Tăng xuất khẩu: Lấy công tác thị trường là trọng điểm
Năm 2013, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, tốc độ tăng xuất khẩu bằng tốc độ tăng nhập khẩu, cán cân thương mại của Việt Nam năm 2013 tiếp tục xuất siêu, ước xuất siêu cả năm là 863 triệu USD.
Bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời báo chí về hoạt động xuất nhập khẩu và định hướng xuất khẩu trong năm 2014.
Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá thế nào về hoạt động xuất nhập khẩu năm 2013?
Năm 2013, hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả rất tích cực. Quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đều vượt mức kế hoạch đề ra, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục xuất siêu. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt khoảng 132,17 tỷ USD và tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 131,3 tỷ USD.
Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỷ trọng hàng đã qua chế biến, cơ khí chế tạo đã tăng lên và hàng xuất khẩu thô giảm đi. Theo phân tích thì khoảng chừng 60% kim ngạch xuất khẩu thuộc nhóm hàng đã qua chế biến và hàng có hàm lượng giá trị tương đối cao, còn lại chỉ có hơn 20% là hàng xuất khẩu thô, hơn 20% hàng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, ngoài thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản, thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng sang các thị trường khác có tiềm năng như Châu Phi, Châu Mỹ Latinh.
Ngành công thương có giải pháp gì để mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?
Nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ít nhất 10% so với năm 2013 thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là công tác thị trường. Đó là làm tốt hơn hoạt động trong khuôn khổ của chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia. Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia lâu nay chỉ mới tập trung vào việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng trong hoạt động hội chợ, tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm, tổ chức hội thảo. Cứ có cuộc hội chợ, triển lãm nào được mời thì chúng ta tham gia. Đó cũng là điều hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới, cần phải chủ động tìm kiếm thị trường, chủ động tham gia, giới thiệu những mặt hàng mà mình có để người ta tham khảo và nghiên cứu. Đặc biệt là không nên xem nhẹ các thị trường tiềm năng. Nếu nhiều thị trường nhỏ cộng lại thì sẽ có ý nghĩa quan trọng không kém gì các thị trường lớn.
Năm 2013 tiếp tục là một năm hội nhập kinh tế quốc tế sôi động. Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành đã tích cực tham gia các sự kiện quốc tế quan trọng, các Hiệp định kinh tế, thương mại song phương… Thưa Bộ trưởng, tình hình ký kết các hiệp định hiện nay như nào?
Hiện nay, chúng ta tham gia tích cực, thực hiện cam kết trong khuôn khổ WTO, thực hiện tương đối thành công Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN và khai thác những lợi thế, ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ song phương và đa phương như giữa ASEAN- Trung Quốc, ASEAN- Nhật Bản, ASEAN- Ấn Độ, ASESAN- New Zealand, ASEAN- Australia, ASEAN- Hàn Quốc. Nhưng những hoạt động vừa rồi chưa đủ, chưa “quét” hết những thị trường đang quan tâm và có khả năng thâm nhập mạnh hơn. Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành Công Thương đang tiếp tục đàm phán thêm một số Hiệp định đàm phán khác tương tự như Hiệp định thương mại tự do như TPP, Hiệp định với Liên minh hải quan, Hiệp định với EU, Hiệp định với Hàn Quốc, và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Hy vọng các Hiệp định này sẽ hoàn tất mục tiêu trong năm 2014. Riêng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa.
Khi kết thúc đàm phán những Hiệp định quan trọng này thì rõ ràng những lợi thế, khả năng thâm nhập thị trường của hàng Việt Nam sẽ lớn hơn do được ưu đãi hơn và các hạn chế được tháo gỡ nhiều hơn, đặc biệt là được hưởng ưu đãi thông qua lộ trình kéo dài đối với cam kết của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội mà chúng ta cần nhanh chóng tận dụng nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt và nghiên cứu rất kỹ để tận dụng khai thác đối với những lợi thế mang lại ngay sau khi tham gia các hiệp định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động ứng phó để đến khi hết thời gian chuyển đổi doanh nghiệp có thể đứng vững được và cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa bên ngoài.
Dệt may là 1 trong mặt hàng chịu tác động sớm nhất khi Hiệp định TPP được ký kết. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nếu các doanh nghiệp dệt may không có sự chuẩn bị kịp thời và không nhanh thì lợi thế từ TPP đem lại sẽ rơi vào tay các nhà FDI?
Khi nói về các ưu đãi mà Hiệp định TPP mang lại thì rõ ràng trong lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa trong đó có dệt may, da giày, công nghiệp chế biến- những mặt hàng đang có lợi thế, chúng ta rất muốn có tăng trưởng cao hơn nữa. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không chủ động, không có biện pháp phù hợp mà chủ quan thì những lợi thế của Hiệp định này mang lại cho Việt Nam có thể bị các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại VN tận dụng. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn, phải có lộ trình cụ thể để khi TPP có hiệu lực để bắt nhịp ngay.
Xin cám ơn Bộ trưởng!
Thu Phương (ghi)
công thương
|