Lạm phát không còn là nỗi lo lớn
Diễn biến chỉ số giá trong 6 tháng đầu năm cho thấy lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 và có khả năng kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012 - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Đạt được kết quả nêu trên chủ yếu do các cấp, các ngành triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp, chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý giá cả thị trường, cung - cầu hàng hóa, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái,... Nguồn cung lương thực dồi dào.
Bên cạnh đó, là do mặt bằng giá thế giới giảm, mặt khác, tổng cầu thấp, sức mua yếu trong khi sản xuất trong nước tiêu thụ chậm và phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu, nhất là từ thị trường Trung Quốc... cũng gây áp lực giảm giá trong nước.
Trong 6 tháng cuối năm vẫn còn có những yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước, đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ các chính sách và các cân đối lớn, giá các yếu tố đầu vào quan trọng, như: điện, xăng dầu, phân bón,... và giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác.
Tăng trưởng tín dụng được cải thiện
Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện cắt giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tốc độ tăng huy động vốn và cho vay từng bước được cải thiện, thanh khoản của toàn hệ thống khá ổn định, tốc độ tăng trưởng tín dụng sau khi giảm trong tháng 1/2013 đã tăng trở lại từ tháng 2/2013 đến nay.
Việc Công ty quản lý tài sản (VAMC) được thành lập và đi vào hoạt động trong thời gian tới sẽ hỗ trợ giải quyết nợ xấu, tạo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, qua đó giúp các ngân hàng đẩy nhanh lưu chuyển dòng vốn của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.
Tỷ giá có xu hướng tăng nhẹ; thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định, NHNN tiếp tục mua vào một lượng lớn ngoại tệ góp phần tăng quỹ dự trữ ngoại hối của Nhà nước đáp ứng nhu cầu ngoại tệ 12 tuần nhập khẩu; kinh doanh vàng đang dần đi vào hoạt động ổn định hơn so với trước.
Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao
Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng khá cao, nhập khẩu máy móc thiết bị và vật tư phục vụ cho sản xuất cải thiện đáng kể.
Kim ngạch xuất khẩu luôn ở mức 2 con số, cao hơn kế hoạch đề ra (khoảng 10%) và đạt trên 10 tỷ USD/tháng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 62,1 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt gần 37,4 tỷ USD, chiếm hơn 60,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 28,3%; khu vực trong nước tăng 2,2%.
Kim ngạch nhập khẩu, nhất là nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị và vật tư phục vụ cho sản xuất từng bước cải thiện chủ yếu nhờ sự duy trì đà tăng trưởng của 2 nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu (chiếm khoảng 30%) là nhóm điện tử - điện thoại - linh kiện máy tính và nhóm dệt may. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 63,5 tỷ USD, tăng 17,4%; trong đó: khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 35,7 tỷ USD, chiếm 56,3% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 27,8%; khu vực trong nước tăng 6,3%.
Nhập siêu 6 tháng đầu năm khoảng 1,4 tỷ USD, bằng 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, là mức tăng thấp và có thể kiểm soát được. Riêng khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu khoảng 1,65 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, xuất siêu khoảng 5,4 tỷ USD.
Giải ngân vốn ODA liên tục tăng cao
Liên quan đến đầu tư phát triển, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm 2013 ước thực hiện đạt 448,6 nghìn tỷ đồng, bằng 43,9% kế hoạch.
Về hoạt động đầu tư nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện ước đạt 114,3 nghìn tỷ đồng, đạt 53,4% kế hoạch; vốn đăng ký ước đạt khoảng 10,47 tỷ USD, tăng 15,86%.
Dòng vốn FDI đăng ký kể cả cấp mới và tăng thêm đều đã bắt đầu tăng sau thời kỳ suy giảm liên tục từ năm 2008 - 2012 trong khi vốn thực hiện duy trì tốc độ tăng so với cùng kỳ năm 2012 cho thấy nền kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện và hấp dẫn hơn, niềm tin của các nhà đầu tư đã dần tăng trở lại. Bên cạnh đó, cơ cấu đầu tư đã chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Giải ngân vốn ODA liên tục tăng cao nhờ sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tháo gỡ các vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn vốn này. Ước 6 tháng đầu năm giải ngân đạt 2,2 tỷ USD, đạt 51,1% kế hoạch năm 2013, tăng 10% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2012 đạt gần 2 tỷ USD).
Nguyễn Hoàng
chính phủ
|