Thứ Tư, 26/06/2013 22:15

Dấu hiệu tích cực từ chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu

Các chuyên gia kinh tế nhận định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau khi giảm vào tháng Năm vừa qua đã có sự tăng nhẹ 0,05% trong tháng này cho thấy những dấu hiệu khả quan của nền kinh tế, trong đó sức tiêu dùng đã có sự dịch chuyển dịch tích cực.

Trong tháng này, hai đầu tầu kinh tế là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng có mức tăng nhẹ; trong đó, Hà Nội tăng 0,08%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,12% với tháng trước. Nếu so sánh với tháng 12/2012, CPI của Hà Nội đã tăng 1,74%; Thành phố Hồ Chí Minh, CPI tăng 0,78%.

Theo phân tích, trước đó CPI sau hai lần giảm vào tháng Ba và tháng Năm cộng với lần tăng vào tháng Tư chủ yếu do các quyết định hành chính, không phản ánh chính xác xu hướng biến động giá của thị trường, việc CPI tăng nhẹ trong tháng này cho thấy một tín hiệu tích cực về phục hồi kinh tế sau những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua. CPI tháng này không có sự đột biến nào. Các nhân tố gây đột biến trong các tháng trước như dịch vụ y tế, xăng dầu đều có sự bình ổn. Việc tăng giá xăng dầu ngày 14/6 vừa qua chưa ảnh hưởng đến chỉ số giá tháng này. Diễn biến giá cả của các nhóm hàng khác tương tự diễn biến trong tháng trước.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến quan ngại nằm ở vấn đề, trong sáu tháng đầu năm, CPI chỉ tăng được 2,4% so với tháng 12 năm trước, thấp nhất kể từ năm 2003; trong đó, đóng góp của các yếu tố “phi thị trường” chiếm gần một nửa.

Thực tế, chính việc tăng giá dịch vụ y tế của một số địa phương trong thời gian qua đã đóng góp tới gần 1% vào mức tăng CPI chung. Phần tăng còn lại, có đóng góp của yếu tố mùa vụ, cũng như sự tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng, dầu…. Còn về sức mua của người dân đã giảm mạnh nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Ước tính, trong năm tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong 15 năm trở lại đây.

Theo phân tích từ phía Tổng Cục Thống kê, nguyên nhân dẫn đến việc CPI tháng này tăng chủ yếu là do chỉ số giá nhóm hàng có quyền số cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức giảm ít hơn tháng trước. Cụ thể, sau khi giảm 0,35% vào tháng trước, tháng này, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ giảm 0,07%, trong đó lương thực giảm 0,6%, thực phẩm giảm 0,03% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,29% so với tháng trước.

Mặc dù đã có những hỗ trợ từ Chính phủ như chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhưng giá gạo các chủng loại tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn giảm liên tục. Trong khi đó, giá các mặt hàng thực phẩm gần như không đổi, chỉ giảm nhẹ 0,03% so với tháng trước, góp phần làm chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống dừng ở mức giảm 0,07%.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê phân tích: mức tăng 0,05% trong tháng Sáu đã phản ánh đúng thị trường trong những tháng vừa qua là khá trầm lắng. Theo quy luật hàng năm, bình thường những tháng 4,5,6 và 7, sức mua thấp và CPI không tăng cao.

Bên cạnh đó, bà Đỗ Thị Ngọc cho rằng với diễn biến CPI tăng thấp nhất so với 10 năm trở lại đây cho thấy tín hiệu lạc quan để Việt Nam hy vọng đã có sự kiểm soát lạm phát tốt từ các địa phương, các bộ ngành trong việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế lạm phát.

“Khi CPI ổn định thì đương nhiên các chính sách kèm theo của Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ, ví dụ như ngân hàng có cơ hội giảm lãi suất vay, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất cho nền kinh tế,” bà Đỗ Thị Ngọc phân tích thêm.

Tiến sỹ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết rõ ràng các yếu tố chi phí đẩy có vai trò nhất định trong việc tăng CPI của tháng này. Thời gian tới, khi giá xăng dầu, giá điện tiếp tục tăng lên, có thể là tác nhân kích thích thêm sự tăng CPI. Cộng với đó, chúng ta đang mở thêm van tín dụng, phát hành trái phiếu Chính phủ, điều này cũng có thể làm CPI tăng lên. Không chỉ vậy, khả năng CPI còn chịu tác động từ những giá đột biến của tình hình kinh tế thế giới.

Tiến sỹ Lưu Bích Hồ nhận định thêm: tổng cầu nói chung, sức tiêu dùng nói riêng của xã hội vẫn còn khó. Mặc dù giá không có biến động lớn, nhưng do sản xuất chưa được cải thiện nên thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng rất nhiều. Các vấn đề như tồn kho, nợ xấu chưa có chuyển biến đáng kể cho nên nền kinh tế vẫn gặp phải khó khăn.

Nhận định tình hình CPI thời gian tới, bà Đỗ Thị Ngọc cho rằng: từ nay đến cuối năm cũng còn nhiều yếu tố đầu vào như điện, xăng dầu, phân bón có thể tăng giá. Bên cạnh đó đang vào mùa mưa bão ảnh hưởng đến một số vùng, từ đó cũng có tác động đến chỉ số giá.

Vì vậy, chính sách từ nay đến cuối năm vẫn cần điều hành giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với diễn biến lạm phát và nền kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất phục hồi trở lại. Ngoài ra, cần điều hành linh hoạt giá các đầu vào thiết yếu của sản xuất như điện, than, phân bón, giá các dịch vụ y tế và giáo dục, tránh dồn vào cùng một thời điểm sẽ tác động đến CPI của cả nước.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, CPI cả năm 2013 sẽ chỉ ở mức khoảng 7% và mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức dưới 8% đề ra là thực hiện được nếu việc điều hành giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, dịch vụ y tế, giáo dục... theo đúng lộ trình.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhận định, đã đến lúc cần tính đến những giải pháp kích thích cho lạm phát để chỉ số này có tác động tích cực hơn cho nền kinh tế và giúp doanh nghiệp phục hồi. Tuy nhiên, liều lượng kích thích như thế nào, phương pháp thực hiện ra sao lại cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh lạm phát tăng trở lại./.

Quang Toàn

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Tăng trưởng kinh tế - Từ 6 tháng nhìn đến cả năm (26/06/2013)

>   Thủ tướng: 'Phấn đấu GDP năm 2014 tăng 6%' (26/06/2013)

>   Nền kinh tế đã thấy “cửa ra” (26/06/2013)

>   “Nền kinh tế còn ẩn chứa nhiều rủi ro” (26/06/2013)

>   Hà Nội: 8 trọng tâm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng (25/06/2013)

>   Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu 2013 ước đạt 4,9% (24/06/2013)

>   CPI tháng 6 tăng thấp nói lên điều gì? (24/06/2013)

>   CPI cả nước tháng 6 tăng nhẹ 0.05% (24/06/2013)

>   Lạm phát đình đốn đang lộ rõ (23/06/2013)

>   6 tháng, GDP của Hà Nội tăng 7,67%, Tp.HCM tăng 7,9% (23/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật