chậm thực hiện dự án.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đang nói) cùng Ban tổ chức và khách mời đang thảo luận tại Hội thảo

Đó là quan điểm phổ biến tại Hội thảo “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với sự tham gia tổ chức của Cục Đầu tư nước ngoài, Vụ pháp chế, Báo Đầu tư và Hiệp hội các Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài vào cuối tuần này.

Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi lần này có quy định biện pháp chế tài đối với những doanh nghiệp bỏ trốn, trong đó có nêu rõ quy định về hành chính do nhà nước quản lý và những quy định mang tính dân sự đối với nhà đầu tư.

Ban tổ chức hội thảo cho rằng hiện nay do thiếu các căn cứ pháp lý và e ngại một số nhà đầu tư nước ngoài (FDI) có thể khởi kiện ở quốc tế khi bị thu hồi dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vẫn chưa đưa ra được biện pháp xử lý các doanh nghiệp FDI vắng chủ, thậm chí đã bỏ trốn khỏi Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có hàng trăm dự án ở các địa phương mà chủ đầu tư không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký, chủ đầu tư bỏ về nước hoặc không thể liên lạc được; thậm chí có trường hợp đã bỏ trốn khỏi Việt Nam.

Bộ KH-ĐT nhận định rằng nguyên nhân chính của tình trạng trên là nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không trả được nợ, không trả lương cho người lao động và không đóng góp cho ngân sách nên phải đóng cửa, ngừng kinh doanh. Mặt khác cũng xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thiếu lành mạnh, nhằm mục đích trục lợi để huy động vốn nên đã bỏ về nước sau khi đạt được mục đích.

Cũng do thủ tục chấm dứt hoạt động, thanh lý, giải thể doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam còn phức tạp, mất thời gian và tốn chi phí nên nhiều nhà đầu tư tự bỏ về nước, không thực hiện các thủ tục để chấm dứt hoạt động doanh nghiệp. Điều này dẫn đến nhiều thiệt hại cho người lao động, đối tác trong nước và thất thu thuế nhà nước…

Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi lần này sẽ chú ý tập trung ràng buộc trách nhiệm nhà đầu tư nhiều hơn trong việc chậm triển khai dự án, đưa dự án vào hoạt động không đúng tiến độ dẫn đến gây lãng phí nguồn lực đất đai, tài nguyên thiên nhiên, làm suy giảm lòng tin của xã hội về tính hiệu quả trong hoạt động thu hút đầu tư...

Thế nào là đầu tư nước ngoài?

Tại Hội thảo, khái niệm về nhà đầu tư nước ngoài, sự cần thiết hay không của giấy chứng nhận đầu tư,.. cũng được đưa ra bàn thảo.

Theo các diễn giả, ngay khi Luật Đầu tư năm 2005 được ban hành, sự rối rắm trong khái niệm nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã được bàn tới, khi những va chạm giữa thủ tục đăng ký kinh doanh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài dưới 49%... liên tục diễn ra. Nguyên nhân của tình trạng này là do Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP chưa quy định rõ khái niệm nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài, nên việc xác định địa vị pháp lý (quyền, nghĩa vụ), điều kiện, thủ tục đầu tư, kinh doanh của các đối tượng này chưa có quan điểm thống nhất giữa các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Tại hội thảo, đại diện Vụ Pháp chế cho rằng, dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư đang đề xuất phương án phân biệt dựa trên tỷ lệ sở hữu theo nguyên tắc phù hợp với thông lệ quốc tế và không gây xáo trộn lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng, Nghị quyết 103/NQ-CP của Chính phủ cũng đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài. Trong đó, tập trung vào các giải pháp, như hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư, sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư; điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các dự án công nghệ cao và phù hợp vào Việt Nam; hoàn thiện các quy định nhằm hướng dẫn và kiểm soát môi trường, nâng cao hiệu lực và hiệu quả về quản lý ngoại hối, tín dụng, hoàn thiện quy định về đất đai, nhà ở…

Thứ trưởng Trung cho rằng trong năm 2014-2015, sẽ triển khai mạnh hơn việc đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu thời gian thẩm định, cấp phép để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm đưa dự án vào kinh doanh.

Hội thảo trên được tổ chức nhằm ghi nhận góp ý, đề xuất, nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ, định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.

Kêu gọi đầu tư chưa hợp lý

Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng việc cả nước có gần 300 khu công nghiệp nhưng chủ yếu là khu công nghiệp đa ngành, không có khu công nghiệp chuyên ngành dẫn đến việc thu hút đầu tư không có trọng tâm. Giáo sư kiến nghị nên chấm dứt tình trạng đầu tư các khu công nghiệp đa ngành.

Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Phiên, Chủ tịch HĐQT Amata Việt Nam cho rằng hướng thu hút công nghiệp phụ trợ trong nước hiện nay khó hiệu quả. Theo ông Phiên, lâu nay nói đến phát triển công nghiệp phụ trợ, thì nhiều người nghĩ ngay đến hai khu công nghiệp ở Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu theo chủ trương của Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, theo ông Phiên điều này không đúng bởi vì các nhà sản xuất công nghiệp phụ trợ thường đi cùng với nhà đầu tư lớn như dự án sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên trong khi hai địa phương này chưa có các dự án sản xuất quy mô lớn.

Theo ông Phiên, không nên định hướng địa phương nào phát triển khu công nghiệp chuyên về thu hút công nghiệp phụ trợ mà cần có quy định và những ưu đãi cụ thể về đầu tư công nghiệp phụ trợ. Còn việc chọn địa điểm, nơi nào đầu tư thì là quyết định của nhà đầu tư khi họ thấy nó phù hợp.


Hùng Lê

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thị trường xuất khẩu nhựa sẽ thay đổi (12/01/2014)

>   Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Giành thêm thị phần phân bón, hóa chất (11/01/2014)

>   Phía sau ngành công nghiệp điện tử (11/01/2014)

>   Thị trường điện máy: Khéo co thì sống được (11/01/2014)

>   Tăng xuất khẩu: Lấy công tác thị trường là trọng điểm (11/01/2014)

>   Doanh nghiệp chủ động đón sóng hội nhập từ TPP (11/01/2014)

>   Làm ăn kém, không ai bảo vệ được doanh nghiệp (11/01/2014)

>   Bỏ lỡ lợi thế từ vốn FDI (11/01/2014)

>   Ngành dầu ăn dự báo tiếp tục gặp khó (11/01/2014)

>   Khát vốn, doanh nghiệp vẫn không dám vay (11/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật