Làm ăn kém, không ai bảo vệ được doanh nghiệp
Trong hội nhập, chúng ta phải bảo vệ doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy sản xuất nội địa, phù hợp với các cam kết quốc tế nhưng bảo hộ quá mức là không nên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ động đề xuất các chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp (ảnh: Phạm Huyền)
|
Doanh nghiệp nội e ngại FDI
Một nhà máy 500 triệu USD đầu tư nguyên liệu ngành dệt may của FDI chỉ làm trong 1 năm, làm tới đâu, sản xuất luôn tới đó. Công ty Text Hong có dự án 1 triệu cọc sợi thì thực tế trong thời gian ngắn đã làm xong trên 500.000 cọc sợi và hiện, đang xây dựng thêm một nhà máy 250.000 cọc sợi, mức đầu tư 450 triệu USD.
Chỉ 2 năm qua, FDI rót tiếp vào ngành dệt may 1,5 tỷ USD, trong khi 15 năm qua, chỉ có hơn 3 tỷ USD FDI vào ngành này.
Tốc độ đầu tư nhanh tới mức chóng mặt của các doanh nghiệp ngoại như trên đang khiến ông Trần Quang Nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam sốt ruột như ngồi trên đống lửa.
Chia sẻ tại hội nghị ngành công thương tổ chức sáng 10/1, ông Nghị lo lắng: “Nước ngoài “canh” TPP (Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương) để vào mình dữ lắm. Trong khi đó, vũ khí của chúng ta quá yếu so với họ”.
Ông cho hay, FDI vừa qua chỉ tập trung nhắm vào nguyên liệu dệt may- khâu kém nhất của ngành dệt may Việt Nam. Hiện nay, Tập đoàn mới chỉ mạnh dạn đầu tư khâu nguyên liệu sợi và may, các khâu quan trọng khác là dệt, nhuộm thì Tập đoàn chưa… dám đầu tư vì vay ngân hàng sẽ không chịu nổi.
Ông Nghị đề xuất nên có một gói tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung để đón đầu TPP. Nếu trong 30.000 tỷ cho bất động sản, dệt may được 10.000 tỷ với lãi suất kéo dài thì có thể khắc phục được.
“Nếu không giải quyết nhanh khâu đầu tư cho ngành dệt may thì sau khi vào TPP, nước ngoài sẽ hấp thụ hết những lợi ích của TPP. Họ có vốn, có thị trường, có công nghệ nên họ sẽ đầu tư rất nhanh”.
Theo thống kê, năm 2013, trong hơn 20,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may thì 60% là thuộc về FDI.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Thuốc lá, ông Vũ Văn Cương đưa ra nhiều con số để minh chứng cho sự thua thiệt của thuốc lá nội so với… thuốc lá ngoại, mà tới 90% là.. hàng lậu.
Ông Cường cho hay, hiện nay, ngành sản xuất thuốc lá chủ yếu phục vụ những người nghiện thuốc lá. Nếu dừng sản xuất thì phải nhập khẩu, nếu không nhập khẩu thì sẽ xảy ra buôn lậu. Nếu nhập khẩu, Việt Nam sẽ mất 5 tỷ USD, dẫn đến nhập siêu. Nếu xảy ra buôn lậu thì một năm, Nhà nước sẽ mất trên 20.000 tỷ tiền thuế. Vì vậy, ngành này vẫn cần tồn tại.
Tuy nhiên, ông Cường bức xúc, thuốc lá nội đang chịu sức ép lớn khi thuốc lá lậu, siêu lợi nhuận đang chiếm tới 22% thị phần nội địa, với 930 triệu bao lọt vào Việt Nam. Trong khi đó, lực lượng chức năng chỉ bắt được 3% thuốc lá lậu hàng năm. Như vậy, vừa gây thất thu ngân sách, vừa ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng do không kiểm soát được chất lượng.
Bảo vệ sản xuất chứ không bảo hộ
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương là phải tạo cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Thủ tướng khẳng định, chúng ta hết sức ủng hộ các doanh nghiệp trong nước nhưng vẫn khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Vấn đề đặt ra là sẽ hỗ trợ các DN như thế nào trong thời gian tới.
“Chẳng hạn, với TPP, cơ chế chính sách gì để tận dụng được TPP thì các bộ phải đề xuất”, Thủ tướng nói.
“Trong khuôn khổ hợp tác cam kết quốc tế. Họ làm đúng luật trong cam kết quốc tế. Ta cũng phải làm để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy sản xuất phát triển, phù hợp với cam kết quốc tế. Nhưng bảo hộ quá mức thì không nên, thành độc quyền, sản xuất không có năng lực cạnh tranh”, Thủ tướng nêu quan điểm.
Dẫn lại câu chuyện gây ồn ào dư luận vừa qua trong ngành mía đường, Thủ tướng cho hay: “Khi có thông tin Hoàng Anh Gia Lai nhập 30.000 tấn đường vào Việt Nam, tái chế để xuất đi thì hiệp hội gửi tới Thủ tướng đủ thứ, rồi chất vấn tôi làm thế nào để đường Việt Nam sống được. Tôi cũng nói, bây giờ, một mặt chống buôn lậu nhưng cái gốc mía của chúng ta năng suất có 60-70 tấn/ha, làm sao cạnh tranh được với người ta làm 150-200 tấn/ha. Nhà máy đường chúng ta làm ra chất lượng thấp, thì làm sao mà kêu Chính phủ bảo vệ được?”
“Quan trọng là, phải đưa áp dụng công nghệ vào, tăng năng suất 1ha lên 200 tấn đường thì giá thành mới giảm xuống được. Thiết bị công nghệ cải tiến để chất lượng đường tốt hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với tình trạng thuốc lá lậu, Thủ tướng chia sẻ, như Tổng Công ty thuốc lá nói, chặn buôn lậu mới thì chúng ta mới chặn đầu vào, chưa quản lý đầu ra. Buôn lậu thuốc lá giờ chiếm 22%, một vài năm tới có thể 25% thị trường, còn người nghiện thuốc lá thì không cấm được, phải vận động dần dần. Nếu có chế tài rồi mà không làm được thì Bộ Công Thương phải xem lại, đề xuất kiểm soát đầu ra của thuốc lá.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, Bộ Công Thương nên tập trung làm tốt các quy hoạch, nhưng phải gắn với thị trường, thiết thực. Những vấn đề khó khăn của sản xuất, việc làm sao để tận dụng được thời cơ trong TPP, trong hội nhập thì Bộ cần phải tích cực chủ động đề xuất, ban hành thông tư, hướng dẫn,qua đó, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh.
Phạm Huyền
vietnamnet
|