Cần có cơ chế mới trong công tác tạo hàng
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, cần có một cơ chế mới, chính sách mới để “kích thích” các DN lên sàn.
Trong vài năm gần đây, số lượng DN đưa cổ phiếu lên niêm yết giảm mạnh, trong khi số lượng DN hủy niêm yết lại có chiều hướng gia tăng. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?
Trong bối cảnh suy giảm kinh tế và hoạt động DN gặp nhiều khó khăn hiện nay, việc DN “ngại” lên sàn là một thực tế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân và diễn biến thị trường là một trong những nguyên nhân đó. Nhìn vào hiện trạng cổ phiếu của các DN niêm yết có thể thấy, số DN đang giao dịch dưới mệnh giá chiếm rất nhiều, một số DN thậm chí thị giá còn thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách, khiến các DN gặp khá nhiều trở ngại trong việc phát hành huy động vốn, hình ảnh DN bị ảnh hưởng, quan hệ tín dụng với ngân hàng cũng giảm sút… Giá cổ phiếu thấp có thể xuất phát từ khó khăn nội tại DN, nhưng cũng có nhiều DN, giá cổ phiếu bị giảm theo xu hướng chung của thị trường. Trong khi các DN chưa niêm yết thì vì thanh khoản kém, hầu như không có giao dịch, nên rất khó để định giá, việc phát hành cổ phiếu cho cổ cổ đông hiệu hữu hay cho đối tác chiến lược có phần đơn giản hơn.
Do khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều DN thua lỗ trong năm 2011, 2012 khó có thể “vực dậy” có lãi trong năm 2013. Chính vì vậy, số lượng DN hủy niêm yết trong năm 2013 tiếp tục được dự báo gia tăng. Trong bối cảnh này, tôi cho rằng, không nhất thiết phải “hô hào” các DN lên sàn, mà quan trọng là phải lựa chọn chất lượng hàng hóa, cụ thể là những DN tốt để niêm yết.
Như ông vừa nói, số lượng không quan trọng bằng chất lượng. Trong vai trò nhà quản lý thị trường, UBCK đã có những biện pháp gì trong công tác “tạo hàng” có chất lượng cho thị trường?
Trong thời gian qua, UBCK đã nhiều lần đề xuất việc tạo ra những cơ chế, chính sách mới thúc đẩy, thậm chí “ép” các DN lớn đã cổ phần hóa, kinh doanh hiệu quả lên niêm yết. Tuy nhiên, liên quan đến công tác “tạo hàng”, cần phải có lộ trình, làm từng bước, từ đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN đến gắn với niêm yết trên TTCK. Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung cũng đã quy định, công ty đại chúng thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng phải đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong vòng 1 năm.
Trên thực tế, một số DNNN cổ phần hóa “chào bán chứng khoán ra công chúng” vẫn còn chậm trễ trong việc đưa cổ phiếu vào giao dịch. Ngoài ra, nhiều DN cổ phần hóa trước ngày Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, vẫn còn chưa lên sàn, như Sabeco, Habeco, BIDV… Đối với một số DN, vì nhiều lý khách quan, chủ quan dẫn đến kéo dài lộ trình cổ phần hóa như MobiFone, Vinaphone, VietnamAirlines…, gây nên sự hoài nghi trong các nhà đầu tư.
Vì vậy, theo tôi, cần minh bạch hóa lộ trình cổ phần hóa DNNN và lộ trình niêm yết sau cổ phần hóa, để tạo hàng cho TTCK và tạo nên sự minh bạch. Ngoài ra, cần có cơ chế giảm bớt tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại những DN mà Nhà nước không cần nắm chi phối, đồng thời đưa các doanh nghiệp FDI chuyển đổi thành công ty cổ phần lên niêm yết trên TTCK.
Liên quan đến nghĩa vụ công bố thông tin, theo ông, đâu là sự khác biệt trong trách nhiệm công bố thông tin giữa DN đại chúng với DN niêm yết?
Thông tư 52/2012/TT-BTC quy định 2 mức trách nhiệm công bố thông tin. Thứ nhất là các DN niêm yết và công ty đại chúng quy mô vốn lớn (vốn điều lệ 120 tỷ đồng, 300 cổ đồng) và thứ hai là các công ty đại chúng thông thường. So với các công ty đại chúng lớn thì các DN niêm yết đã tham gia trực tiếp vào thị trường, hiểu rõ hơn về luật pháp, nên cần công bố thông tin chuẩn mực hơn.
Để đồng bộ và nhằm hỗ trợ DN trong việc công bố thông tin ra thị trường, giảm tải khó khăn, tránh sự chậm trễ trong việc công bố và báo cáo, UBCK đã xây dựng hệ thống công bố thông tin tự động (IDS). Theo đó, thay vì phải gửi văn bản theo đường bưu điện, các công ty đại chúng có thể gửi báo cáo đến UBCK dưới hình thức điện tử thông qua hệ thống IDS (với cơ chế chứng thư số, chứng thực điện tử và chữ ký điện tử). Với hình thức này, thông tin của các DN vừa được đăng tải kịp thời, vừa giảm được các chi phí. Việc công ty đại chúng công bố thông tin qua hệ thống IDS của UBCK cũng tương tự như các DN niêm yết trên các Sở GDCK công bố thông tin trực tuyến qua hệ thống của Sở vậy.
Hải Vân
Đầu tư chứng khoán
|