Thực hiện giải pháp đồng bộ hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo phát triển
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), hiện nay, hơn 40% số doanh nghiệp cơ khí (DNCK) đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, không tiêu thụ được sản phẩm hoặc không có công trình, dự án, phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất. Ðể ngành cơ khí chế tạo (CKCT) trong nước từng bước vươn lên sản xuất, góp phần quan trọng vào tiến trình CNH, HÐH đất nước, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành chung tay nỗ lực tháo gỡ khó khăn.
Thực trạng đáng lo ngại
Thời gian qua, ngành CKCT trong nước đã có những bước phát triển vượt bậc: đã chế tạo được giàn khoan dầu khí tự nâng 90 m nước; đóng tàu trọng tải lớn; các thiết bị siêu trường, siêu trọng, bồn bể, lọc bụi tĩnh điện cho nhà máy nhiệt điện, xi-măng; thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện lớn; bơm, quạt, cẩu trục cỡ lớn; lắp ráp ô-tô tải, xe khách; động cơ đi-ê-den, máy nông nghiệp; giàn không gian; máy biến áp 110/220/500 kV... Tuy nhiên, tình trạng chung của hầu hết các DNCK trong nước đều thiếu vốn; công nghệ, thiết bị chế tạo còn lạc hậu, sản xuất còn manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm công nghệ cao; vốn ít, việc tiếp cận vốn của ngân hàng với lãi suất thấp hết sức khó khăn. Việc đầu tư của ngành CKCT những năm qua còn phân tán và chưa đồng bộ, chưa có một cơ sở chế tạo nào đủ mạnh làm đòn bẩy thúc đẩy toàn ngành. Việc phối hợp liên kết chưa thực hiện được cũng vì thiếu những chuyên ngành cơ khí cần thiết như các dự án sản xuất phôi thép rèn, đúc chất lượng cao, khối lượng lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến; thiếu các cơ sở có máy gia công chế tạo thiết bị lớn; thiếu nhân lực chất lượng cao cho ngành kể cả cán bộ hoạch định chính sách, quản lý, tư vấn, thiết kế, công nhân kỹ thuật có tay nghề...
Ðảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành CKCT phát triển như Kết luận 25-KL/TW của Bộ Chính trị; các Quyết định số 186/2002/QÐ-TTg; 55/2007/QÐ-TTg hay 10/2009/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... Tuy nhiên, Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ đánh giá, các chính sách chưa đi vào cuộc sống do nhiều nguyên nhân, thí dụ như Quyết định số 1791/2012/QÐ-TTg ngày 29-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước của các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012-2025" đến nay đã được một năm nhưng việc triển khai vẫn giậm chân tại chỗ. Nguyên nhân đơn giản vì các chủ đầu tư chưa thu xếp được nguồn vốn. Hoặc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 494/CT-TTg về sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách, song hơn ba năm qua, tình hình chưa có biến chuyển lớn. Chủ trương của Ðảng, Nhà nước đều xác định: Ðến năm 2020, nước ta cơ bản là một nước công nghiệp. Trong đó, coi cơ khí là một ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm độc lập tự chủ về kinh tế, củng cố an ninh, quốc phòng. Một nước công nghiệp đương nhiên không thể không phát triển ngành cơ khí, chế tạo máy, công nghiệp nặng. Trong khi, thời gian từ nay đến năm 2020 thật ra không còn nhiều. Ở tầm vĩ mô, chúng ta đã có những quyết sách mạnh và đầy đủ, song đáng tiếc là những chủ trương, chính sách này chưa được thấu suốt từ trên xuống dưới, nhất là ở cấp bộ, ban, ngành.
Chúng ta cũng thiếu cơ chế về thị trường và chính sách bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp thông lệ quốc tế. Trước Việt Nam, nhiều nước đã gia nhập WTO song họ vẫn có những chính sách, biện pháp linh hoạt để bảo hộ thị trường trong nước mà không vi phạm các cam kết quốc tế như sử dụng hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật, áp dụng Luật Chống bán phá giá, thưởng xuất khẩu, hoặc sử dụng tiếng nói của các tổ chức ngành nghề, hiệp hội... Hiện nay, chúng ta đang áp dụng Luật Ðấu thầu một cách cứng nhắc bởi chúng ta hầu như bỏ điều khoản nêu xuất xứ thiết bị để có hệ số đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật và giá trị. Như vậy, chúng ta đã vô tình biến "đấu thầu" thành "đấu giá". Ðây cũng là nguyên nhân chính khiến hầu hết các gói thầu EPC, nhất là các dự án nhiệt điện đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc.
Từng nghiên cứu rất kỹ thị trường nước ngoài, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thiết bị điện Ðông Anh (EEMC) Trần Văn Quang khẳng định, các nước, nhất là Trung Quốc, Nhà nước đều có các chính sách bảo hộ, hỗ trợ rất mạnh để xuất khẩu sản phẩm cơ khí sang Việt Nam bằng các biện pháp rất linh hoạt mà không hề vi phạm thông lệ quốc tế. Vì thế, họ có thể hạ giá sản phẩm khi đấu thầu quốc tế mà chẳng nước nào có thể đọ nổi. Do đó, không có lý gì chúng ta không kiên quyết bảo hộ sản phẩm trong nước.
Hiện nay, việc huy động vốn đầu tư các công trình trọng điểm hết sức khó khăn, cho nên, có thực tế là các chủ đầu tư, nhất là Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) thường ưu tiên lựa chọn các nhà thầu có thể thu xếp vốn. Chính vì thế, nhiều công trình, nhất là các nhà máy nhiệt điện đều do các công ty Trung Quốc với lợi thế giá bỏ thầu "rẻ nhất thế giới" luôn thắng thầu và họ làm tất từ "A đến Z". Các DNCK trong nước chẳng chiếm được bao nhiêu thị phần.
Theo số liệu của Bộ Công thương, từ năm 2013 đến 2025, tổng vốn đầu tư cho các ngành công nghiệp nước ta lên tới gần 290 tỷ USD, trong đó ngành điện 86,3 tỷ USD; dầu khí 92,5 tỷ USD, than 24,1 tỷ USD; thép 12 tỷ USD; giấy 12,8 tỷ USD... Trong đó, giá trị thiết bị chiếm từ 70 đến 75%, tương đương khoảng 202 tỷ USD, là số tiền cực lớn. Nếu chúng ta đặt mục tiêu trong 15 năm tới, ngành CKCT trong nước đáp ứng được 30% của tổng mức đầu tư trên thì với giá trị này, chúng ta đã góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giảm nhập siêu, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội rất lớn.
Gỡ khó để phát triển
Trong tình cảnh chung hiện nay, DNCK nào cũng khó khăn nhưng có không ít những điểm sáng biết vươn lên như: EEMC đi sâu chuyên ngành chế tạo máy biến áp các loại 110/220/500 kV, cầu dao cách ly 110-220 kV mà trong nước đang có nhu cầu rất lớn, góp phần giảm nhập khẩu; Công ty Cơ khí Ðông Anh sản xuất nhiều sản phẩm đúc, gia công cơ khí cho ngành xi-măng, nhiệt điện, sản phẩm nhôm thanh định hình, giàn không gian có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định trong và ngoài nước; Công ty cổ phần LISEMCO vẫn xuất khẩu nhiều sản phẩm kết cấu thép, thiết bị nhà máy nhiệt điện, xi-măng cho các hãng lớn trên thế giới; các công ty cơ khí như Phụ Tùng 1 (Futu1), Cơ khí Phổ Yên (Formeco), Diezel Sông Công (Disoco) tham gia chế tạo phụ tùng ô-tô, xe máy cho các hãng Toyota, Honda, Piagio ở Việt Nam...
Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ đúc kết: Qua các DNCK trên cho thấy, những đơn vị nào biết "lo xa" đầu tư, đổi mới công nghệ thật sự; đi sâu vào chuyên môn CKCT; nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao hàm lượng giá trị công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng của các tập đoàn lớn, xuất khẩu được sản phẩm, hợp tác hóa rộng... thì vẫn phát triển, tiêu thụ tốt sản phẩm, bảo đảm thu nhập khá và ổn định cho người lao động. Trong khi đó, những DNCK nào ít chịu đầu tư chiều sâu, sản phẩm hàm lượng giá trị thấp (kết cấu thép đơn thuần) thì khó đứng vững trên thị trường. Do đó, VAMI cũng như các DNCK mong mỏi Chính phủ cần sớm thay đổi Luật Ðấu thầu năm 2005, có cơ chế bảo hộ sản phẩm cơ khí trong nước mà không vi phạm các cam kết quốc tế, nhất là nghiên cứu các hàng rào kỹ thuật nhằm loại bỏ những sản phẩm cơ khí, thiết bị máy móc giá rẻ nhưng chất lượng thấp. Ðối với những dự án đầu tư và mua sắm sử dụng vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ bắt buộc trong hồ sơ mời thầu phải có tiêu chí đánh giá về tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật tư, thiết bị, các sản phẩm cơ khí trong nước mà bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Hoặc chia nhỏ các gói thầu, trong đó gói thầu thiết bị phụ trợ do trong nước thực hiện.
Trong điều kiện như hiện nay, với lãi suất ngân hàng đang áp dụng thì các DN vẫn còn rất khó khăn và với các DNCK còn khó khăn gấp bội. Ðặc thù của ngành CKCT là đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, trong khi lợi thuận thấp hơn các ngành khác, thời gian thu hồi vốn cũng lâu hơn rất nhiều. Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu có cơ chế tín dụng ưu đãi cho ngành CKCT, nhất là đối với các sản phẩm cơ khí trọng điểm; tạo điều kiện cho các DNCK được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, kể cả nguồn vốn vay từ các tổ chức quốc tế; xem xét giảm lãi suất vay xuống dưới 5% cho ngành cơ khí chế tạo. Trong ngành này, lâu nay vẫn tồn tại một nghịch lý là để thu hút đầu tư của nước ngoài, các thiết bị của dự án nhập khẩu vào Việt Nam được miễn thuế, trong khi các DNCK trong nước nhập khẩu vật tư chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu phải chịu thuế nhập khẩu (5 đến 20%) và thuế giá trị gia tăng (10%). Ðiều này vô tình chúng ta làm suy giảm đáng kể sức cạnh tranh của các DN trong nước.
Việc đầu tư trang, thiết bị chế tạo của các DNCK cần vào trọng tâm, không dàn trải, trùng lặp. Chính phủ phối hợp các bộ, ngành, viện nghiên cứu cơ khí chuyên ngành nghiên cứu giao đề tài chế tạo cụ thể nhất là đối với các nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm, giao trách nhiệm cụ thể và cấp kinh phí cho các DNCK. Nhà nước xem xét cấp kinh phí cho các DN mua bản quyền thiết kế, thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tư vấn trong tiếp nhận thiết kế. Tập trung đầu tư nâng cao năng lực thiết kế, tư vấn. Có giải pháp mạnh hỗ trợ các DNCK trong nước thông qua cơ chế tạo đơn hàng, chỉ định thầu hoặc đấu thầu trong nước mà các DNCK có thể đáp ứng được, nhất là các gói thầu EPC quy mô lớn.
Bản thân các DNCK cũng cần phải đổi mới, năng động, tự vươn lên trong cơ chế thị trường, không nên quá ỷ lại vào sự bảo trợ của Nhà nước. Tăng cường liên kết, tham gia các chuỗi giá trị cung ứng của các tập đoàn lớn trên thế giới. Tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm cơ khí. Tăng cường chuyên môn hóa sâu, hợp tác sâu, tránh đầu tư trùng lắp và cạnh tranh gây thiệt hại cho DN và nền kinh tế. Các DNCK, viện nghiên cứu chuyên ngành, trường đại học... cần tăng cường hợp tác, liên kết, tận dụng tối đa năng lực thiết bị, thế mạnh của từng đơn vị. Tích cực nghiên cứu các đề tài khoa học - kỹ thuật có tính thực tiễn, ứng dụng khả thi trong thực tế sản xuất và có thị trường tiêu thụ.
Tùng Lâm
Nhân Dân
|