Thứ Sáu, 05/07/2013 11:08

Có thật là đáy không?

Có thể sẽ chỉ hiện ra một cái đáy tạm nào đó, cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thể xả bớt hàng tồn kho, sức mua thị trường manh nha phục hồi, vòng quay vốn tăng thêm chút đỉnh…

Quá khác biệt!

Cuộc tranh luận về đâu là đáy của nền kinh tế xem ra vẫn chưa ngã ngũ. Những người thuộc về trường phái lạc quan như TS. Lê Xuân Nghĩa, TS. Vũ Đình Ánh vẫn bảo lưu quan điểm về đáy kinh tế Việt Nam đã được xác lập trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, những chuyên gia kinh tế không kém tiếng tăm như ông Bùi Kiến Thành hay ông Nguyễn Trí Hiếu lại tỏ ra khá hoài nghi về những con số phản ánh mức tăng trưởng GDP hay những chỉ tiêu vĩ mô tương tự.

Cũng đang tồn tại hai cách đánh giá khác biệt khá nhiều giữa các cơ quan quản lý nhà nước với giới chuyên gia phản biện độc lập. Nếu nhìn theo cách của Tổng cục thống kê thì GDP vẫn tăng trưởng đều đặn, tuy có giảm sút so với năm ngoái. Cho đến nay, mức tăng của GDP đã đuợc “khoanh” chỉ ở mức 5.5%, so với “chỉ tiêu” trước đây là 7%.

Điều đáng nói là vào đầu năm nay, trong khi Ủy ban thường vụ quốc hội lần đầu tiên phải thừa nhận con số doanh nghiệp phải giải thể và phá sản sau hai năm suy thoái kinh tế đã lên đến chẵn 100,000 đơn vị, Tổng cục thống kê hình như lại không quá quan tâm đến tình hình này. Một trong những nghịch lý lớn nhất từ phía cơ quan này là họ đã cùng với Bộ lao động, thương binh và xã hội công bố tỷ lệ thất nghiệp tính đến thời điểm cuối năm 2012 chỉ là 1.99%, tức còn thấp hơn cả mức thất nghiệp của hai năm 2011 và 2010.

Sự chênh biệt quá lớn giữa các số liệu đã khiến cho tình hình thực chất khó có thể đánh giá đuợc. Một minh họa điển hình khác cho sự chênh biệt này là trong khi khá nhiều chuyên gia độc lập tính toán tỷ lệ nợ công quốc gia dao động từ 95% đến 106% GDP, thì con số báo cáo của Chính phủ - dựa trên cơ sở báo cáo của Bộ kế hoạch và đầu tư, lại chỉ có 55.4% GDP. Vậy con số nào có tính xác thực hơn?

TS. Vũ Quang Việt, một chuyên gia có thâm niên lâu năm làm việc cho cơ quan Liên hiệp quốc, từ năm 2012 đã nêu ra một báo cáo đánh giá rằng các cơ quan tổng hợp kinh tế của Việt Nam, trong khi tính toán con số nợ công quốc gia, đã “bỏ quên” nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Mà theo tiêu chuẩn được ban hành của Liên hiệp quốc thì nợ công doanh nghiệp là một trong những tiêu chí không thể thiếu. Và nếu tính đúng tính đủ nợ công của các doanh nghiệp Việt Nam, con số nợ công quốc gia phải được cộng thêm khoảng 67 tỷ USD nữa. Mà như vậy, con số nợ công thực có khi phải gấp gần 2 lần con số báo cáo!

Những dẫn chứng “nho nhỏ” trên đã cho thấy một khi không có căn cứ xác thực và đủ thuyết phục, một kết luận nào đó về nền kinh tế đang lấy lại sức phục hồi sẽ trở nên kém thuyết phục không kém.

Đáy còn xa vời

Cũng có một số quan chức cho rằng tình hình kinh tế và không khí tín dụng đang ổn định thông qua việc bóng ma lạm phát đã bị đẩy lùi, và trong những tháng tới không còn phải quá lo lắng về lạm phát nữa.

Nhưng ở một chiều kích khác, những doanh nghiệp đã phải trải qua nỗi thăng trầm khổ ải trong chuyện vay vốn và trả nợ lại thấm thía một câu chuyện khác. Đó là câu chuyện về sức mua và hàng tồn kho. Cho dù các con số báo cáo dường như vẫn cố ý rút bớt khá nhiều thực trạng hàng tồn kho, nhưng thực tế vẫn cho thấy hiện còn nhiều ngành sản xuất và kinh doanh đang ế chồng chất sản phẩm. Tình trạng đại hạ giá diễn ra khắp nơi, trong đó tiêu biểu là thị trường bất động sản khi cho tới giờ vẫn hầu như chưa giải quyết được một phần nhỏ núi căn hộ tồn đọng. Mà như vậy, người ta có thể coi hiện trạng kinh tế đang là giảm phát kinh niên.

Các thị trường đầu cơ ở Việt Nam cũng góp phần minh chứng đắc lực cho việc làm rõ câu hỏi “đáy kinh tế ở đâu?”. Ngoài thị trường bất động sản chưa thấy tăm hơi nào về chuyện “thoát đáy”, ngay cả thị trường chứng khoán – được mô tả là một trong những thị trường tăng cao nhất trên thế giới trong nửa đầu năm 2013, vẫn đang diễn biến một cách đầy ngắc ngoải. Mang tiếng là phục hồi, nhưng chỉ có vài chục cổ phiếu có mức vốn hóa lớn là thật sự có được mức tăng trưởng vừa phải, trong khi đại đa số cổ phiếu vừa và nhỏ lê thê kéo ngang. Tình hình này đang trở nên khác hẳn chiến dịch phục hồi sống động vào năm 2009 – thời gian sau khủng hoảng kinh tế thế giới. Khi đó, không chỉ chỉ số VNI và HNX tăng gấp hơn hai lần mà rất nhiều cổ phiếu đã tăng gấp 3-4 lần so với đáy khủng hoảng. Cũng vào năm đó, thị trường bất động sản có được cơ may ăn theo thị trường chứng khoán và làm cho không khí tiêu thụ hàng trở nên nhộn nhạo, đặc biệt ở Hà Nội.

Còn vào năm nay, mọi chuyện vẫn đang diễn ra một cách ngái ngủ, bất chấp đủ loại chính sách được ban hành. Nếu xem chứng khoán là thị trường đi tiên phong báo hiệu thì e rằng đó là sự thất vọng rất lớn.

Còn thất vọng hơn, thị trường chứng khoán đang trôi trượt dần mòn về thanh khoản. Làn sóng bán đổ bán tháo cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước cần thoái vốn, lẫn xu thế thoái dần vốn của một số quỹ đầu tư nước ngoài, đang làm cho thị trường trở nên yếu ớt một cách kỳ lạ. Cung nhiều mà cầu ít – đó luôn là một nghịch lý dằn vặt thị trường này.

Bài toán của nền kinh tế giờ đây dường như chỉ còn tập trung vào vấn đề giải quyết nợ xấu và tồn kho bất động sản. Đây là hai phạm trù gắn liền và không thể tách rời nhau, đặc biệt trong bối cảnh “đi dây” như hiện thời.

Với tất cả hiện trạng trên, đáy của nền kinh tế có vẻ vẫn còn khá xa vời. Hoặc trong một cái nhìn lạc quan hơn, có thể sẽ chỉ hiện ra một cái đáy tạm nào đó, cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thể xả bớt hàng tồn kho, sức mua thị trường manh nha phục hồi, vòng quay vốn tăng thêm chút đỉnh…

Nhưng có lẽ tất cả chỉ có thế.

Việt Thắng

Infonet

Các tin tức khác

>   Ưu tiên đầu tư vào khu vực tiêu dùng (05/07/2013)

>   Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Dự báo GDP tăng 5,5%, CPI tăng 7% trong năm 2013 (04/07/2013)

>   Cẩn trọng khi kích cầu (03/07/2013)

>   Sức mua trong tháng 7 dự báo vẫn thấp (03/07/2013)

>   Chính sách nhiều, nhưng thực hiện quá chậm (02/07/2013)

>   UBGSTC: "6 tháng cuối năm cần tăng đầu tư công" (01/07/2013)

>   Đâu là đáy tăng trưởng? (01/07/2013)

>   PMI Việt Nam suy giảm mạnh trong tháng 6 (01/07/2013)

>   Cần cú hích lớn hơn hạ lãi suất (01/07/2013)

>   Đã đến lúc kích cầu đầu tư và tiêu dùng (30/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật