Vận tải biển Việt Nam: Báo động thụt lùi năng lực cạnh tranh
Tại hội thảo đánh giá thực trạng ngành vận tải biển vừa được tổ chức tại TP.HCM do Bộ Công thương phối hợp với tổ chức JICA - Nhật Bản tổ chức, Cục Hàng hải (Bộ GT-VT) đã thừa nhận thực tế ngành vận tải biển của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, mà một trong số đó là do "thụt lùi” về năng lực cạnh tranh và tình trạng thua lỗ kéo dài của các doanh nghiệp (DN).
Theo phản ánh của nhiều DN, dù bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng giảm nhưng hiện DN hàng hải vẫn phải đóng nhiều loại phí nhiêu khê khiến chi phí đầu vào tăng, khiến DN ở vào thế "một cổ đa tròng”. Theo ông Trịnh Thế Cường - Trưởng phòng vận tải và dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải, hiện có nhiều đơn vị thậm chí thua lỗ, dư nợ ngân hàng lớn, không có khả năng trả nợ, thậm chí phải ngừng chạy tàu để giảm chi phí hoặc bán bớt tàu để trả nợ. Thống kê năm 2011, cả nước có 14 hãng lớn công bố lỗ 3-25%, một số hãng phải nộp đơn xin phá sản. Trong 5 năm, từ (2008-2011) số đội tàu biển thế giới tăng 37% về trọng tải, gấp 3 lần nhu cầu vận tải, kèm theo xu hướng cạnh tranh thị trường khốc liệt cũng đã khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam ở vào thế khủng hoảng trầm trọng. Trong các giai đoạn tiếp theo, Cục Hàng hải cũng dự báo khả năng các đơn hàng vận tải biển sẽ tiếp tục giảm và nguy cơ thua lỗ là rất cao.
Đánh giá về sức cạnh tranh về vận tải biển hiện nay, bà Trần Phương Nhung, Phòng Giám sát và quản lý cạnh tranh – Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho rằng, hiện thị phần vận tải biển tại Việt Nam đã bị các hãng tàu biển nước ngoài chiếm số lượng "độc tôn” khoảng 80-85% thị trường; các DN trong nước chỉ chiếm thị phần nhỏ bé còn lại, chủ yếu phục vụ cho thị trường ASEAN và Trung Quốc. Đây là một trong những mối lưu tâm rất lớn của Việt Nam trong thời gian tới.
Lê Anh
Đại đoàn kết
|