Lạm phát đình đốn đang lộ rõ
1,2 tỷ USD là con số nhập siêu của toàn nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2013 vừa được Tổng cục Hải quan công bố. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Phạm Việt Tường cho biết, phía sau chỉ số này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. 1,2 tỷ USD đặt trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 dự báo tăng rất thấp, cho thấy lạm phát đình đốn đang lộ rõ.
Ông Phạm Việt Tường
|
PV: Thưa ông, nhập siêu 1, 2 tỷ USD nói lên điều gì?
Ông Phạm Việt Tường: Nó chứng tỏ đã có sự phục hồi trong sản xuất, 1 số ngành như dệt may, linh kiện điện tử hay điện thoại đã bắt đầu hồi phục và có nhu cầu sản xuất trở lại. Nhóm ngành giày, da, túi xách, dệt may 5 tháng đầu năm đóng góp hơn 10 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu, và có mức tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Điện thoại và linh kiện các loại tiếp tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm, đạt mức 8,1 tỷ USD.
Ở một số quốc gia, con số nhập siêu mở ra hướng đi mới của xuất khẩu. Tôi đánh giá, con số 1,2 tỷ USD này dù thấp nhưng cũng đã báo hiệu nền kinh tế bắt đầu có xu hướng tăng trưởng trở lại.
Nhưng thưa ông, trước đây Tổng cục thống kê dự báo, con số nhập siêu có thể cao hơn là 1,9 tỷ USD?
- 1,9 tỷ USD là dự báo của cơ quan thống kê, còn con số thực nhập của doanh nghiệp là 1,2 tỷ USD. Sự chênh lệch này có thể do ảnh hưởng của thời gian chốt số liệu.
Nhập siêu thấp hiện nay cho thấy nền kinh tế đang có những bất ổn. Bất ổn đó cần khắc phục như thế nào?
- Năm 2008, trạng thái nền kinh tế chúng ta nhập siêu 18 tỷ USD. Năm 2011, tức là cách đây 2 năm chúng ta nhập siêu 10 tỷ USD. Lúc đó mọi người đánh giá là con số phấn khởi, vì chúng ta kéo lùi được nhập siêu.
Nhưng 5 tháng đầu năm 2013, chúng ta nhập siêu 1,2 tỷ USD thì không thể gọi là thành tích được nữa mà khả năng hấp thụ nền kinh tế thấp. Tức là chúng ta có quá nhiều doanh nghiệp khó khăn, họ co hẹp sản xuất nên không xuất khẩu, không nhập hàng về nữa. Và nhu cầu trong nước cũng bị giới hạn do sức mua đã cạn kiệt. Các đối tác nhập khẩu cũng thu hẹp. Nền kinh tế của chúng ta đang quá yếu. Nhu cầu xuất khẩu để thu ngoại tệ về đang có vấn đề. Và để khắc phục vấn đề này chúng ta phải kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu hàng tiêu dùng, nhất là hàng tiêu dùng xa xỉ. Chúng ta phải khoanh lại những cái gì trong nước có thì chúng ta không nhập nữa. Còn nhập khẩu những mặt hàng để hỗ trợ xuất khẩu thì được.
Tiếp tục khuyến khích người dân sử dụng hàng sản xuất trong nước. Muốn cho sản xuất phát triển mà không phải nhập siêu thì không có cách gì khác chúng ta phải tăng cường sản xuất trong nước, kêu gọi đầu tư sản xuất trong nước những mặt hàng chưa làm được.
Hồ Hương
Đại đoàn kết
|