Thứ Tư, 03/07/2013 16:19

Cẩn trọng khi kích cầu

Theo ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - Tổng cục Thống kê, trong thời điểm hiện nay, chúng ta cần quan tâm đến tăng trưởng, nhưng cũng phải chú ý đến mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tổng cục Thống kê cho rằng, cần hết sức thận trọng với việc tăng cung tiền hoặc các hình thức kích thích tổng cầu. Bởi vì, nền kinh tế trong năm 2013 sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Hà Quang Tuyến

Khó khăn của sản xuất, tăng trưởng được giải thích theo nhiều cách khác nhau, như do cầu thấp khiến cung không tăng được, nhưng cũng có ý kiến cho rằng do cả cung và cầu đều yếu. Quan điểm của Tổng cục Thống kê?

Khó khăn của nền kinh tế hiện nay có thể xác định là từ cả phía cung và phía cầu. Nhưng trong nền kinh tế thị trường, cầu giảm là yếu tố quyết định, là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và tăng trưởng.

Từ phía cung, GDP 6 tháng đầu năm 2013 tăng 4,9% là mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Còn từ phía cầu, theo Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA), tổng cầu của nền kinh tế bao gồm nhu cầu trung gian (cho sản xuất), tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư và chi tiêu dùng cuối cùng Nhà nước, tích lũy gộp tài sản và xuất khẩu thuần.

Xem xét các yếu tố trên, có thể thấy cầu trung gian giảm do sản xuất kinh doanh gặp khó khăn (DN phá sản, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng hoặc không mở rộng; tồn kho cao...). Cầu cuối cùng giảm thể hiện sức mua của dân cư tăng thấp. Tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư 6 tháng đầu năm 2013 tăng 4,09%, trong khi con số tương ứng của năm 2011 tăng 4,55%, năm 2012 tăng 4,52%.

Khi nền kinh tế gặp khó khăn từ cả phía cung và phía cầu, giải pháp có thể lựa chọn là gì, thưa ông?

Về nguyên tắc của kinh tế vĩ mô, khi nền kinh tế gặp vấn đề ở cả phía cung và phía cầu cần có các giải pháp cả trong ngắn hạn và trung dài hạn. Cụ thể, trong ngắn hạn cần nhanh chóng đưa tín dụng ra nền kinh tế để tăng tổng cầu (cầu trung gian, tiêu dùng cuối cùng và đầu tư), vì tín dụng tăng sẽ kích thích sản xuất phát triển khi đó tạo điều kiện giảm được nợ xấu và tăng sức mua tiêu dùng của dân cư để giảm hàng hóa tồn kho, từ đó sẽ kích thích ngược lại phía cung.

Còn trong trung và dài hạn cần quay lại chính sách trọng cung, vì có phát triển sản xuất mới có điều kiện để giải quyết việc làm, đời sống, các vấn đề xã hội... Muốn vậy, cần phải thực sự làm tốt các giải pháp để phát triển sản xuất (giảm thuế cả trực thu và gián thu; phát triển cả các thành phần kinh tế; giảm thủ tục hành chính…). Mặt khác, nền kinh tế đang hình thành cầu mới, đó là nhu cầu tăng khu vực dịch vụ phục vụ cho cả sản xuất và đời sống (hiện nay cơ cấu dịch vụ chỉ chiếm 43% GDP). Vì vậy, tái cơ cấu nền kinh tế cần quan tâm đến mở rộng dịch vụ.

Nếu kích cầu trong ngắn hạn, rủi ro nào phải cẩn trọng, thưa ông?

Trong thời điểm hiện nay, chúng ta cần quan tâm đến tăng trưởng, nhưng cũng phải chú ý đến mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tổng cục Thống kê cho rằng, cần hết sức thận trọng với việc tăng cung tiền hoặc các hình thức kích thích tổng cầu. Bởi vì, nền kinh tế trong năm 2013 sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tổng cầu của nền kinh tế khó có thể tăng mạnh trở lại trong một thời gian ngắn khi việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút, sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn, số lượng DN thu hẹp sản xuất, giải thể và phá sản nhiều, tồn kho vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 5,5% theo Nghị quyết của Quốc hội, thì 6 tháng cuối năm 2013 GDP phải đạt mức tăng 6%. Đây là kịch bản rất khó đạt được. Giả sử công tác điều hành vẫn bám sát chỉ tiêu kế hoạch về tăng trưởng, để đạt được Chính phủ phải đưa ra những giải pháp đột phá hơn nữa. Nhưng điều này có thể sẽ để lại nhiều hệ lụy khó lường. Để tránh những rủi ro vĩ mô, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP năm 2013 đạt khoảng 5,2% là hợp lý.

Anh Quân

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Sức mua trong tháng 7 dự báo vẫn thấp (03/07/2013)

>   Chính sách nhiều, nhưng thực hiện quá chậm (02/07/2013)

>   UBGSTC: "6 tháng cuối năm cần tăng đầu tư công" (01/07/2013)

>   Đâu là đáy tăng trưởng? (01/07/2013)

>   PMI Việt Nam suy giảm mạnh trong tháng 6 (01/07/2013)

>   Cần cú hích lớn hơn hạ lãi suất (01/07/2013)

>   Đã đến lúc kích cầu đầu tư và tiêu dùng (30/06/2013)

>   Kinh tế 6 tháng đang ở đáy chữ U (30/06/2013)

>   Xuất khẩu 6 tháng: 11 mặt hàng và 15 thị trường “tỷ đô” (29/06/2013)

>   TS. Trần Du Lịch: "Lạm phát không còn là con ngựa bất kham" (29/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật