20 năm phá vòng vây phong tỏa kinh tế: Chuyện bây giờ mới kể
Kiên trì đến cùng để giành thắng lợi, Đoàn Việt Nam đã chủ động gặp gỡ Chủ tịch Câu lạc bộ và đề xuất: Thời điểm xóa nợ là 31/12/1991, để đưa khoản vay mới của Nhật năm 1992 ra khỏi điều khoản xóa nợ; Các quốc gia luật pháp không cho xóa nợ thì kéo dài thời hạn trả nợ là 30 năm...
* Bài 1: Chuyện những người đi xóa nợ
Tuy nhiên, câu chuyện của nguyên Phó thống đốc NHNN, TS. Lê Văn Châu về thu hút các nguồn tài chính quốc tế chưa dừng lại sau Hội nghị các nhà tài trợ lần đầu tiên, bởi các đối tác tài chính yêu cầu phải giải quyết hai việc còn lại, đó là khoản nợ Chính phủ Việt Nam vay các nước và nợ của các NHTM trong nước vay các NHTM nước ngoài.
Sau một thời gian vận động, IMF, WB và các quốc gia ủng hộ cho Việt Nam đưa khoản nợ này ra Câu lạc bộ Paris. TS. Lê Văn Châu nhớ lại: để triệu tập được Câu lạc bộ Paris có sự ủng hộ rất lớn từ phía Pháp. Tháng 12/1993, với sự chủ trì của Chủ tịch Câu lạc bộ Paris người Pháp, hội nghị đã được tổ chức để đàm phán giữa các chủ nợ và Việt Nam là bên vay để giải quyết nợ của Chính phủ. Ông Châu nói, điều đặc biệt của hội nghị này là họp, thảo luận liên tục không nghỉ cho đến khi nào kết thúc.
Đoàn đi Pháp lần này là nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế và nguyên Phó thống đốc NHNN, TS. Lê Văn Châu và đại sứ Việt Nam tại Pháp cùng các thành viên là Thứ trưởng Tài chính Phạm Văn Trọng và một số cán bộ thuộc Bộ Tài chính và NHNN. Tại Hội nghị, bản báo cáo kinh tế Việt Nam trong những năm đầu cải cách và triển vọng nền kinh tế cùng các phương án giải quyết nợ được đưa ra, gồm: Việt Nam yêu cầu xóa nợ tính đến 31/12/1992 trở về trước; Phần còn lại kéo dài 30 năm.
Nhưng, sau khi nghe phía Việt Nam, các chủ nợ nhận định: “Triển vọng cải cách kinh tế của Việt Nam đã cho thấy các thông số kinh tế hết sức sáng đẹp, nên kiến nghị xóa nợ là không cần thiết”. Hơn thế, họ biết tin Nga đã xóa nợ cho Việt Nam nên cho rằng, ta có điều kiện trả nợ cho họ.
Đáp lại, TS. Lê Văn Châu giải thích: “Đúng là nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, nhưng mới chỉ được vài ba năm, chưa tích lũy được bao nhiêu, dự trữ ngoại tệ gần như bằng không (0) và Việt Nam hiện không có khả năng trả nợ. Đối với nợ của Nga, Việt Nam chưa thương lượng. Có lẽ sau hội nghị này, Việt Nam mới thương lượng với Nga. Chúng tôi đề nghị các quốc gia xóa nợ cho Việt Nam”.
Nhưng ngay lúc đó, chúng ta lại gặp phải một vướng mắc khác, đó là luật pháp của một số nước như Mỹ không cho phép xóa nợ, mà chỉ cho phép kéo dài thời hạn trả nợ. Đến 5 giờ chiều, hai bên vẫn chưa thống nhất. Trưởng đoàn Hồ Tế gọi điện trực tiếp cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt xin ý kiến và ông đã cho ý kiến, nếu họ không chấp thuận xóa nợ mà chỉ kéo dài thời hạn trả nợ 30 năm thì “tùy cơ, ứng biến”.
“Điểm yếu của mình lúc đó là không chuẩn bị kỹ và chưa hiểu luật của một số quốc gia”, TS. Lê Văn Châu cho biết. Chính vì việc không chuẩn bị kỹ đã dẫn tới việc gộp chung khoản nợ mà Nhật vừa mới cho vay 45 tỷ Yên năm 1992 mà ngày 31/12/1992 ta đã đề nghị xóa nợ, nên họ phản ứng quyết liệt, không nhượng bộ. Trước đó, khi Bộ trưởng Tài chính Hồ Tế dẫn đầu Đoàn Việt Nam đến Paris, Đại sứ quán Mỹ chuyển thông điệp: Việt Nam phải chấp thuận trả khoản nợ mà Chính quyền Sài Gòn vay trước kia, nếu không sẽ không có đàm phán Câu lạc bộ Paris.
Trước thông điệp của phía Mỹ, nguyên Bộ trưởng Hồ Tế đã họp cả đoàn để tìm phương án, đồng thời báo cáo về Bộ Chính trị. Theo đó, chúng ta thống nhất rằng, Việt Nam chỉ nhận trả những khoản nợ của chính quyền Sài Gòn (cũ) phục vụ kinh tế, dân sinh khoảng 140 triệu USD cho nông nghiệp nông thôn chứ không chấp nhận trả những khoản nợ cho mục đích quân sự.
Cuộc họp tiếp tục từ 7 giờ tối đến 12 giờ đêm mà vấn đề cốt lõi vẫn không thể phân giải và cũng không biết làm thế nào để kết thúc. Cả hai bên, chủ nợ và Việt Nam được tách ra hai phòng họp riêng biệt để bàn thảo và người kết nối thông tin hội nghị giữa hai bên chính là Chủ tịch Câu lạc bộ Paris. Hội nghị kéo dài đến 2 giờ sáng hôm sau vẫn chưa đi đến thống nhất, đoàn Việt Nam trong khi chờ đợi, mỗi người tạm ngả lưng trên bàn làm việc. Đoàn Việt Nam quán triệt tinh thần còn nước còn tát.
Kiên trì đến cùng để giành thắng lợi, Đoàn Việt Nam đã chủ động gặp gỡ Chủ tịch Câu lạc bộ và đề xuất: Thời điểm xóa nợ là 31/12/1991, để đưa khoản vay mới của Nhật năm 1992 ra khỏi điều khoản xóa nợ; Các quốc gia luật pháp không cho xóa nợ thì kéo dài thời hạn trả nợ là 30 năm.
Giải pháp này sau khi bàn với Chủ tịch Câu lạc bộ Paris xong, cả đoàn quá mệt lăn ra ghế ngủ. Năm giờ sáng có tiếng gõ cửa. Một vài người tỉnh dậy chứng kiến sự tươi cười của Chủ tịch Câu lạc bộ. Ông Châu hỏi “Có gì vui không?”. Chủ tịch Câu lạc bộ hồ hởi “Tất cả các chủ nợ đã đồng ý với yêu cầu của Việt Nam, xóa nợ 52% và kéo dài thời hạn trả nợ với Mỹ và một số nước là 30 năm. Nếu Việt Nam không có ý kiến gì thì ra biên bản quyết định”.
27 giờ căng thẳng, cuối cùng cả đoàn đã thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, Chính phủ và nhân dân.
Bài 3: Thêm 2 năm trĩu nặng nỗi lo
(Nhất Thanh ghi theo lời kể của nguyên Phó thống đốc NHNN Việt Nam, Lê Văn Châu)
thời báo ngân hàng
|