Thứ Tư, 10/07/2013 22:27

Chỉ số trả nợ của Chính phủ nằm trong giới hạn an toàn

Sáng nay, 10-7, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo tổng kết nợ công giai đoạn 2006-2012, định hướng vay và trả nợ công đến năm 2020.

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thành Đô- Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính nêu những điểm cần lưu ý trong việc quản lý nợ công tại Việt Nam. Ông Đô cho biết, trước đây, Việt Nam chỉ có nợ Chính phủ và nợ doanh nghiệp, khái niệm nợ công mới được Việt Nam chính thức sử dụng từ năm 2009 sau khi Luật Quản lý nợ công được thông qua. Nợ công lúc này gồm 3 thành phần là nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.

Cho tới nay, các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) hay các cơ quan quản lý của Việt Nam vẫn có những quan điểm khác nhau khi nhắc đến khái niệm nợ công, chính vì vậy số liệu về nợ công nêu trên các phương tiện truyền thông trong thời gian qua thiếu thống nhất. Bên cạnh đó, một bất cập cần phải nhìn nhận là việc quản lý nợ công vẫn chưa thực sự thống nhất tại Việt Nam từ đầu mối quản lý chung, đầu mối quản lý nợ trong nước và nợ nước ngoài đến việc tổ chức quản lý nợ công.

Trước bối cảnh vấn đề nợ công trên thế giới cũng như tại Việt Nam luôn là chủ đề "nóng hổi" được dư luận quan tâm, việc nhìn nhận lại công tác quản lý nợ công, những ưu điểm, tồn tại về chính sách, về thực tế quản lý, về tổ chức bộ máy là hết sức cần thiết.

Huy động 1.650 nghìn tỷ đồng

Trình bày cụ thể về huy động vốn, ông Hoàng Hải- Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính nhấn mạnh những kết quả đạt được. Ông Hải cho biết, giai đoạn 2006-2012, quy mô huy động vốn vay nợ công cho đầu tư phát triển trong cơ cấu tổng mức đầu tư toàn xã hội ngày càng mở rộng, đã huy động được 1.650 nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn vay của khu vực công, chiếm khoảng 33% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong cùng thời kỳ này, tạo tiền đề nâng cao tổng mức đầu tư xã hội, nhằm góp phần đạt được các mục tiêu kinh tế- xã hội của đất nước, tăng trưởng kinh tế và cải thiện đáng kể mức sống nhân dân.

Cùng với đó, các hình thức vay của Chính phủ ngày càng đa dạng bao gồm huy động nguồn vốn trong trước (trái phiếu, tín phiếu, bảo hiểm xã hội, quỹ tích lũy, tồn ngân kho bạc...) và vay nước ngoài (ODA, ưu đãi và thương mại), phương thức linh hoạt và cơ cấu tương đối hợp lý.

Về thực hiện nghĩa vụ trả nợ, trên cơ sở nghĩa vụ nợ đến hạn của các khoản vay Chính phủ, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chú trọng cân đối ngân sách Nhà nước để hoàn trả các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, đảm bảo đúng các cam kết với chủ nợ.

Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước hàng năm luôn đảm bảo nằm trong giới hạn an toàn, chỉ số trả nợ của Chính phủ khoảng 14-15% so với tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm và năm trong giới hạn an toàn theo thông lệ quốc tế.

Nhiều giải pháp quản lý nợ hiệu quả

Đề cập định hướng thời gian tới, ông Hải nhấn mạnh, Kế hoạch vay - trả nợ công đến năm 2020 được xây dựng trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020, Chiến lược Tài chính đến năm 2020, Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030, đồng thời được tính toán dựa trên một số các chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tài khóa (thu, chi, bội chi ngân sách Nhà nước), nhu cầu và cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, chính sách tỷ giá.

Cụ thể, theo ước tính của Bộ Tài chính, số vốn vay của Chính phủ được huy động sẽ tăng dần từ 297 nghìn tỷ đồng năm 2013 lên tới 563 nghìn tỷ đồng năm 2020. Tương tự, tổng mức vay được bảo lãnh Chính phủ là 113 nghìn tỷ đồng năm 2013 và 326 nghìn tỷ đồng năm 2020 .

Riêng việc huy động vốn vay của chính quyền địa phương được áp dụng theo quy định tại khoản 3, Điều 8 Luật Ngân sách Nhà nước, khống chế ở mức dưới 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh (riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 100%).

Để nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, Bộ Tài chính đưa ra nhiều giải pháp như: Hoàn thiện thể chế chính sách và công cụ quản lý nợ; nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn vay; kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; tăng cường giám sát và quản lý rủi ro về nợ công; xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin theo dõi, giám sát và đánh giá bền vững nợ công; đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu trong nước; hoàn thiện bộ máy tổ chức cơ quan quản lý nợ...

Hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu đến từ IMF, WB, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam...

Những ý kiến này sẽ được Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại tiếp thu, tổng hợp để hoàn chỉnh Đề án tổng kết nợ công giai đoạn 2006-2012, định hướng vay và trả nợ công đến năm 2020 trước khi báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030, Bộ Tài chính đã triển khai xây dựng Đề án tổng kết nợ công giai đoạn 2006-2012, định hướng vay và trả nợ công đến năm 2020.

Trong Đề án, Bộ Tài chính đã tập trung tổng kết tình hình vay - trả nợ công giai đoạn 2006-2012, chỉ ra những tác động của nợ công đến kinh tế vĩ mô, xác định định hướng nợ công đến năm 2020 và các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nợ công tại Việt Nam.


H.Vân

hải quan

Các tin tức khác

>   TS. Cấn Văn Lực: Giải pháp đúng cần cách làm khẩn trương (10/07/2013)

>   EMI Việt Nam có mức lạc quan mạnh nhất trong tháng 6 (09/07/2013)

>   Sốt ruột với hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản (09/07/2013)

>   Ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 (09/07/2013)

>   Kích cầu: Lấy tiền ở đâu, bơm vào chỗ nào (06/07/2013)

>   TS. Nguyễn Đình Cung: Phải dứt khoát áp dụng luật chơi thị trường (05/07/2013)

>   Cải thiện năng lực cạnh tranh: Cần 3 trụ cột (05/07/2013)

>   Có thật là đáy không? (05/07/2013)

>   Ưu tiên đầu tư vào khu vực tiêu dùng (05/07/2013)

>   Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Dự báo GDP tăng 5,5%, CPI tăng 7% trong năm 2013 (04/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật