Thứ Tư, 25/09/2013 13:30

HOSE sẽ ra mắt bộ chỉ số vốn hóa thị trường và ngành trong năm 2014

Tại hội thảo giới thiệu bộ chỉ số HOSE-Index diễn ra tại TPHCM do Sở GDCK TPHCM tổ chức chiều ngày 24/09, bà Nguyễn Thị Việt Hà – Giám đốc phòng nghiên cứu phát triển HOSE cho biết: “Tháng 1/2014 sẽ giới thiệu bộ chỉ số mới gồm VNMidcap, VNSmallcap, VN100 và VNAllshare”.

Bên cạnh đó, bà cũng cho biết, dự kiến quý 3/2014 sẽ giới thiệu bộ chỉ số ngành bao gồm: tài chính ngân hàng bảo hiểm, bất động sản và chế biến chế tạo, còn những ngành khác sẽ giới thiệu trong những thời gian thích hợp”.

Nhận xét về chỉ số VN30 sau một thời gian hoạt động từ ngày 06/02/2012, ông Trần Đắc Sinh – Chủ tịch HĐQT Sở GDCK TPHCM cho biết, VN30 đạt được mục tiêu ban đầu là khắc phục được những hạn chế của VN-Index, trở thành chỉ số mang tính toàn diện cao cho thị trường. VN30 đã khá thành công khi lựa chọn vào danh mục những công ty thực sự chất lượng. Bất chấp những khó khăn của suy giảm kinh tế, các công ty trong VN30 đã có mức tăng khá ấn tượng trong năm 2013. Với những thành công bước đầu của chỉ số VN30 tạo cơ sở thuận lợi cho việc sử dụng VN30 làm tài sản cơ sở cho các sản phẩm tài chính như quỹ chỉ số, ETF, hoặc các sản phẩm phái sinh khác.

3 mục tiêu xây dựng bộ chỉ số mới

Ông Sinh nhìn nhận, những phân khúc thị trường khác như công ty có quy mô vốn hóa nhỏ và trung bình, những công ty có cung nhóm ngành nghề chưa có thước đo để phản ánh diễn biến trên thị trường. Chính vì vậy, Sở GDCK TPHCM đã triển khai thêm các chỉ số VNMidcap, VNSmallcap, VN100 và VNAllshare.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà – Giám đốc phòng nghiên cứu phát triển HOSE cho biết mục tiêu xây dựng bộ chỉ số mới là để phản ánh thông tin chi tiết của thị trường, gia tăng cơ hội đầu tư theo chỉ số, ETF, phái sinh và tạo nên sự đồng bộ và khả năng so sánh về chỉ số với các Sở GDCK trong khu vực.

Bà cũng cho biết đặc điểm của bộ chỉ số mới là chỉ số giá tính theo phương pháp giá trị vốn hóa (GTVH) có điều chỉnh free-float, là những công ty niêm yết trên HOSE đáp ứng tư cách tham gia vào bộ chỉ số và điều kiện sàn lọc và cuối cùng là giới hạn tỷ trọng ở mức 10%. Theo đó, số cổ phiếu trong VNMidcap sẽ là 70 cổ phiếu còn VNSmallcap và VNAllshare không cố định số cổ phiếu.

Điểm cải tiến trong quy tắc chỉ số

Do các công ty có cổ phiếu thuộc nhóm Midcap và Smallcap là những công ty thuộc tầm trung và đa dạng trên thị trường nên việc hoạt động thua lỗ chỉ đến từ những thời điểm nhất thời và việc bị cảnh báo do lỗ không nghiêm trọng bằng cảnh báo do vi phạm công bố thông tin. Việc công bố thông tin phản ảnh mức độ tuân thủ với quy định của pháp luật và phản ảnh tình hình quản trị của công ty, việc này rất được các nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, với mong muốn nâng cao năng lực quản trị của công ty nên Sở đã đưa tiêu chí vi phạm công bố thông tin sẽ không được tham gia vào bộ chỉ số. Các chỉ tiêu khác ở phần “không thuộc vào diện vi phạm” giống như bộ chỉ số VN30.

Một điểm mới nữa cho cổ phiếu đủ điều kiện tham gia vào bộ chỉ số là tỷ lệ Free-float (f). Cổ phiếu được tham gia vào chỉ số khi f> 10%, trường hợp f nằm trong khoảng từ 5% đến 10% thì cổ phiếu đó phải nằm trong top 10 về GTVH. Ở VN30, điều kiên free-float chỉ ở mức f>5%.

Ở phần cổ phiếu không tự do chuyển nhượng được xét giống như khi vào VN30.

Về thanh khoản, đây là điểm mới. Ở VN30 được xếp theo giá trị giao dịch hàng ngày bình quân nhưng với bộ chỉ số mới thì Sở áp dụng tiêu chí tỷ lệ quay vòng chứng khoán với công thức tính:

Turnover ratio = GTGD hàng ngày bình quân trong kỳ xem xét/GTVH hàng ngày bình quân sau điều chỉnh free-float trong kỳ xem xét

Với cổ phiếu không thuộc thành phần chỉ số kỳ trước, turnover<0.05% sẽ bị loại, còn cổ phiếu thuộc thành phần chỉ số kỳ trước, turnover<0.04% sẽ bị loại.

Giao dịch thứ cấp chứng chỉ ETF cũng khó sôi động trong điều kiện thiếu cơ chế Shortsale

Ông Huy Nam – Thành viên Hội đồng chỉ số HOSE-Index đưa ra một số hạn chế trong việc chọn lọc bộ chỉ số mới. Ông cho rằng: cho dù việc giới hạn tỷ trọng vốn hóa (10%) của cổ phiếu thành phần có giảm thiểu được mức độ chi phối của các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhưng nếu trong rổ chỉ số có các cổ phiếu free-float thấp thì một số ETF có thể cân nhắc việc sử dụng chỉ số, nếu một “index-tracking fund” quy mô lớn muốn mua cho đủ một cấu phần trong danh mục của họ thì khó tránh khỏi việc này sẽ làm cho giá cổ phiếu tăng cao. Điều này có thể làm hạn chế khả năng giao dịch của các cổ phiếu trong bộ, hoặc kết quả biểu thị cũng khó tránh khỏi chút méo lệch.

Thanh khoản kém và các hạn chế theo luật là các vấn đề khác. Vì thế các ETF nước ngoài thường ít sử dụng chỉ số tại các thị trường biên. Mặc khác, cùng với yêu cầu thanh khoản, hoạt động giao dịch thứ cấp chứng chỉ ETF cũng sẽ khó sôi động trong điều kiện thiếu cơ chế shortsale.

Cần thêm tiêu chí thanh khoản để lọc cổ phiếu trong danh mục của VNMidcap

Phần tham luận của bà Lương Thị Mỹ Hạnh – Phó Tổng giám đốc VFM đưa ra 3 yếu tố đảm bảo trong bộ chỉ số mới ứng dụng làm căn cứ xây dựng danh mục đầu tư cho các quỹ: Đảm bảo khả năng đầu tư được của chỉ số thông qua bộ lọc về quy mô thanh khoản, đảm bảo ổn định về thành phần cấu thành của Index và đảm bảo tính đa dạng, phù hợp với quy định của luật hiện tại của các loại hình sản phẩm đầu tư.

Bên cạnh đó, bà cũng đưa ra một số đề xuất như đưa thêm tiêu chí thanh khoản để lọc 70 cổ phiếu danh mục của VNMidcap nhằm tăng khả năng mua bán được của các cổ phiếu thành phần trong chỉ số, quy định một khoảng thời gian nhất định từ lúc cổ phiếu bị loại ra khỏi rổ Index đến thời điểm chính thức bị kiểm soát, bị hủy niêm yết, bị tam ngưng giao dịch và đề xuất cuối cùng là áp dụng giới hạn trần cho các cổ phiếu thành phần để tránh tập trung vào 1 chỉ số cổ phiếu có vốn hóa lớn.

Còn ở ý kiến của ông Trịnh Hoài Giang – Phó Tổng Giám đốc CTCK Hồ Chí Minh, ông cho rằng bộ chỉ số mới đưa ra một số điểm tối ưu như cho biết thông tin chi tiết về thị trường; mang tính đa dạng hơn, phản ánh tốt hơn. Thông qua các bộ chỉ số, CTCK có thể hướng dẫn và cung cấp danh mục cho vay ký quỹ. Ngoài ra, bộ chỉ sô còn giúp quảng bá các doanh nghiệp và thúc ép các doanh nghiệp nâng cao quản trị dẫn đến các nhà đầu tư quan tâm hơn đến các doanh nghiệp này.

Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Chí Trung – Phó Tổng giám đốc CTCK Rồng Việt (VDS) cho rằng bộ chỉ số Midcap và Smallcap khắc phục được tầm nhìn của nhà đầu tư và thu hút được nhà đầu tư, quỹ, chỉ số trong nước do theo sát được diễn biến tại các cổ phiếu trong nhóm này. Bên cạnh đó, cổ phiếu lọt vào danh mục cũng giúp cho thanh khoản được cải thiện hơn do các doanh nghiệp muốn duy trì cổ phiếu của mình trong rổ chỉ số nên đẩy mạnh thanh khoản.

Nhìn chung, bộ chỉ số mới theo các chuyên gia sẽ góp phần giúp cho thị trường và diễn biến thị trường được rõ nét hơn. Vì vậy, việc đưa bộ chỉ số mới vào hoạt động kỳ vọng sẽ tạo nên một sức bật mới cho thị trường.

Duy Hoàng ghi

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính bất ngờ muốn trao thêm quyền cho UBCK (21/09/2013)

>   Món nợ chính sách (20/09/2013)

>   Công ty đại chúng, khái niệm nhiều tranh cãi (12/09/2013)

>   Thuế chứng khoán: Ý kiến thị trường bị bỏ qua (07/09/2013)

>   UBCKNN: Giới thiệu quy chế CAMEL và quy chế QTRR (30/08/2013)

>   Sẽ tăng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán (24/08/2013)

>   Bất hợp lý quy định 1/3 thành viên HĐQT độc lập (24/08/2013)

>   Văn phòng Chính phủ ủng hộ phương án nới room (19/08/2013)

>   Sắp trình Chính phủ đề án hợp nhất 2 sàn chứng khoán (18/08/2013)

>   Cần có cơ chế mới trong công tác tạo hàng (11/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật