Cải thiện môi trường FDI: Giải pháp đã có, cần thực hiện ngay
Sáu tháng sau khi diễn ra Hội nghị Tổng kết 25 năm về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam (diễn ra vào tháng 3/2013), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103 về nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng vốn FDI.
Ông Phan Hữu Thắng
|
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng Nghị quyết 103 đã điểm đúng và trúng các vấn đề nóng cần điều chỉnh sửa đổi trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam hiện nay đó là: Sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư; điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư...
Thưa ông, Nghị quyết 103 ra đời vào thời điểm đang có nhiều ý kiến khác nhau về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, cá nhân ông đánh giá thế nào về nội dung và tác động của Nghị quyết 103 đến môi trường đầu tư FDI ở Việt Nam?
Ông Phan Hữu Thắng: Cuối tháng 3/2013, tại Hội nghị Tổng kết 25 năm về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, dự thảo Nghị quyết 103 đã được gửi tới các đại biểu để góp ý. Nghị quyết ban hành có ý nghĩa hết sức quan trọng, tiếp tục thể hiện việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm và chỉ đạo kịp thời, sát sao về FDI.
Bên cạnh tái khẳng định lại quan điểm định hướng thu hút FDI trong giai đoạn tới, Nghị quyết đã đề ra giải pháp chủ yếu, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách; đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, các vấn đề về lao động, khoa học công nghệ, đất đai… Đây là những vấn đề mang tính thời sự, cấp thiết cần được nghiên cứu, làm rõ sau hơn 25 năm thu hút và sử dụng FDI mà Nghị quyết 103 đã góp phần đưa ra các định hướng, giải pháp cụ thể giải quyết các vấn đề đó.
Nội dung của Nghị quyết 103 nếu được tổ chức thực hiện tốt, sẽ góp phần tháo gỡ được cơ bản các rào cản, khó khăn vướng mắc hiện nay trong thu hút, quản lý FDI và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.
Nghị quyết 103 đã nêu rất nhiều công việc cần triển khai, theo ông, việc quan trọng nhất, ưu tiên cần phải làm trước, điểm yếu cần phải khắc phục ngay để nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng FDI là gì?
Ông Phan Hữu Thắng: Thực tế đã chứng minh việc triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã góp phần tháo gỡ được khó khăn, rào cản trong hoạt động FDI, hài hòa lợi ích của Việt Nam và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận việc tổ chức thực hiện các chủ trương của Chính phủ ở các Bộ, ngành, địa phương chưa thật đầy đủ và còn chậm trễ. Điều này dẫn đến những bất cập trong hoạt động FDI không được khắc phục kịp thời, có trường hợp còn phát sinh những bất cập mới.
Điển hình là việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị 1617/CT-TTg, ban hành ngày 19/9/2011, về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài với nhiều nội dung quan trọng được triển khai rất chậm.
Ví dụ, nội dung nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư theo nguyên tắc tuân thủ quy hoạch, quy trình thủ tục đã được nhắc đi nhắc lại trong nhiều văn bản khác nhau; việc xây dựng đề án ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá của các DN FDI; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong quản lý hoạt động FDI, theo yêu cầu Chỉ thị 1617/CT-TTg vẫn chưa hoàn thành. Qua đó, có thể thấy, tỷ lệ thực hiện các chủ trương Chính phủ đề ra của các Bộ, UBND các địa phương không cao hoặc thực hiện chậm so với hạn phải hoàn thành.
Trong thông điệp đầu năm mới 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ: “Có thể chế và chính sách tốt là rất quan trọng, nhưng chưa đủ. Thể chế và chính sách được vận hành thông qua thủ tục hành chính và đội ngũ cán bộ công chức”. Do đó, việc triển khai Nghị quyết 103 cần cùng lúc phải giải quyết đồng bộ các nội dung đã nêu.
Vấn đề tiếp theo là khẩn trương triển khai những đầu việc cụ thể đã được nêu trong Nghị quyết 103 của các Bộ, ngành, địa phương để nhanh chóng tạo chuyển biến rõ rệt về môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài cũng như hiệu quả hoạt động của các dự án FDI.
Hiện nay có những ý kiến cho rằng môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đang kém hấp dẫn khiến một số doanh nghiệp FDI có thể chuyển hướng sang một số nước lân cận. Cá nhân ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
Ông Phan Hữu Thắng: Thu hút FDI là một quá trình lâu dài đối với tất cả các quốc gia. Chúng ta cần căn cứ vào thực tiễn thu hút FDI trong những năm gần đây để đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Từ tháng 12/1987, thời điểm thực hiện Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật Đầu tư) có hiệu lực đến nay đã hơn 25 năm, càng cho thấy cùng một lúc chúng ta thực hiện tốt cả 2 việc: Tăng cường thu hút vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI. Cụ thể là từ 2009 đến nay, số vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng vốn có xu hướng giảm dần. Vốn FDI thực hiện giữ ở mức 10-11 tỷ USD (không kể năm đỉnh cao về FDI là 2008 với vốn đăng ký 71,7 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 11,5 tỷ USD.
Nhìn chung, đánh giá của nhiều nhà đầu tư nước ngoài đều cho rằng Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định sau 25 năm về thu hút và sử dụng FDI. Thể chế, hệ thống luật pháp chính sách liên quan đã gần hơn với thông lệ quốc tế. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã phát triển hơn trước rất nhiều, dịch vụ được cải thiện.
Tuy nhiên, môi trường đầu tư của chúng ta có những điểm yếu nhất định. Những lợi thế về lao động với chi phí thấp và nguồn lực dồi dào đã giảm đi. Các dự án lớn tại các địa phương không còn tìm được nhiều lao động chất lượng cao một cách thuận lợi. Sự chồng chéo của hệ thống luật pháp chính sách liên quan đến đầu tư, các rào cản trong đầu tư, thủ tục hành chính, phức tạp… chậm được khắc phục.
Trong quá trình khắc phục những hạn chế, bất cập trên, chúng ta cần nhận thức rõ rằng tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI đều quan trọng, cần thiết và có tác động qua lại lẫn nhau. Sử dụng có hiệu quả vốn FDI sẽ có tác động tốt, đẩy nhanh được việc thu hút vốn FDI qua đó bổ sung được nguồn vốn mới cho quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng. Vì vậy, việc khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực FDI cần phải được triển khai đồng bộ, đặc biệt là vấn đề thời gian, tiến độ, vì cơ hội kinh doanh đều mang tính thời điểm, và chúng ta chỉ có thể thu hút được luồng vốn FDI nếu đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư đúng lúc, đúng chỗ.
Huy Thắng
Chính Phủ
|