Nhập siêu từ Trung Quốc tăng mạnh
Bộ Công Thương đánh giá, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng mạnh qua từng năm với ưu thế nghiêng về hàng hóa Trung Quốc và khoảng cách nhập siêu của Việt Nam cũng liên tục được nới rộng.
Cửa khẩu quốc tế Lào Cai
|
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch nhập khẩu 9 tháng 2013 từ thị trường châu Á chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các thị trường nhập khẩu của Việt Nam (tới 80,6%), riêng Trung Quốc chiếm hơn 27,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Nhập khẩu liên tục tăng
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (VITIC), 9 tháng đầu năm 2013 có tới 43 nhóm hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 26,74 tỷ USD.
Trong đó có 5 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy móc, dụng cụ và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải; sắt thép. Phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đều đạt kim ngạch từ vài chục đến vài trăm triệu USD/nhóm hàng.
Bộ Công Thương nhận định, với kim ngạch nhập khẩu trên dưới 3 tỷ USD/tháng như hiện nay, chắc chắn lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2013 sẽ vượt mốc 30 tỷ USD và nhóm hàng có kim ngạch tỷ USD sẽ không dừng ở con số 5.
Kết quả thống kê của Tổng cục Hải quan từ năm 2009 đến nay cho thấy, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc liên tục tăng mạnh. Năm 2009, tổng giá trị hàng nhập khẩu đạt 16,44 tỷ USD; năm 2010 là 20,018 tỷ USD; năm 2011 lên 24,9 tỷ USD; năm 2012 gần 28,8 tỷ USD. Trong 4 năm qua, Trung Quốc duy trì mức tăng kim ngạch xuất khẩu vào Việt Nam khá đều đặn, xấp xỉ 4 tỷ USD/năm.
Trong khi đó, xuất khẩu 9 tháng năm 2013 của Việt Nam sang Trung Quốc tăng nhẹ ở mức 2,61%, song tốc độ tăng quá ít không bù đắp nhập khẩu từ thị trường này. Do đó, thâm hụt thương mại của nước ta với Trung Quốc ngày càng lớn.
Năm 2009, Việt Nam nhập siêu 11,54 tỷ USD; sang năm 2010 con số này lên 12,7 tỷ USD, gần bằng với giá trị nhập siêu của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam; năm 2011 tăng lên 13,467 tỷ USD; năm 2012 là 16,397 tỷ USD và trong 9 tháng qua đã lên đến con số 17,245 tỷ USD.
Mở rộng sản xuất thay thế nhập khẩu
Theo VITIC, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc không chỉ thua thiệt về trị giá mà ngay cơ cấu hàng xuất khẩu cũng không có sự cải thiện đáng kể. Trong khi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là sản phẩm hoàn thiện phục vụ tiêu dùng thì hàng hóa xuất khẩu của ta chủ yếu dưới dạng nguyên liệu thô nên giá trị kinh tế, sức cạnh tranh không cao. Một nghịch lý được VITIC dẫn chứng, Việt Nam xuất khẩu gỗ dăm, gỗ nguyên liệu nhưng lại nhập về các sản phẩm gỗ ép, giấy...
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc của Việt Nam bắt đầu gia tăng từ năm 2000. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, vượt qua Nhật Bản và Hàn Quốc. Tỷ trọng nhập khẩu hàng hoá Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ năm 2005 đến nay đều cao hơn từ 2-3 lần so với tỷ trọng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trên tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nguyên nhân chủ yếu là do các ngành hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển nên buộc phải nhập từ Trung Quốc máy móc thiết bị, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc và nguyên liệu; hoá chất, chất dẻo, máy tính và hàng điện tử...
Chính vì vậy, đẩy mạnh xuất khẩu, thay đổi cơ cấu nhập khẩu và thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa thông qua mở rộng sản xuất thay thế hàng nhập khẩu và chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ được coi là những giải pháp hữu hiệu. Hướng vào xuất khẩu các hàng hóa đem lại giá trị gia tăng cao như phần mềm, linh kiện điện, điện tử...
Đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như châu Phi, Trung Đông để giảm bớt phụ thuộc và chia sẻ rủi ro, khắc phục được cán cân chênh lệch thương mại khá lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bộ Công Thương cho biết, để tăng cường kim ngạch thương mại song phương và cải thiện cán cân thương mại, hai nước đã ký Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác phát triển kinh tế thương mại Việt – Trung (2012-2016), mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỷ USD vào năm 2015.
Các nhà phân tích cho rằng, mục tiêu này không khó để đạt được song nếu các ngành, các doanh nghiệp không có sự chuyển hướng tích cực trong hoạt động xuất khẩu thì con số 60 tỷ USD vẫn chủ yếu đến từ phía Trung Quốc.
Hương Loan
Vneconomy
|