Ngư dân khó tiếp cận vay vốn tín dụng
Ngư dân không tiếp cận được các khoản vay tín dụng để hiện đại hóa tàu cá, nghề cá vì cơ chế cho vay và xử lý rủi ro như tín dụng thương mại. Vấn đề này đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ rõ ràng.
Đây là nội dung được các đại biểu nhắc đến nhiều nhất tại hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, Tỉnh ủy Phú Yên, báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) ngày 22-12.
Ngư dân vận chuyển cá ngừ đại dương đánh bắt trên vùng biển Trường Sa lên bờ sơ chế tại cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang
|
Muốn hiện đại nhưng… không có vốn
Ông Lại Xuân Môn - phó chủ tịch Hội Nông dân VN - cho biết cả nước có khoảng 128.000 tàu thuyền nhưng 105.000 phương tiện (chiếm đến 80%) có công suất dưới 90CV. “Chỉ khoảng 6.000 tàu cá của 20/28 tỉnh thành ven biển đủ điều kiện hoạt động trên những vùng biển xa là quá nhỏ so với nguồn lợi hải sản xa bờ được dự báo có tiềm năng khai thác rất lớn.
Nhà nước có đề ra các chính sách hỗ trợ, tín dụng ưu đãi cho ngư dân, nhưng bà con khó tiếp cận được với những nguồn vốn này do vẫn áp dụng cơ chế cho vay thương mại” - ông Môn nói. Ông Môn ví dụ : chính sách hỗ trợ lãi suất vay mua mới, đóng mới và thay máy tàu cá với điều kiện máy phải mới 100%, nhưng trong nước chưa sản xuất được máy tàu, còn giá máy nhập quá cao nên dân hầu như không thực hiện được. Bên cạnh đó, quy định hỗ trợ lãi suất vay để đầu tư các trang thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch yêu cầu máy móc, thiết bị được hỗ trợ phải đảm bảo yếu tố nội địa hóa 60% trở lên là thách thức rất lớn với ngư dân.
Đáng kể nhất là chính sách thí điểm hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa tàu cá gồm đóng 22 tàu vỏ thép để đánh bắt xa bờ triển khai tại tỉnh Quảng Ngãi gần môt năm qua, đến nay vẫn chưa đóng được chiếc tàu nào do vướng… cơ chế vay vốn. Ông Vũ Văn Tám - thứ trưởng Bộ NN&PTNT - giải thích: “Khó khăn lớn nhất vẫn là cơ chế cho vay và cơ chế xử lý rủi ro để thực hiện chương trình này giống như cơ chế tín dụng thương mại thông thường. Chính sách thì rất tốt: ngân hàng cho vay 80% giá trị con tàu trong 10 năm, lãi suất 3%/năm và vừa rồi thì giảm còn chỉ 2,5%/năm. Nhưng 20% vốn còn lại của ngư dân thì ngân hàng đòi phải có tài sản thế chấp mới cho vay được. Một con tàu vỏ thép có giá 9-10 tỉ đồng thì 20% của dân là khoảng 2 tỉ đồng, bà con đâu có tài sản gì mà thế chấp!”.
Ngư dân cần cơ chế tín dụng đặc thù
Ông Lê Nam - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa - bức xúc: “Chính vì không tiếp cận được với các khoản vay chính sách của ngân hàng mà ngư dân phải sử dụng “tín dụng đen” của các nậu, vựa. Những món vay nhỏ nhưng phải trả lãi lớn ấy khiến ngư dân không thể nào hiện đại hóa được nghề cá và không thể thoát nghèo”.
Để giải quyết bài toán ngư dân khó tiếp cận tín dụng ưu đãi, ông Phạm Hồng Sơn - trưởng ban khách hàng hộ sản xuất và cá nhân thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - đề xuất: “Các bộ, ngành cần xây dựng cơ chế đặc thù cho ngư dân vay đánh bắt hải sản xa bờ để ngân hàng mạnh dạn cho vay với tài sản thế chấp chỉ là tàu cá hình thành từ vốn vay. Đồng thời, cần có cơ chế chỉ đạo bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý mà ngư dân sản xuất ra có lãi để bà con an tâm sản xuất và ngành ngân hàng an tâm đầu tư”.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay: “Bộ NN&PTNT đang phối hợp và tham gia cùng ngành ngân hàng để tới đây trình Chính phủ nhằm đề xuất một chương trình tín dụng riêng, đặc thù, khác cơ chế tín dụng thương mại để áp dụng cho ngư dân và dịch vụ khai thác, hậu cần trên biển".
Tiến sĩ Trần Du Lịch - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - đề xuất : “Tôi kiến nghị nên xây dựng Trung tâm Hải sản quốc gia tại miền Trung. Trung tâm này có cảng cá, nơi neo đậu tàu thuyền và làm dịch vụ hậu cần nghề cá; tập trung những nhà máy chế biến có tầm cỡ và có những sản phẩm cụ thể; có trung tâm thương mại giới thiệu sản phẩm, mua bán, hợp đồng giữa các nhà thương mại với nhau; có trung tâm thông tin hỗ trợ về kỹ thuật và huấn luyện cho ngư dân; các chi nhánh ngân hàng, bảo hiểm… cũng tập trung tại đây. Như vậy, chúng ta sẽ tạo điều kiện để phát triển từ khâu đầu tư tín dụng để đóng tàu thuyền, hỗ trợ ngư dân tổ chức hậu cần cho nghề cá đến phát triển thương mại chế biến thành một hệ thống khép kín, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và hướng đến thị trường”.
Có lãng phí trong việc xây dựng khu neo đậu tàu thuyền
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Oai - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Bộ NN&PTNT - cho biết cả nước có gần 130.000 tàu thuyền và theo quy hoạch đến 2020 cần có 131 khu neo đậu tránh trú bão, nhưng đến nay mới đầu tư được 65 khu, trong đó chỉ 41 khu hoàn thành, đủ chỗ neo đậu cho chỉ hơn 30.700 tàu thuyền. “Nếu có bão lớn như bão Haiyan thì chắc chắn số tàu thuyền thiệt hại rất lớn vì thiếu nơi neo đậu trú tránh” - ông Oai nói.
Trao đổi bên lề hội thảo về lãng phí, bất cập trong xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền, Thứ trưởng Vũ Văn Tám thừa nhận: “Sau khi có thông tin từ báo chí, chúng tôi đã lập một đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan của Bộ NN&PTNT đi kiểm tra, làm việc với các địa phương và kết luận đúng là có hiện tượng như vậy. Nguyên nhân chủ quan là vốn đầu tư của chúng ta ít nên làm không hết các quy chuẩn, quy định về kỹ thuật; còn khách quan là do khu vực miền Trung sông rất dốc nên việc bồi lấp cửa sông xảy ra hằng năm, khiến tàu thuyền vào các khu neo đậu”.
|
Duy Thanh
tuổi trẻ
|