Thứ Tư, 26/06/2013 16:30

Nền kinh tế đã thấy “cửa ra”

“Diễn biến trong quý II/2013 cho thấy nền kinh tế đang dần hồi phục, hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như các ngành, lĩnh vực khác đều đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng”.

Đó là đánh giá của ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT) về tốc độ tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm 2013.

Tăng DN thành lập mới…

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 4,9%, bằng xấp xỉ mức tăng cùng kỳ, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,07%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,18%; khu vực dịch vụ tăng 5,92%. Ông Hà cho rằng, tuy tốc độ tăng trưởng không cao như mong đợi nhưng là mức tăng khá hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô một thời gian dài.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp, theo ông Hà, đã bắt đầu có chuyển biến, tồn kho giảm dần. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng dần qua từng tháng, 6 tháng ước tăng 5,2%. Thể hiện rõ nét nhất là trong công nghiệp chế biến, chế tạo, trong quý I tăng 4,6%, sang quý II tăng vọt lên 6,9%. Trong khi đó, chỉ số tồn kho khu vực này có xu hướng giảm dần, tại thời điểm 1/6/2013 tăng 9,7% so với cùng thời điểm năm trước, giảm mạnh so với mức tăng 21,5% tại thời điểm 1/1/2013.

Một điểm sáng nữa của nền kinh tế là việc thành lập mới DN bước đầu có những dấu hiệu tích cực. Ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho biết, số DN đăng ký thành lập mới đã được cải thiện và bắt đầu tăng so với cùng kỳ trong những tháng gần đây: 4 tháng giảm 1,2%; 5 tháng tăng 4,8%; 6 tháng tăng 7,8%. Bên cạnh đó, số DN tạm dừng hoạt động đã quay trở lại sản xuất - kinh doanh cũng tăng dần qua từng tháng: 4 tháng khoảng 8.300 DN; 5 tháng khoảng 8.800 DN; 6 tháng khoảng 9.300 DN.

Mức tăng hàng tồn kho giảm dần cho thấy cầu có dấu hiệu hồi phục

…và niềm tin nhà đầu tư

Về đầu tư phát triển, ông Hà đánh giá, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết và thực hiện tăng cao, giải ngân vốn ODA đạt khá. Trong 6 tháng đầu năm 2013, vốn FDI thực hiện ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 5,6% so cùng kỳ, trong đó giải ngân của bên nước ngoài ước đạt 4,44 tỷ USD, bằng 78% so với tổng vốn thực hiện; vốn đăng ký ước đạt khoảng 10,47 tỷ USD, tăng 15,86%.

“Dòng vốn FDI đăng ký, kể cả cấp mới và tăng thêm đều đã bắt đầu tăng sau thời kỳ suy giảm liên tục từ năm 2008 đến năm 2012, trong khi vốn thực hiện duy trì tốc độ tăng so với cùng kỳ năm 2012 cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện và hấp dẫn hơn, niềm tin của các nhà đầu tư đã tăng dần trở lại. Bên cạnh đó, cơ cấu đầu tư đã dịch chuyển tích cực theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo”, ông Hà nhận xét.

Cũng theo ông Hà, giải ngân vốn ODA tăng cao nhờ sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tháo gỡ các vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn vốn này. Ước 6 tháng đầu năm, giải ngân ODA đạt 2,2 tỷ USD, bằng 51,1% kế hoạch năm 2013, tăng 10% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng, giải ngân vốn ODA vẫn chưa đạt như mong muốn, mà nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; thiếu vốn đối ứng; năng lực tổ chức và quản lý ODA vẫn còn hạn chế.

Tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm 2013 ước thực hiện đạt 401.300 tỷ đồng, bằng 39,9% kế hoạch, trong đó đáng chú ý là vốn đầu tư của dân cư và DN tư nhân ước đạt 110.000 tỷ đồng, chỉ đạt 27,5%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân nhiều năm.

GDP cả năm có thể đạt 5,5%

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, với những diễn biến kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua cũng như triển vọng sắp tới, có thể thấy áp lực là rất lớn để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra cho năm 2013. Tuy nhiên, với sự nỗ lực lớn của cả nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm có thể cao hơn 6 tháng đầu năm 2013 và tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt mục tiêu kế hoạch là 5,5%.

Các chuyên gia nhận định, chỉ số giá tiêu dùng những tháng cuối năm có thể sẽ cao hơn so với giai đoạn đầu năm, chủ yếu do hoạt động sản xuất - kinh doanh dần phục hồi, sức mua được cải thiện, một số hàng hóa dịch vụ thuộc diện Chính phủ quản lý (điện, viện phí…) có thể điều chỉnh giá. Cùng với các giải pháp giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản… sẽ làm tăng tổng cầu, nhưng chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2013 sẽ ở mức khoảng 7%, thấp hơn mục tiêu 8% được Quốc hội thông qua.

Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng trên, giải pháp được các chuyên gia đặt lên hàng đầu là phải tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với diễn biến của lạm phát, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận vốn, hướng dòng vốn vào sản xuất. Bên cạnh đó, khẩn trương triển khai đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, thúc đẩy hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC), góp phần xử lý nợ xấu.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, bức tranh chung của kinh tế vĩ mô đã có những tín hiệu tích cực hơn, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhìn cụ thể hơn, mảng sản xuất - kinh doanh vẫn đang còn hết sức khó khăn, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp vốn là thế mạnh của nước ta.

“Mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% có thể đạt được, nhưng làm sao thực hiện được mức tăng trưởng GDP 5,5% là không hề đơn giản, ông Thành nhận định và cảnh báo, khó khăn và trì trệ sẽ vẫn còn đeo bám nền kinh tế trong dài hạn, trong đó có 2 vấn đề lớn là ổn định kinh tế vĩ mô và tái cấu trúc nền kinh tế vẫn còn rất nhiều nút thắt cần phải giải quyết.

Minh Nhật

Đầu Tư Chứng khoán

Các tin tức khác

>   “Nền kinh tế còn ẩn chứa nhiều rủi ro” (26/06/2013)

>   Hà Nội: 8 trọng tâm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng (25/06/2013)

>   Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu 2013 ước đạt 4,9% (24/06/2013)

>   CPI tháng 6 tăng thấp nói lên điều gì? (24/06/2013)

>   CPI cả nước tháng 6 tăng nhẹ 0.05% (24/06/2013)

>   Lạm phát đình đốn đang lộ rõ (23/06/2013)

>   6 tháng, GDP của Hà Nội tăng 7,67%, Tp.HCM tăng 7,9% (23/06/2013)

>   Dự án FDI từ 100 triệu USD trở lên phải báo cáo tiến độ (22/06/2013)

>   Sáu tháng đầu năm, nhập siêu hơn 1,4 tỉ USD (22/06/2013)

>   CPI tại Hà Nội và Tp.HCM đồng loạt tăng trở lại (21/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật