Đừng vội “đổ tiền” vào Myanmar
Ngày 26-10, hiệp định giữa Việt Nam và Myanmar về miễn thị thực có hiệu lực, theo dự đoán nhiều nhà đầu tư sẽ đổ vốn vào Myanmar.
Myanmar được xem là môi trường đầu tư khá hấp dẫn, đặc biệt là từ khi chính quyền Thein Sein sửa đổi Luật Đầu tư vào cuối năm 2012 theo xu hướng kinh tế thị trường. Thế nhưng việc doanh nghiệp có nên đầu tư lớn vào nước này hay không là vấn đề đáng được quan tâm. Ông Chu Công Phùng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, có một số chia sẻ về vấn đề này.
Doanh nghiệp nên kiên nhẫn chờ đợi
Ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư tại Myanmar hiện nay?
Hiện nay, môi trường đầu tư ở Myanmar khá hấp dẫn, cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài còn được thuê đất với thời hạn lên đến 70 năm. Người nước ngoài giờ đây được phép sở hữu 100% vốn đầu tư ở nhiều loại hình doanh nghiệp khi được Ủy ban Đầu tư nước ngoài (FIC) phê duyệt. Bên cạnh đó, với sự trợ giúp của các nhà tài trợ kinh tế lớn từ Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)…, Myanmar sẽ tạo được đà trong việc khôi phục hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư nhanh hơn nữa.
Vậy đây có phải là cơ hội làm ăn của các doanh nghiệp Việt Nam?
Theo tôi thì chưa phải là lúc dốc hết nguồn lực đầu tư. Do Myanmar phải đối diện với mấy mươi năm thực hiện nền hành chính mệnh lệnh nên sẽ rất khó để chuyển đổi hoàn toàn theo hướng cởi mở trong một thời gian ngắn. Mọi thứ còn rườm rà, phức tạp, điều này không khác mấy so với thời gian đầu Việt Nam cải cách kinh tế.
Gia công, sản xuất đồ gỗ để xuất khẩu là một lĩnh vực mạnh trong nước có thể đầu tư tốt vào Myanmar. Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu thông tin để ký hợp đồng tại triển lãm đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh: HTD
|
Ngoại trừ thủ đô Naypyidaw, những nơi còn lại hạ tầng rất thô sơ, khó đảm bảo yêu cầu đầu tư. Ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành hỗ trợ sản xuất đều thiếu. Thế nên dù cải cách đã hai năm rồi nhưng tốc độ phát triển kinh tế cũng chỉ dừng lại 6%-7%, rất khó lên đến hai con số.
Môi trường đầu tư vào Myanmar không thực sự tốt như nhiều người mong đợi?
Tôi từng so sánh “Myanmar như một cơ thể vừa khỏi bệnh nhưng vẫn còn rất yếu”. Thế nên việc đổ mạnh vốn đầu tư vào nước này trong bối cảnh hiện nay là chưa khôn ngoan bởi dễ xảy ra hiện tượng “bội thực” đầu tư. Tôi nghĩ là các doanh nghiệp phải chờ đến năm 2015. Đó là năm đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng về chính trị của Myanmar khi hoàn thành cuộc bầu cử tổng thống. Khi đó, môi trường đầu tư, luật pháp sẽ được hoàn thiện hơn do có thời gian chuẩn bị và chính quyền mới thực sự là chính quyền dân chủ do dân bầu ra.
Doanh nghiệp Việt thường yếu thế
Ông nhận định như thế nào về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar?
Năng lực đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam còn kém. Thứ nhất, nhiều nhà đầu tư không khảo sát thị trường, chưa đánh giá đúng năng lực bản thân nên đầu tư mang tính chụp giật. Điển hình như một doanh nghiệp từ TP.HCM. Sau khi doanh nghiệp đổ vốn đầu tư cơ sở kinh doanh thì hết tiền, phải dừng đầu tư, không thể hoạt động tiếp. Một trường hợp khác chính là tập đoàn của Việt Nam ở thị trường viễn thông. Ở vòng đấu thầu, họ vượt qua mấy mươi công ty để vào vòng cuối nhưng thất bại vì tiềm lực kinh tế yếu.
Bên cạnh đó, điều rất đáng lưu ý là chữ tín của doanh nghiệp Việt chưa cao. Đã có trường hợp người Việt triển lãm hàng hóa thì tốt nhưng chuyển hàng qua Myanmar thì kém. Thậm chí là còn lấy hàng hóa nước khác dán nhãn hàng Việt Nam vào để bán. Làm ăn như thế thì một, hai lần người ta sẽ bỏ chạy.
Doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để vượt qua các đối thủ, thưa ông?
Chúng ta nên tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh, đó là nông nghiệp, chế biến thực phẩm và gia công đồ gỗ. Ngành chế biến thực phẩm hiện nay tại Myanmar kém phát triển. Họ đang rất cần Việt Nam do những tương đồng về kinh tế nông nghiệp như lúa gạo, thủy sản.
Bên cạnh đó, Myanmar sở hữu thị trường xuất khẩu đồ gỗ rộng lớn, thậm chí là lớn nhất tại EU với thuế suất là 0%. Myanmar đã và đang kêu gọi Việt Nam sang đầu tư gia công, sản xuất đồ gỗ để xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay phải nhập gỗ về nước, sau đó mới gia công và xuất khẩu. Vậy tại sao không “thuê ngoài” tại Myanmar để vừa khỏi nhập khẩu, vừa hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi.
Doanh nghiệp Việt được ưu ái tại Myanmar
Ngoài các yếu tố phù hợp về văn hóa, mới đây hiệp định giữa Việt Nam và Myanmar về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông chính thức có hiệu lực từ ngày 26-10. Tại Đông Nam Á, ngoài Lào thì chỉ có Việt Nam mới nhận được ưu đãi này. Ngoài ra, dự án khách sạn đẹp nhất, lớn nhất tại thủ đô Naypyidaw được ưu tiên cho nhà đầu tư Việt Nam. Trong khi đó, các nước láng giềng xung quanh chưa thể thân Myanmar như Việt Nam.
|
Đỗ Thiện
Pháp luật tphcm
|