Thuế chứng khoán: Ý kiến thị trường bị bỏ qua
Từ tháng 7/2012, các thành viên thị trường đã có nhiều kiến nghị xác đáng về chính sách thuế, nhưng hiện chưa được đề cập trong dự thảo của Bộ Tài chính.
Tháng 7/2012, cuộc hội thảo do Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến các thành viên thị trường nhằm xây dựng Thông tư hướng dẫn về chính sách thuế trong lĩnh vực chứng khoán đã diễn ra rất cởi mở và sinh động. Tại đây, lãnh đạo Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đã lắng nghe tổng thể những bất cập của chính sách từ nhiều đối tượng như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các hiệp hội… với ý định xây dựng một cơ chế thuế mới, rõ ràng hơn, bao quát hơn cho TTCK. Tuy nhiên, Thông tư đã không được ban hành ngay sau đó, với lý do chờ Luật sửa đổi, bổ sung Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mới ra đời (có hiệu lực từ 1/1/2014), các văn bản hướng dẫn Luật sẽ làm lại một thể.
Sau hơn 1 năm, Bộ Tài chính công bố dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Thuế TNDN (Luật được Quốc hội ban hành tháng 6/2013) lấy ý kiến công chúng. Tuy nhiên, dự thảo lại dành quá ít nội dung hướng dẫn thuế chứng khoán, những khúc mắc cũ vì thế vẫn còn nguyên, chưa được đề cập trong văn bản mới như mong đợi của các thành viên thị trường…
Chưa đề cập trực diện các vấn đề bất cập về thuế chứng khoán
Dự thảo Nghị định gồm 16 trang, đề cập đến nhiều nội dung, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhưng trong phạm vi bài viết này, chỉ xin bàn về những nội dung về thuế đối với chứng khoán.
Điểm chung tích cực nhất với các đối tượng chịu thuế trong dự thảo là quy định cụ thể hơn về mức thuế suất thuế TNDN chỉ còn 22% bắt đầu từ 1/1/2014, thay vì mức 25% như hiện nay. Những đối tượng chịu thuế suất 22% sẽ được áp thuế mức 20% kể từ 1/1/2016. Tuy nhiên, dự thảo dường như không có điểm nào gỡ khó cho chính sách thuế trên TTCK, dù trước đó, tại Hội thảo tháng 7/2012, nhiều nội dung thành viên thị trường phản ánh đã được nhà quản lý thấu hiểu, tiếp thu.
Lắng nghe các bất cập và chuẩn hóa chính sách thuế là vô cùng quan trọng để giữ chân d.ng vốn nóng
|
Điểm vướng đầu tiên là cách hiểu về chuyển nhượng “chứng khoán” trong các văn bản về thuế. Các văn bản hiện hành như Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán; Thông tư số 60/2012/TT-BTC ngày 12/4/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam (gọi là thuế nhà thầu)…, chỉ hướng dẫn cách thu thuế đối với chuyển nhượng “chứng khoán” - là cổ phiếu/trái phiếu của công ty đại chúng (niêm yết và chưa niêm yết). Khoản đầu tư vào công ty không đại chúng đã không được hướng dẫn về cách tính thuế, dẫn đến nhiều tổ chức đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài bị mắc kẹt với các khoản đầu tư vào loại DN này, không thực hiện chuyển nhượng được, hoặc nếu có chuyển nhượng được thì sau đó là chuỗi ngày tranh cãi về cách xác định thuế.
Theo phản ánh của nhiều thành viên thị trường, chính sách thuế hiện hành hướng dẫn 2 phương pháp tính thuế với khoản chuyển nhượng chứng khoán (được hiểu là cổ phiếu của DN đại chúng) gồm thuế khoán 0,1% trên doanh thu hoặc 25% trên thu nhập chịu thuế, áp dụng với một số đối tượng nhà đầu tư. Tại các DN không đại chúng, do không có hướng dẫn nên cách tính mà cơ quan thuế thường áp là 25% trên thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, với các tổ chức không cư trú tại Việt Nam (các quỹ đầu tư nước ngoài chỉ có văn phòng đại diện tại Việt Nam), tính theo cách trên là quá bất lợi, bởi họ không được trừ nhiều loại chi phí thực tế bỏ ra trong quá trình đầu tư (chi phí nhân sự, chi phí luật sư, chi phí đi lại…) vào chi phí tính thuế, mức thu 25% trở nên phi lý với họ. Như phản ánh của Công ty Quản lý quỹ MeKong Capital, khoản thuế thặng dư vốn từ thoái vốn tại CTCP AA (công ty chưa đại chúng) của MeKong Capital thực tế lên đến 41% nếu tính đủ các chi phí của nhà đầu tư - mức cao không thể chịu đựng được. Cũng MeKong Capital phản ánh, việc thoái khoản vốn đầu tư tại CTCP Hàng tiêu dùng quốc tế (ICP) của tổ chức này thực tế đã phải đóng thuế thu nhập đến 34%, do Công ty thực tế phải chịu chi phí lỗ tỷ giá, nhưng theo cách tính thuế 25% của Bộ Tài chính thì chi phí này không được khấu trừ.
Tại Hội thảo tháng 7/2012, nhìn rõ bất cập trên, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã có một bản góp góp ý với Bộ Tài chính, đề xuất có một quy định gộp chung thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của công ty đại chúng với công ty chưa đại chúng. Lý do là việc phân biệt dễ tạo ra kẽ hở và khó thực hiện cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế. Góp ý này đã phản ánh mong mỏi chung của nhiều tổ chức đầu tư trên thị trường, nhưng bản dự thảo Thông tư hồi tháng 7/2012 đã không được ban hành, còn bản dự thảo Nghị định về thuế TNDN tháng 8/2013 cũng không đề cập.
Một điểm khác được các thành viên thị trường nêu ra và mong đợi sửa đổi là bổ sung chính sách ưu đãi thuế và cụ thể hóa cách tính thuế cho các loại hình quỹ đầu tư. Theo SSI, hiện không có quy định cụ thể nào đối với thuế áp dụng trong trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chuyển nhượng phần vốn góp tại quỹ thành viên trong nước. Cụ thể, Thông tư 160/2012/TT-BTC hướng dẫn mức thuế áp dụng đối với chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% trên giá trị bán. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam có 2 loại hình quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ thành viên và quỹ đại chúng, trong đó với các quỹ đại chúng, quỹ mở thì nhà đầu tư sở hữu chứng chỉ quỹ được xem là sở hữu một loại chứng khoán; còn đối với các quỹ đầu tư thành viên thì nhà đầu tư góp vốn được xem là sở hữu một phần vốn góp. Sự khác biệt về cách hiểu như vậy gây khó cho công tác tính thuế. SSI cũng như nhiều ý kiến đã cho rằng, văn bản mới cần thống nhất khái niệm đầu tư chứng chỉ quỹ (đại chúng, quỹ mở) cũng giống như mua chứng chỉ của các quỹ thành viên.
Cũng liên quan đến quỹ đầu tư, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) từng nhiều lần kiến nghị rằng, Việt Nam cần có chính sách ưu đãi thuế cho quỹ đầu tư (nhất là các loại quỹ mới như quỹ bất động sản, quỹ ETF, quỹ mở...), nhằm hình thành và phát triển cho được ngành công nghiệp quản lý quỹ và cơ chế ưu đãi này cần được đề cập trong các văn bản luật. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN và dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật do Bộ Tài chính soạn thảo đều không đề cập đến điểm này!
Một khoảng hở khác, theo phát hiện của CTCK TP. HCM là luật thuế hiện hành của Việt Nam không quy định cụ thể về chính sách thuế TNDN đối với trường hợp tổ chức phát hành trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, cũng như thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân đầu tư vào loại trái phiếu này. Tuy nhiên, Luật Thuế TNDN cũng như dự thảo Nghị định hướng dẫn đã không đề cập gì đến việc lấp đầy khoảng hở trên.
Rắc rối từ định nghĩa “Chứng khoán”
Xuất phát từ những quy định tại Luật Chứng khoán, các văn bản pháp lý về thuế hiểu rằng, khái niệm chứng khoán trong nộp thuế chỉ áp dụng đối với DN đại chúng, không tính các loại cổ phần của công ty chưa đại chúng hoặc các loại chứng khoán khác (chứng chỉ quỹ thành viên, trái phiếu chuyển đổi...). Theo đó, gây ra sự khập khiễng và bất nhất trong cách tính thuế đối với cùng một hoạt động đầu tư. Công ty đại chúng và công ty chưa đại chúng chỉ khác nhau về quy mô vốn, số lượng cổ đông, còn về bản chất là hoàn toàn giống nhau, đều là công ty cổ phần. Trong khi khả năng các quy định pháp lý về thuế (Luật, Nghị định, Thông tư) chưa hoặc không có chức năng định nghĩa lại khái niệm này, liệu UBCK, Bộ Tài chính có biện pháp chính sách nào để thống nhất những khái niệm khác biệt trên không? Nếu thống nhất được chung một khái niệm chứng khoán (cổ phần của công ty đại chúng, chưa đại chúng, chứng chỉ quỹ đầu tư...), thì những rắc rối về chính sách thuế trong thực tiễn sẽ được gỡ bỏ rất nhiều.
Theo phản ánh của lãnh đạo một tổ chức đầu tư nước ngoài, họ đã gặp không ít rắc rối về thuế, khi đầu tư vào công ty chưa đại chúng. Tổ chức của ông đã từng tính đến việc lách thuế theo hướng giúp DN (nơi đang đầu tư) chuyển từ hình thức công ty chưa đại chúng sang hình thức đại chúng (bằng cách chuyển nhượng vốn cho đủ 100 cổ đông, vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên), tuy nhiên, đó là cách làm không chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, lách kiểu này mất quá nhiều thời gian và thủ tục, trong khi nếu giữ nguyên khoản đầu tư vào DN chưa đại chúng như hiện nay, các tổ chức sẽ phải chịu thuế suất 25% một cách cứng nhắc. Thực tế này đã và đang làm nản lòng các tổ chức đầu tư, không còn mục tiêu mua cổ phần của các công ty chưa đại chúng tại Việt Nam.
UBCK, Bộ Tài chính đang có cơ hội để chuẩn hóa nghĩa vụ thuế của các nhà đầu tư tham gia TTCK khi xây dựng Nghị định cũng như Thông tư hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN. Việc lắng nghe thị trường, thấu hiểu những bất cập và chuẩn hóa chính sách thuế là vô cùng quan trọng để giữ chân các dòng vốn đầu tư vào thị trường này, nhất là dòng vốn ngoại trong bối cảnh các thị trường lân cận đang có nhiều ưu đãi hơn Việt Nam.
Cũng liên quan đến khái niệm thế nào là chuyển nhượng chứng khoán, thế nào là chuyển nhượng vốn, theo tìm hiểu của ĐTCK, trước khi công bố lấy ý kiến dư luận về dự thảo Nghị định trên, nhóm nghiên cứu chính sách thuế của Bộ Tài chính đã có sự rà soát, phân tích chính sách thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của các tổ chức nước ngoài. Theo đó, nhiều nước có quy định mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của đối tượng không cư trú thấp hơn mức thuế suất phổ thông như: Thái Lan quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn của đối tượng không cư trú áp dụng thuế suất 15% trong khi mức thuế suất phổ thông là 20%; Trung Quốc, Lào áp dụng thuế suất 10% trong khi mức thuế suất phổ thông của Trung Quốc là 25%, của Lào là 26%; riêng Ấn Độ quy định hai thuế suất khác nhau cho ngắn hạn và dài hạn đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn (ngắn hạn - nắm giữ dưới 1 năm là 15%, dài hạn - trên 1 năm được miễn thuế) trong khi thuế suất phổ thông là 30%.
Để khắc phục được bất cập nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị định nên quy định tổ chức nước ngoài có thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn nộp thuế theo phương pháp khoán như cách thu đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.
|
Tường Vi
Đầu tư chứng khoán
|