Doanh nghiệp Nhà nước lo "sốt vó" trước đề xuất thu cổ tức
Một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặc biệt quan tâm là đề xuất thu cổ tức tại các doanh nghiệp nhà nước chưa nộp về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Theo dự kiến của Bộ Tài chính, thu ngân sách năm 2014 đạt khoảng 782.700 tỷ đồng, giảm 33.300 tỷ đồng so với dự toán năm 2013. Để thu được số tiền này, ngoài các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước, từ hoạt động xuất - nhập khẩu, dầu thô, còn có khoản thu từ cổ tức của Nhà nước tại doanh nghiệp chưa nộp về SCIC.
Thu từ tài nguyên thiên nhiên đang giảm dần, thu từ đất đai cũng khó có thể tăng thêm, thậm chí còn bị giảm do thị trường bất động sản chưa phục hồi; thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu cũng khó có thể tăng, do thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, nhiều đại biểu Quốc hội khá “hào hứng” trước đề xuất thu từ cổ tức tại các doanh nghiệp mà Nhà nước đầu tư vốn.
Theo ông Bùi Văn Xuyền, ĐBQH tỉnh Thái Bình, việc các doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng hàng triệu tỷ đồng vốn nhà nước, ngoại trừ số doanh nghiệp do SCIC làm đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước là nộp cổ tức, còn lại Nhà nước không thu được một đồng nào từ hoạt động đầu tư vốn là hết sức vô lý, không công bằng với các nhà đầu tư khác và không tuân theo cơ chế thị trường.
“Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 5, TS. Trần Du Lịch (ĐBQH TP.HCM) đã đề xuất ý tưởng thu hồi số tiền cổ tức này, nhưng chưa được nhiều người quan tâm. Trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn như hiện nay, theo tôi, cần phải nghiêm túc nghiên cứu đề xuất của TS. Lịch”, ông Xuyền phát biểu.
Theo tính toán của ông Xuyền, nếu Nhà nước thu đúng, thu đủ, thì riêng số tiền cổ tức đem về cho ngân sách hàng năm tới cả trăm ngàn tỷ đồng. “Với số tiền này, ngân sách có khoản khá khá để giảm bội chi xuống còn tối đa là 4,5% như mục tiêu Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, có khi không nhất thiết phải huy động đủ 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong 3 năm tới, mà vẫn đủ tiền để đầu tư cho các công trình, dự án cơ sở hạ tầng, trả được cơ bản nợ xây dựng cơ bản…”, ông Xuyền phân tích.
Tìm được “phao cứu sinh” an toàn cho ngân sách nhà nước, nhiều ĐBQH tỏ ra hết sức vui mừng, trong đó có ông Phạm Quang Khải, đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Nhiều người băn khoăn về việc thu cổ tức của doanh nghiệp nhà nước vào ngân sách chưa có cơ sở pháp lý. Tôi cho rằng, vấn đề này rất dễ giải quyết. Cụ thể, ngay tại Kỳ họp này, Quốc hội có thể yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế thu cổ tức và Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết để thực hiện”, ông Khải nêu ý kiến.
Trong khi đó, những đại biểu đại diện cho khu vực doanh nghiệp nhà nước lại không hề vui mừng với đề xuất trên.
Ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phân trần, khi thành lập, Nhà nước chỉ cấp cho Vinacomin 4.500 tỷ đồng, mỗi năm khai thác được 4 triệu tấn than, sau nhiều năm tích lũy, đầu tư, đến nay, vốn của Tập đoàn lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, khai thác hơn 40 triệu tấn than, tạo việc làm cho hàng chục vạn lao động.
Ông Hòa cho biết, toàn bộ số tiền đầu tư của Vinacomin từ trước đến nay đều là tiền tích lũy lợi nhuận sau thuế do Nhà nước không thu lại (cổ tức), vì mấy chục năm qua, Nhà nước không cấp thêm cho Tập đoạn một đồng nào, giờ mà ngân sách thu cổ tức thì Vinacomin không biết lấy gì để đầu tư.
“Tôi phát biểu không chỉ là tiếng nói của hàng chục vạn người làm việc trong ngành khai thác than, mà là nói lên tâm tư, nguyện vọng của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước khác gửi gắm đến Quốc hội và các ĐBQH. Họ muốn chất vấn rằng, nếu ngân sách ‘quyết thu’ cổ tức, thì khi họ đầu tư theo đề án tái cơ cấu, kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, liệu ngân sách có cấp lại tiền cho họ không. Nói thật, nộp tiền vào ngân sách thì dễ, chứ lấy ra thì vô cùng khó. Cứ lấy ví dụ từ tiền hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ thấy, Bộ Tài chính bảo sẽ hoàn trong vòng từ 6 đến 15 ngày sau khi nhận đủ hồ sơ hoàn thuế, nhưng thực tế khác xa rất nhiều”, ông Hòa lên tiếng.
Vẫn theo ông Hòa, để lại cổ tức cho doanh nghiệp có vốn nhà nước là hợp lý, vì họ có nguồn để chủ động đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo việc làm và đóng góp vào ngân sách nhà nước qua các loại thuế, phí. Như vậy, ngân sách cũng không đi đâu mà thiệt hại.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Việt Hà (ĐBQH TP. Hà Nội) cũng không “mặn mà” gì với ý tưởng thu cổ tức nhà nước khi cho rằng, cứ lúc nào Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, thì ngay lập tức lại ban hành chính sách khác để thu lại.
Đơn cử, mấy năm gần đây, ngay sau khi ban hành các giải pháp miễn, giảm, gia hạn một số loại thuế, thì nâng tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất lên gấp nhiều lần, lên tính đi, tính lại doanh nghiệp chẳng được hỗ trợ gì, thậm chí còn phải nộp ngân sách nhiều hơn.
Nam Kinh
đầu tư
|