Chính sách tiền tệ 2012-2013: 5 cái “nổi” theo ông Chủ tịch BIDV
Nhìn nhận ngân hàng không thể chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề của nền kinh tế, Chủ tịch HĐQT BIDV - ông Trần Bắc Hà (ảnh) - cho rằng, chính sách tiền tệ cần có sự phối hợp của các chính sách vĩ mô khác, các cơ quan, tổ chức khác… mới giải quyết triệt để những vấn đề của nền kinh tế.
Dẫn ý kiến này, ông Trần Bắc Hà muốn phản biện lại một số nhận định khi cho rằng, ngân hàng (NH) là tội đồ của mọi vấn đề tồn tại trong nền kinh tế. Mà trong đó, các vấn đề tăng trưởng GDP chậm lại, thị trường bất động sản đóng băng hay mặt bằng lãi suất giảm mạnh mà tốc độ tăng trưởng tín dụng chưa đạt mục tiêu... thường được cho là lỗi của ngành NH. “Phải chăng, vì ngân hàng là huyết mạch nên mọi bệnh tật của cơ thể kinh tế này đổ cho ngành là “hợp lý” hơn?” – ông Hà đặt câu hỏi.
Người đứng đầu BIDV cho rằng, NH không thể chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề của nền kinh tế, NH chỉ là trung gian tài chính và chính sách tiền tệ là một trong những chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng. Do vậy cần có sự phối hợp của các chính sách vĩ mô khác, các cơ quan, tổ chức khác, thậm chí cả hệ thống chính trị mới giải quyết triệt để những vấn đề của nền kinh tế.
Các biện pháp điều hành và kết quả trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2012-2013, theo vị lãnh đạo BIDV, có thể phản biện rõ rệt những nhận định mang tính “đổ lỗi” trên đây. Ông này khẳng định, ngay từ đầu năm 2012, chính sách tiền tệ được NHNN nhất quán và kiên định theo mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống các TCTD với 5 kết quả nổi bật và rõ nét.
Dấu ấn rõ nét nhất chính là lạm phát được kiềm chế trong năm 2012 với con số 6,81% và được giữ ổn định trong suốt năm 2013, đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 6% của Chính phủ. “Con ngựa bất kham” lạm phát được ghìm cương nếu so với con số 18% tại thời điểm cuối năm 2011.
Tỉ giá tiền đồng được giữ ổn định và tăng được dự trữ ngoại hối là kết quả nổi bật thứ hai. Nhờ đó trong 2 năm qua, dự trữ ngoại hối tăng cao và đạt khoảng 12 tuần nhập khẩu, tương đương khoảng 30 tỉ USD, làm gia tăng lòng tin đối với đồng tiền quốc gia và bổ sung nguồn lực để NHNN kiểm soát, ổn định thị trường.
Cùng với việc lạm phát được kiềm chế, mặt bằng lãi suất giảm và thanh khoản của hệ thống TCTD đảm bảo là diễn biến dễ ghi nhận trên thị trường thời gian qua. Diễn biến lạm phát được kiềm chế đồng thời mặt bằng lãi suất giảm góp phần hỗ trợ DN thúc đẩy sản xuất trái ngược với thời kỳ trước, khi để chống lạm phát cần tăng lãi suất.
Ông Trần Bắc Hà cũng nhìn nhận, thanh khoản hệ thống TCTD hiện được đảm bảo, lãi suất liên NH ổn định ở mức thấp và nhờ đó hỗ trợ giảm các mức lãi suất cho vay huy động trên thị trường dân cư.
“Lãi suất thị trường huy động vốn từ quý IV/2011 tới nay cũng được thiết lập lại trật tự sau hơn 2 năm lộn xộn, vô lối” – người đứng đầu BIDV dẫn chứng thêm.
Diễn biến tích cực của mặt bằng lãi suất cũng đi cùng với chính sách tín dụng được điều hành linh hoạt theo hướng nới tín dụng gắn với an toàn trong hoạt động để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một dấu ấn rõ rệt khác, theo ông Trần Bắc Hà, chính sách tiền tệ thời gian qua còn giải quyết được những vấn đề nội tại tiềm ẩn của ngành như chống đôla hóa, vàng hoá.
Cụ thể, mức dự trữ ngoại hối quốc gia được đưa lên trên mức 12 tuần nhập khẩu mà không gây ra phản ứng phụ như tăng lạm phát hay sóng tỉ giá. Hơn nữa, tỉ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán giảm và còn ở mức 12% so với mức 15,8% năm 2011. Tình trạng găm giữ vàng trong dân chúng cũng như thị trường vàng đã tồn tại nhiều năm dần được cải thiện đáng kể.
Các biện pháp điều hành và các con số nổi bật trên đây, một lần nữa theo Chủ tịch BIDV, phản biện lại rõ rệt những nhận định cho rằng ngân hàng là tội đồ của mọi vấn đề tồn tại trong nền kinh tế.
Hà Vinh
lao động
|