Kinh tế 2014: “Đi bằng hai chân”
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 vào khoảng 5,8 - 6%, trong khi lạm phát kiềm chế ở mức 7%.
Có thể sẽ có một sự thay đổi trong mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, đó là đi đôi với việc “tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô”, cần “thúc đẩy phục hồi nền kinh tế”.
Dù mới chỉ là dự thảo bước đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, còn phải đợi Chính phủ và Quốc hội thông qua, song đây có thể coi là một tín hiệu chuyển hướng chính sách điều hành kinh tế vĩ mô trong năm tới.
“Chúng ta phải ‘đi bằng hai chân’, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa làm sao để phục hồi tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh bày tỏ quan điểm.
Cũng từ quan điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 vào khoảng 5,8 - 6%, trong khi lạm phát kiềm chế ở mức 7%.
Dự báo này được đưa ra dựa trên các đánh giá về kinh tế thế giới và trong nước, như tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới 2014 đạt mức 3,8%, cao hơn so với mức 3,1% của năm 2013; sự hồi phục của kinh tế trong nước rõ rệt hơn do tác động tích cực từ kinh tế thế giới, bao gồm trên cả các khía cạnh kinh tế, thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài…
“Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014 có nhiều khả năng sẽ hồi phục, nhưng sẽ thiếu bền vững, nếu những tồn tại mang tính cơ cấu của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để, như sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực thấp, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, hệ thống luật pháp, chính sách còn nhiều bất cập…”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Cũng phải nhắc thêm rằng, cuối tháng 6/2013, Thủ tướng Chính phủ khi ban hành Chỉ thị về Xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, đã nhắc tới mục tiêu tổng quát là “đẩy nhanh phát triển nền kinh tế, đi đôi với việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô” và mục tiêu tăng trưởng GDP trong Chỉ thị này cũng đã được xác định ở mức 6%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay sau đó, khi xây dựng Khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch năm 2014 cũng đã một lần nữa khẳng định con số 6%.
Tuy nhiên, trong dự thảo mới nhất, thì tăng trưởng GDP trong năm tới chỉ được đề cập ở mức khiêm tốn: 5,8 - 6%. Điều này có nghĩa rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tính tới phương án nền kinh tế sẽ không hồi phục nhanh như dự kiến, giống như kịch bản của năm 2013.
Năm 2013, mục tiêu tăng trưởng được đặt ra là 5,5%, nhưng đến giờ phút này, có thể khẳng định, mục tiêu này khó có thể đạt được. Năm nay, theo dự báo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP có thể chỉ đạt 5,3 - 5,4%.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong một bản báo cáo về nhận định tình hình kinh tế năm 2013 và dự báo năm 2014-2015, công bố trong tuần trước, cũng dự báo rằng, tăng trưởng GDP năm 2013 chỉ ở mức 5,3%. “Mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013 là một thách thức lớn”, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định và cho rằng, năm 2014 vẫn nên kiên trì ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đạt mức tăng trưởng hợp lý.
“Năm 2014, dự báo, tăng trưởng GDP sẽ ở mức 5,6 -5,8%, còn năm 2015 sẽ là 6 - 6,2%”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo.
Như vậy, con số dự báo của ủy ban trên thậm chí còn thấp hơn cả con số mục tiêu mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. Dù còn phải qua nhiều thảo luận để có một bản Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2014 hoàn chỉnh trình Quốc hội tại kỳ họp tới, song việc có nhiều quan điểm khác nhau về mức tăng trưởng GDP trong năm 2014 cho thấy, nền kinh tế chưa thể sớm hồi phục mạnh mẽ, khó khăn vẫn còn ở phía trước.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khi tham dự Tọa đàm “Doanh nhân trẻ Việt Nam 20 năm đi lên cùng đất nước”, diễn ra chiều 1/9 tại Hà Nội, cũng thẳng thắn cho rằng, nền kinh tế sẽ còn khó khăn trong vòng 2 năm tới.
“Doanh nghiệp ‘đi’ nhiều thế, thì lấy đâu ra tăng trưởng GDP”, ông Thiên bày tỏ quan điểm và cũng nhắc tới những bước đi chậm của tái cơ cấu nền kinh tế. Mà nếu tái cơ cấu chậm, thì như nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hồi phục kinh tế cũng sẽ thiếu tính bền vững.
Chính vì vậy, khi Dự thảo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh việc “triển khai thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng”.
Tuy vậy, điều quan trọng là những giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, cũng như tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được thực thi như thế nào.
“Trong ngắn hạn, từ nay đến cuối năm 2013 và năm 2014, các chính sách cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục tăng sản lượng sản xuất, kích thích kinh tế. Trong trung hạn, các chính sách cần hướng tới việc cải thiện cung - cầu của nền kinh tế, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Do đó, việc đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế đóng vai trò quan trọng và cần phải tập trung thực hiện trong vòng 2-3 năm tới, để tạo bước chuyển biến mới”, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia khuyến nghị.
Nguyên Đức
đầu tư
|