Tiếng nói cổ đông nào có “trọng lượng” nhất tại ABBank
Vốn điều lệ hiện tại của ABBank đạt gần 4,800 tỷ đồng với 4 cổ đông lớn là Geleximco, EVN, MayBank và IFC đang nắm giữ tổng cộng trên 59% vốn điều lệ ngân hàng.
Tuy nhiên cổ đông có tiếng nói nhất trong ABBank có lẽ là Tập đoàn Geleximco thể hiện qua “lợi thế” về nhân sự cao cấp cũng như quan hệ “gắn kết” của thương hiệu “An Bình” và Geleximco. Đặc biệt, mới tuần qua (kể từ ngày 11/12), nhóm cổ đông của Geleximco chính thức trở thành cổ đông lớn nhất tại ABBank sau khi mua thêm 25.2 triệu cp từ EVN, nâng số lượng cổ phần sở hữu lên trên 23%. Thông tin này cũng chỉ vừa mới được công bố vào ngày 20/12.
Chủ tịch của Geleximco không ai khác chính là ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch HĐQT ABBank.
Ông Vũ Văn Tiền sinh năm 1959 tại Thái Bình. Ông sáng lập Geleximco và điều hành công ty này từ năm 1992 cho đến nay. Bên cạnh cương vị Chủ tịch HĐQT của Geleximco và ABBank, ông còn là Chủ tịch của CTCK An Bình, CTCP Xi măng Thăng Long, CTCP An Hoà và Phó Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Công nghệ C.M.C (HOSE: CMG).
Cổ đông lớn của ABBank tại thời điểm 30/06/2013
Ngày 11/12/2013, EVN đã chuyển nhượng 25.2 triệu cp (5.25%) ABBank cho Geleximco
|
ABBank: Ngân hàng bắt đầu với vốn 1 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) được thành lập vào ngày 13/05/1993, với tên gọi ban đầu là Ngân hàng TMCP Nông thôn An Bình. Các nhóm khách hàng mục tiêu hiện nay của ABBank bao gồm nhóm khách hàng doanh nghiệp, nhóm khách hàng cá nhân và đặc biệt là nhóm khách hàng điện lực.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, lãi ròng của ABBank từ sau năm 2009 đều đạt hơn 300 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2013, ABBank đạt 214.4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, ABBank cũng công bố tổng tài sản ở mức 50,000 tỷ đồng, dư nợ đạt 106% và huy động đạt 110% kế hoạch nửa năm. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh cụ thể của ABBank vẫn khó định đoán bởi cũng tương tự như nhiều ngân hàng chưa niêm yết khác, ABBank không công bố thuyết minh báo cáo tài chính hằng năm.
Trải qua 20 năm hoạt động và sau 17 lần tăng vốn, ABBank đưa vốn điều lệ ngân hàng lên gần 4,800 tỷ đồng từ con số khởi đầu là 1 tỷ đồng.
Trong hành trình tăng vốn của ABBank, nổi bật nhất là năm 2006, với 3 lần tăng, vốn điều lệ từ 165 tỷ đồng vọt lên hơn 1,300 tỷ đồng. Đến cuối năm 2009, ABBank phát hành thành công 17.8 triệu cp cho cổ đông chiến lược nước ngoài (lúc này là MayBank) để nâng vốn điều lệ lên trên 3,000 tỷ đồng. Cuối năm 2011, ABBank hoàn tất tăng vốn lên trên 3,830 tỷ đồng sau khi phát hành gần 38.8 triệu cp thưởng cho cổ đông hiện hữu.
Trong kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên 2012 thông qua, ABBank sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 5,000 tỷ đồng sau khi hoàn thành chuyển đổi 600 tỷ đồng trái phiếu do Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và MayBank sở hữu thành vốn cổ phần, tăng vốn điều lệ lên gần bằng 4,800 tỷ đồng.
17 lần tăng vốn điều lệ của ABBank
Nguồn: Vietstock tổng hợp
|
Quyền lực thuộc về ai?
Hiện tại, ABBank đang có 4 cổ đông lớn bao gồm hai tổ chức trong nước và hai tổ chức ngoại. Cụ thể là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), MayBank (ngân hàng lớn nhất Malaysia) và Tổ chức tài chính quốc tế - IFC (trực thuộc Ngân hàng Thế giới - WorldBank).
Trong nhóm cổ đông lớn của ABBank, Geleximco cho thấy những ảnh hưởng lớn nhất đến ngân hàng khi chiếm tỷ lệ vượt trội về số lượng thành viên trong HĐQT giữa các nhóm cổ đông. Và vị trí “quyền lực” nhất, Chủ tịch HĐQT ABBank do ông Vũ Văn Tiền nắm giữ, ông chính là Chủ tịch HĐQT của Geleximco.
HĐQT ABBank
Đặc biệt, nhiều đơn vị thành viên của Geleximco có sự gắn kết chặt chẽ với thương hiệu “An Bình” như CTCK An Bình (ABS), CTCP Bất động sản An Bình (ABLand), CTCP Tập đoàn Đầu tư Tài chính An Bình (ABFG), Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán An Bình và nổi bật nhất là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank).
Tại thời điểm 30/06/2013, nhóm cổ đông liên quan đến Geleximco sở hữu hơn 85.8 triệu cp ABBank, tương ứng tỷ lệ 17.88%, trong đó Geleximco sở hữu 7.74%. Bản thân ông Tiền chỉ nắm 0.37% nhưng người thân của ông và những công ty do ông đứng đầu sở hữu gần 18% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Geleximco tại ABBank tại 30/06
Nguồn: Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2013 của ABBank
|
Tập đoàn Geleximco đi lên từ phát triển kinh doanh xuất nhập khẩu và dịch vụ, thương mại, sau đó phát triển các ngành công nghiệp, bất động sản, tài chính – ngân hàng và công nghệ thông tin. Đây cũng là một Tập đoàn có quá trình tăng vốn hết sức ấn tượng, xuất phát điểm chỉ với 2.5 tỷ đồng nhưng hiện nay vốn điều lệ của Geleximco đã chạm con số lên đến 6,000 tỷ đồng, tức tăng 2,400 lần sau 8 năm hoạt động (2011).
Tới nay, Geleximco đã phát triển 6 chi nhánh trên cả nước, 20 công ty thành viên và 11 công ty liên kết. Tên tuổi của Geleximco gắn liền với những dự án lớn như Dự án đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) với tổng mức đầu tư 3,403,755 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2013; Dự án Trung tâm Thương Mại Tân Hoàng Cầu (Tòa nhà GELEXIMCO) tổng diện tích mặt bằng 26,000m2; Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn tại huyện Hoài Đức và hai bên đường Lê Trọng Tấn thành phố Hà Đông (Hà Nội) với diện tích 135 ha, tổng mức đầu tư 3,000 tỷ đồng…
Một số thương hiệu gắn liền với Geleximco
Nguồn: Website Geleximco
|
Theo số liệu công bố chính thức, cổ đông lớn nhất của ABBank chính là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) với tỷ lệ sở hữu gần 23% tính đến 30/06/2013. Tuy nhiên, thông tin mới nhất, tính đến thời điểm 11/12/2013, EVN chỉ còn sở hữu 16.02% vốn ABBank. Song hành với việc giảm sở hữu của cổ đông lớn EVN là sự gia tăng lượng nắm giữ của một cổ đông lớn khác, đó chính là Geleximco. Cụ thể, EVN đã bán 25.2 triệu cp (5.25%) cho Geleximco, giảm sở hữu từ 21.7% xuống còn 16.02%. Geleximco đã mua lượng cổ phần trên bằng với mệnh giá 10,000 đồng/cp.
Không chỉ giảm vốn, từ nay đến hết năm 2015, EVN sẽ tiếp tục thoái toàn bộ vốn tại ABBank theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước.
Cũng theo đó, lợi thế về khả năng chi phối tại ABBank đang nghiêng hẳn về Tập đoàn Geleximco – tổ chức tham gia lâu nhất và có nhiều quan hệ (thông qua cá nhân hay tổ chức) nhất tại ABBank. Nhóm cổ đông này đã sở hữu trên 23% vốn của ABBank theo các thông tin công khai, trở thành cổ đông lớn nhất tại ngân hàng ngày.
Ngoài ra, ABBank cũng đang có hai cổ đông lớn đến từ nước ngoài là MayBank và IFC. MayBank đang sở hữu 20% vốn và IFC sở hữu 10% vốn.
MayBank, một ngân hàng lớn của Malaysia, chính thức trở thành cổ đông chiến lược của ABBank vào năm 2008 khi mua 15% cổ phần. Đến thời điểm hiện tại thì MayBank đã nâng sở hữu tại ABBank lên 20%. Vừa qua, MayBank cũng đã mua thêm 120 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và 78 tỷ đồng trái phiếu thường để duy trì tỷ lệ sở hữu 20% tại ABBank. MayBank có ba nhân sự chủ chốt tại ABBank, ông Lee Tien Poh (Giám đốc MayBank Đông Dương) là Thành viên HĐQT, ông Kenneth Kwong Chor Wah là Giám đốc Khối Chiến lược và Phát triển và ông Steven Low Weng Haw giữ chức Giám đốc Khối Quản lý Rủi ro.
Tổ chức tài chính quốc tế - IFC chỉ mới bắt đầu hợp tác với ABBank vào năm 2009 thông qua chương trình Tài trợ thương mại với tổng hạn mức khi đó là 50 triệu USD. Hai năm sau đó, IFC đầu tư 40.5 triệu USD vào ABBank, bao gồm 480 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và 312 tỷ đồng trái phiếu thường do ABBank phát hành. Với 418 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, IFC đã chính thức sở hữu 10% vốn điều lệ sau khi chuyển đổi vào tháng 4/2013. Về nhân sự, một đại diện của IFC là ông Gale McGuigan (làm việc cho IFC tại Washington - Hoa Kỳ từ năm 1996 đến nay) hiện cũng đang là Thành viên HĐQT của ABBank (bổ nhiệm từ ngày 28/04/2013).
Sanh Tín
Công Lý
|