Thứ Hai, 23/12/2013 22:45

Cửa vay tín chấp ngân hàng ngày càng hẹp

Sau khi nhiều khoản cho vay không cách nào thu hồi được vì doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, và phải trích lập dự phòng rủi ro, các ngân hàng đã ngày càng cẩn trọng hơn với việc cho vay tín chấp (cho vay không có tài sản đảm bảo).

Ngân hàng hiện rất dè dặt với cho vay tín chấp

Theo một giám đốc chi nhánh tại TPHCM của Ngân hàng Đông Á, trong thời gian này, hai từ “tín chấp” chỉ được dùng cho các khoản vay đối với doanh nghiệp có uy tín, tức xếp hạng tín dụng vào dạng cao nhất, không có nợ quá hạn mới được vay.

Đồng thời hạn mức vay cũng dè dặt hơn trước do ngân hàng vẫn lo ngại các khoản vay này sẽ trở thành nợ xấu. Và khi đó, như với các khoản vay thế chấp thì nếu không đòi được nợ, ngân hàng sẽ xử lý tài sản đảm bảo, còn tín chấp thì không có tài sản nên không đòi được nợ cũng không thể làm gì khác ngoài chuyện trích lập dự phòng, và xem như khoản tiền đó đã mất.

Còn chủ tịch hội đồng quản trị môt ngân hàng nhỏ cho biết sau khi có những chuyện không hay về việc các ngân hàng phải kiện tụng để đòi nợ một doanh nghiệp cà phê, thì việc cho vay thế chấp bằng hàng tồn kho ngân hàng cũng ngần ngại, huống chi là cho vay tín chấp. Trong khi đó, trước đây, rất nhiều ngân hàng sẵn sàng cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu được vay tín chấp. Vì đặc thù của các doanh nghiệp này là quay vòng vốn rất nhanh, và hoạt động hiệu quả do tình hình xuất khẩu tốt. Còn nay, việc xuất khẩu gặp khó, và đã có hiện tượng các ông chủ bỏ trốn ra nước ngoài vì không trả được nợ thì ngân hàng không dè dặt không được.

Chưa kể, trong nhiều trường hợp chính nhân viên các ngân hàng cũng bị xử lý hình sự vì các vụ con nợ không còn khả năng trả, làm các hành vi vi phạm pháp luật. Vậy nên, cửa vay tín chấp ngày càng hẹp.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết, dù cho cơ quan quản lý hiện đã tạo điều kiện để các ngân hàng cho vay hỗ trợ doanh nghiệp thì chính các ngân hàng cũng không dám mạo hiểm với đồng vốn của mình.

Trong thời gian khủng hoảng kinh tế vừa qua, các ngân hàng đã nếm trải mùi vị nợ xấu rất nhiều, mà hiện nay, cho dù phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhìn vào khả thi, thì ngân hàng vẫn chưa dám chắc rằng doanh nghiệp sẽ thoát khó và trả được nợ hay không. Đó là lý do khiến cho việc xem xét cho vay đối với doanh nghiệp có nợ xấu, hay cho vay tín chấp với các doanh nghiệp không còn tài sản đảm bảo được các ngân hàng rất cân nhắc.

Ông Thanh cho rằng sự thận trọng của các ngân hàng sẽ tiếp tục trong năm 2014. Ít nhất là trước 2 vấn đề lớn mà các ngân hàng đang đối mặt là xử lý nợ xấu và tái cơ cấu lại ngân hàng về cả quản trị, tài chính… Một khi các ngân hàng vẫn chưa giải quyết xong nợ xấu, chưa đặt lợi nhuận lên làm mục tiêu cao nhất thì việc nới lỏng điều kiện cho vay với các doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện.Vì thực tế, việc nới lỏng về một mặt nào đó cũng sẽ gây nguy hại cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.

Như vậy, hiện tại với các doanh nghiệp, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khi không có tài sản thế chấp là rất khó. Đồng thời nếu muốn nhờ đến các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cũng không còn được cho phép. Hiện tại, các doanh nghiệp buộc phải thế chấp tài sản tại các quỹ này nếu muốn được bảo lãnh vay vốn.

Về việc áp dụng thông tư 02 về chuẩn phân loại nợ mới có hiệu lực vào đầu tháng 6 năm 2014, một nguồn tin riêng của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cho biết khả năng sẽ áp dụng đúng như dự định chứ không lùi thời hạn như đề nghị của một số ngân hàng. Tuy vậy, việc thực hiện sẽ đi kèm một số giải pháp giảm sốc.

Cụ thể như với một số trường hợp, ngân hàng có thể cơ cấu nợ theo quy định tại Quyết định 780 như trước, như doanh nghiệp đang có nợ xấu ở ngân hàng khác nhưng không có nợ quá hạn tại ngân hàng này thì ngân hàng vẫn có thể xem xét cho vay. Hay đối với những doanh nghiệp tốt nhưng có khó khăn tạm thời nên chưa có thể thanh toán nợ vẫn được tiếp tục cơ cấu, tức đưa ra lộ trình trả nợ. Tuy nhiên, sẽ siết tình trạng một số ngân hàng hiện đang cơ cấu nợ đối với các khoản nợ đã trở nên rất xấu.


Thanh Thương

tbktsg

Các tin tức khác

>   Nhìn lại 1 năm điều hành tín dụng, lãi suất (23/12/2013)

>   Ngư dân khó tiếp cận vay vốn tín dụng (23/12/2013)

>   Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Gửi VNĐ là kênh đầu tư an toàn và hấp dẫn nhất (22/12/2013)

>   Chuyên gia kỳ vọng NHNN xem xét “thả nổi” lãi suất (22/12/2013)

>   Tuần từ 16-20/12, NHNN hút về 4.847 tỷ đồng (21/12/2013)

>   Áp Thông tư 02, sẽ có ngân hàng đổ vỡ? (21/12/2013)

>   20 năm phá vòng vây phong tỏa kinh tế: Chuyện bây giờ mới kể (21/12/2013)

>   Tiếng nói cổ đông nào có “trọng lượng” nhất tại ABBank (21/12/2013)

>   Ngân hàng Bắc Á được tăng vốn điều lệ lên 3,700 tỷ đồng (20/12/2013)

>   Gói 30.000 tỉ đồng: Ngân hàng phủ nhận gây khó dễ (20/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật