Đến năm 2020: Kinh tế hàng hải sẽ đóng góp 55% tổng GDP
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Nhật - Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ Giao thông vận tải - tại Hội nghị Cảng biển và Vận tải biển ASEAN 2013 lần thứ 11 vừa được khai mạc tại TP.HCM sáng 11/7/2013.
Mục tiêu sau năm 2020, ngành kinh tế hàng hải Việt Nam (VN) sẽ đứng đầu trong các ngành kinh tế biển, đóng góp từ 53% - 55% tổng GDP cả nước. Để hiện thực mục tiêu này, Chính phủ VN sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực hàng hải, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và chiến lược phù hợp với pháp luật VN và quốc tế.
Cục Hàng hải cho biết, Việt Nam (VN) có 42 cảng biển với 401 cầu bến, gồm 212 bến tổng hợp container và 189 bến chuyên dụng. Hiện hệ thống cảng biển VN có thể nhận tàu tổng hợp, tàu container từ 80.000 đến 100.000 DWT, và đang thử nghiệm đón tàu có trọng tải 150.000 DWT tại khu vực Cái Mép – Thị Vải. Một số cảng cạn (IDC) và trung tâm logistic lớn đã được hình thành: Trung tâm phân phối Hiệp Phước (TP.HCM), Trung tâm logistic SGL tại KCN Sóng Thần 1 (Bình Dương), Tiên Sơn (Bắc Ninh)…
Theo ông Nhật, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngành vận tải biển của các quốc gia ASEAN gặp nhiều khó khăn. Đến hết năm 2012, VN có gần 1.800 tàu các loại với tổng dung tích hơn 4,3 triệu GT, tổng trọng tải hơn 6,9 triệu DWT. Hệ thống cảng biển VN đón nhận gần 99 ngàn lượt tàu biển VN và nước ngoài, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 294,5 triệu tấn, tăng 2,96% so với cùng kỳ. VN đang dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistic hậu cần sau cảng.
Tính đến nay, VN đã gia nhập 22 công ước, hiệp định quốc tế và các nghị định thư, ký kết 22 hiệp định hàng hải song phương và 25 thỏa thuận về công nhận chứng chỉ chuyên môn hàng hải với nhiều quốc gia… Trong năm 2013, VN sẽ gia nhập nhiều công ước quốc tế như: Công ước Lao động hàng hải MLC, Công ước An toàn container 1972, Công ước quốc tế về Ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu 1973 (sửa đối 1978)…
Lê Khôi
Công thương
|