Thứ Sáu, 12/07/2013 21:27

Quy định 5 hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó quy định 5 hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp.

 

Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp được quyền sử dụng tài sản thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp đã được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

5 hình thức đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp gồm: 1- Góp vốn, mua cổ phần để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, góp vốn hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới; 2- Mua cổ phần hoặc góp vốn tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh đang hoạt động; 3- Mua lại một doanh nghiệp khác để hình thành một pháp nhân mới; 4- Mua công trái, trái phiếu để hưởng lãi; 5- Các hình thức đầu tư khác ra ngoài doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc doanh nghiệp không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là lĩnh vực bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Doanh nghiệp đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực quy định nêu trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư phải có phương án cơ cấu lại và thực hiện thoái hết số vốn đã đầu tư theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Doanh nghiệp không được tham gia góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp khác mà người quản lý, điều hành hoặc người sở hữu chính của doanh nghiệp này là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị em ruột của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc (Phó Tổng giám đốc), Giám đốc (Phó Giám đốc) và kế toán trưởng doanh nghiệp đó.

Hạn chế một số hình thức góp vốn đầu tư

Ngoài các trường hợp không được tham gia góp vốn theo quy định nêu trên, doanh nghiệp còn bị hạn chế các hình thức nhận góp vốn đầu tư: Công ty mẹ không được nhận vốn góp đầu tư của công ty con; công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty hạch toán phụ thuộc không được góp vốn cùng công ty mẹ để thành lập doanh nghiệp mới, không được góp vốn mua cổ phần khi cổ phần hóa công ty con khác trong cùng tập đoàn, tổng công ty hoặc tổ hợp Công ty mẹ - Công ty con.

Hàng năm, các Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp theo quy định.

Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động đầu tư vốn ra bên ngoài không đúng đối tượng nhưng không thực hiện điều chỉnh cơ cấu đầu tư như quy định, các Bộ quản lý ngành kinh doanh chính, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và xử lý trách nhiệm đối với Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chuyển nhượng các khoản đầu tư vốn ra ngoài DN

Nghị định nêu rõ, việc nhượng bán các khoản đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán và các quy định hiện hành của pháp luật.

Tùy theo hình thức góp vốn, doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng các khoản đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật, điều lệ của doanh nghiệp có vốn góp và các cam kết tại các hợp đồng hợp tác kinh doanh của các bên.

Cụ thể, đối với việc chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp tại công ty TNHH một thành viên hoặc tại công ty TNHH từ 2 thành viên trở lên để trở thành công ty TNHH nhiều thành viên thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp. Việc chuyển nhượng vốn phải phản ánh đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất giao theo quy định của pháp luật.

Đối với chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch UPCOM thì doanh nghiệp được chủ động thực hiện theo các phương thức khớp lệnh, đấu giá, thỏa thuận hoặc chào bán cạnh tranh nhưng không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán.

Đối với chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết thì doanh nghiệp thực hiện đấu giá trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn.

Hoàng Diên

chính phủ

Các tin tức khác

>   “Cơ hội cuối cùng” của công nghiệp ôtô Việt Nam (12/07/2013)

>   Đến năm 2020: Kinh tế hàng hải sẽ đóng góp 55% tổng GDP (12/07/2013)

>   LG có thể đầu tư “hàng tỷ USD” vào Hải Phòng (12/07/2013)

>   DNNN sẽ phải công khai thông tin tài chính (12/07/2013)

>   Những 'tay chơi' mới trên thị trường bán lẻ (12/07/2013)

>   Quyền lợi người tiêu dùng còn bị bỏ quên (12/07/2013)

>   Được, mất khi tham gia TPP (12/07/2013)

>   Đảm bảo nguồn dầu thô cung cho lọc dầu Dung Quất (11/07/2013)

>   Vinatex thoái hết vốn tại ngân hàng ACB, Eximbank (11/07/2013)

>   Phó thủ tướng yêu cầu báo cáo về cá tầm nhập lậu (11/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật