Chủ Nhật, 30/06/2013 10:00

Kinh tế 6 tháng đang ở đáy chữ U

Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Việt Nam đang ở đáy của hình chữ U và khó có thể hy vọng nền kinh tế phục hồi theo hình chữ V. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 4,9%.

Nếu tính theo quý, thì quý II/2013, GDP tăng trưởng 5%, cao hơn mức tăng trưởng 4,76% của quý I/2013 - con số đã được tính toán lại, thấp hơn 0,13% so với ước tính trước đó (4,89%).

Khu vực dịch vụ tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm.

Bình luận về con số này, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, tuy tốc độ tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm không cao như mong đợi, nhưng là mức tăng khá hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong một thời gian khá dài.

Mặc dù vậy, phải thừa nhận rằng, 4,9% là một mức tăng trưởng khá thấp, thậm chí còn thấp hơn mức tăng trưởng GDP của 6 tháng đầu năm ngoái (4,93%).

Trả lời câu hỏi: “Liệu năm 2013 có phải là đáy của nền kinh tế?”, ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Việt Nam đang ở đáy của hình chữ U.

“Chúng ta không thể hy vọng phục hồi theo hình chữ V được”, ông Thức nói.

Thực tế cho thấy, kinh tế Việt Nam vẫn đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất, kéo dài từ năm 2012 đến nay, với tăng trưởng GDP của năm ngoái là 5,03% - tính theo giá cố định 1994. Còn nếu tính theo giá cố định 2010, mà năm nay, Việt Nam bắt đầu áp dụng để tính toán GDP, là 5,25%.

Tình hình có vẻ đang nhúc nhắc, vì theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản xuất công nghiệp đã bắt đầu có chuyển biến, tồn kho giảm dần. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 5,2% so với cùng kỳ. Tuy còn thấp hơn mức tăng 6,1% của 6 tháng đầu năm ngoái, song theo ông Bùi Hà, IIP cũng đã tăng dần qua từng tháng: 3 tháng tăng 4,9%; 4 tháng tăng 5%; 6 tháng ước tăng 5,2%. “Đặc biệt, IIP quý II/2013 đã tăng 6%, cao hơn khá nhiều so với mức tăng 4,5% trong quý I/2013”, ông Hà nói.

Trong khi đó, một trong những thông tin được dư luận rất quan tâm trong thời gian gần đây là số lượng doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động, theo ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh, đã có xu hướng tốt dần lên.

“Tuy số doanh nghiệp ngừng hoạt động chưa giảm, nhưng xu thế đang tốt hơn. 6 tháng đầu năm nay, con số này là 21.600 doanh nghiệp, trong khi 6 tháng cuối năm ngoái là hơn 23.000 doanh nghiệp. So với quý I/2013, thì số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quý II cũng đã giảm được 13,5%”, ông Mạnh nói và phân tích, tín hiệu đáng mừng là, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động cũng tăng dần qua từng tháng: 4 tháng khoảng 8.300, 5 tháng khoảng 8.800 và 6 tháng khoảng 9.300 doanh nghiệp.

“Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng đã được cải thiện và bắt đầu tăng so với cùng kỳ trong những tháng gần đây: 4 tháng giảm 1,2%; 5 tháng tăng 4,8% và 6 tháng tăng 7,8%”, ông Mạnh cho biết.

Có cái nhìn tương đối tích cực về xu thế tốt lên của nền kinh tế, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, khả năng năm nay, tăng trưởng GDP vẫn có thể đạt mục tiêu đề ra - 5,5%. Tất nhiên, với điều kiện là hàng loạt giải pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ được thực hiện quyết liệt và hiệu quả.

Mặc dù cũng đồng tình “vẫn có khả năng đạt được tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2013”, song ông Đỗ Thức lại nghiêng về quan điểm rằng, theo chu kỳ 3 năm, thì năm nay kinh tế thế giới sẽ bắt đầu hồi phục, nhưng Việt Nam sẽ trễ hơn khoảng 1 năm, tức là phải sang năm 2014, tình hình mới khá lên được.

“Theo tính toán của chúng tôi, GDP 6 tháng cuối năm có thể tăng trưởng khoảng 5,5 - 5,6% và cả năm sẽ chỉ vào khoảng 5,1 - 5,2%”, ông Thức nói và bày tỏ quan điểm, GDP năm nay có thể tăng trưởng như mục tiêu, nhưng phải với điều kiện đổ vốn ra đầu tư.

Cũng nhắc đến vấn đề đầu tư, ông Thức cho rằng, trong điều kiện hiện nay, nếu tổng vốn đầu tư toàn xã hội không đạt 29-30% GDP, thì khó có thể kỳ vọng tăng trưởng GDP cao hơn được. Đồng thời, ông Thức cũng đã đề xuất việc có thể đã đến lúc nên nghiên cứu để mở rộng lĩnh vực dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế.

“6 tháng đầu năm, khu vực dịch vụ tăng tới 5,92% (cùng kỳ năm ngoái là 5,29%), số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vào khu vực này cũng nhiều hơn”, ông Thức phân tích.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 6 tháng đầu năm, ngoài khu vực dịch vụ tăng trưởng tốt, cao hơn mức tăng trưởng của cùng kỳ, thì hai khu vực kinh tế còn lại đều có mức tăng trưởng thấp hơn 6 tháng đầu năm ngoái. Cụ thể, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,07%, trong khi cùng kỳ đạt 2,88%, còn khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,18%, cũng thấp hơn so với con số 5,59% của 6 tháng đầu năm ngoái.

Nguyên Đức

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu 6 tháng: 11 mặt hàng và 15 thị trường “tỷ đô” (29/06/2013)

>   TS. Trần Du Lịch: "Lạm phát không còn là con ngựa bất kham" (29/06/2013)

>   Thủ tướng nêu giải pháp điều hành 6 tháng cuối 2013 (28/06/2013)

>   TP.HCM giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định (28/06/2013)

>   Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng 5,5% năm 2013 (27/06/2013)

>   Lạm phát không còn là nỗi lo lớn (27/06/2013)

>   Trì trệ sức mua (27/06/2013)

>   Dấu hiệu tích cực từ chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu (26/06/2013)

>   Tăng trưởng kinh tế - Từ 6 tháng nhìn đến cả năm (26/06/2013)

>   Thủ tướng: 'Phấn đấu GDP năm 2014 tăng 6%' (26/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật