Chuyên gia kinh tế “đau lòng” về số doanh nghiệp đóng cửa
Con số gần 61 nghìn doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động trong năm 2013 khiến bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế thấy “nhức nhối” và “đau lòng”.
Trong buổi tọa đàm “Leader Talk: Cạnh tranh toàn cầu và hướng đi cho người khởi nghiệp” do Vietnam New Media Group” tổ chức ngày 11-1 với hơn 600 doanh nhân trẻ, sinh viên tham gia, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã không giấu nổi lo lắng trước hơn 200 nghìn doanh nghiệp phá sản trong 4 năm vừa qua.
Bà Phạm Chi Lan bộc bạch: Con số làm tôi nhức nhối trong năm 2013 là gần 61 nghìn doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động.
Trước đó, tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế -xã hội năm 2013 vừa qua, những băn khoăn về việc vấn đề doanh nghiệp “đóng cửa” tăng lên nhưng GDP vẫn tăng cao hơn năm 2012 đã được phóng viên đặt câu hỏi với Tổng cục Thống kê. Khi đó, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Thống kê tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng: Dù doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng lên nhưng số doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng cao hơn doanh nghiệp “đóng cửa” nên đã phần nào giúp GDP tăng lên.
Tại buổi tọa đàm, bà Phạm Chi Lan lại có quan điểm hoàn toàn khác. Theo bà Phạm Chi Lan, dù có 77 nghìn doanh nghiệp mới ra đời, nhưng con số gần 61 nghìn doanh nghiệp đóng cửa quan trọng và đau hơn nhiều so với 77 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.
Bà Phạm Chi Lan lí giải: “Bởi vì con số 61 nghìn doanh nghiệp "đóng cửa" là đỉnh cao của đà tăng liên tục số doanh nghiệp ngưng hoạt động. Nếu trong thời kì khủng hoảng 2008-2009, chỉ có 4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động thì năm 2010 tăng lên 40 nghìn, năm 2011 lên 53 nghìn doanh nghiệp, năm 2012 tăng lên 54 nghìn, năm 2013 lên 61 nghìn. So với năm 2010, số doanh nghiệp đóng cửa đã tăng gấp rưỡi”.
“Đó là khía cạnh đau lòng. Biểu đồ doanh nghiệp ngưng hoạt động đang tăng lên” – bà Lan bày tỏ.
Các chuyên gia có mặt tại buổi tọa đàm cũng phân tích thêm khía cạnh “đau lòng” đằng sau con số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Nếu như những năm đầu khủng hoảng, các doanh nghiệp nhỏ, yếu không chịu nổi “dông bão” nên đã ngưng hoạt động. Nhưng càng về sau, chúng ta càng mất đi những doanh nghiệp khá hơn.
Nhấn mạnh “Đây không phải là quy luật đào thải bình thường mà là rất không bình thường”, bà Phạm Chi Lan cho rằng: Những doanh nghiệp phá sản gần đây là các doanh nghiệp trung lưu, những doanh nghiệp hoạt động khá hơn. Họ đã trụ nổi 4-5 năm liền khó khăn thì đến năm thứ sáu họ không trụ nổi nữa và “đầu hàng”.
Nhắn nhủ đến hàng trăm bạn trẻ có thể đang nung nấu quyết tâm khởi nghiệp, chuyên gia Phạm Chi Lan tâm sự: Tôi thực sự mong có người trẻ khởi nghiệp và có thể thành công trong tương lai. Nhưng bối cảnh hiện nay chưa dám chắc các bạn thành công sớm được. Với thông điệp đầu năm của Thủ tướng, rồi đề nghị sớm đưa ra nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hy vọng năm 2014 sẽ có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp mới ra đời thành công.
“Nếu không làm được thực sự chúng ta rất khó khăn. Bởi vì năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập thì sự cạnh tranh sẽ dữ dội hơn. Cho nên chúng ta rất cần tạo ra sự thay đổi từ năm nay để tạo lực cho nền kinh tế trước thách thức vào năm tới” – bà Phạm Chi Lan khuyến cáo.
Lương Bằng
đầu tư
|