Thứ Năm, 05/09/2013 06:21

Chuẩn bị đường lùi cho GDP

Chỉ còn hơn một tháng nữa, Chính phủ phải báo cáo trước Quốc hội về khả năng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm nay, trong đó có GDP và các dự kiến cho con số này, hiện đang vật lộn ở ngưỡng 5%.

Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia vừa đưa ra dự báo cho mức GDP có thể đạt được trong năm nay là khoảng 5,3%, tương tự như mức mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự kiến - Ảnh: Reuters.

Lần đầu tiên, khi xác định mục tiêu điều hành kinh tế, bên cạnh các con số “cứng”, Chính phủ có thêm nội dung mang ý nghĩa phấn đấu rất cao cho năm 2013 là lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm trước. Với lời dẫn giải mang nhiều ý nghĩa như vậy, thì khả năng cán đích thành công trong năm nay, là trong tầm tay, nhất là khi mức tăng trưởng GDP năm 2012, đã tụt xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng 13 năm qua.

Dự kiến cho mức tăng GDP năm 2013, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa diễn ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, GDP quý 1/2013 tăng 4,76%; quý 2 tăng 5% và quý 3 dự kiến tăng 5,46% (cao hơn cùng kỳ năm trước là 5,39%). Ước tính, 9 tháng đầu năm 2013, GDP tăng khoảng 5,1%, bằng tốc độ tăng cùng kỳ năm trước. Cả năm, tổng sản phẩm trong nước tăng 5,3- 5,4% so với năm 2012, thấp hơn kế hoạch đề ra là 5,5% nhưng cao hơn tốc độ tăng của năm 2012.

Cũng theo Bộ này, tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các ngành, lĩnh vực khác đều đã có những chuyển biến tích cực.

Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, một cơ quan có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ, thường xuyên đưa ra các báo cáo nhận định về tình hình kinh tế, trong đó luôn khẳng định rằng mục tiêu đạt được tăng trưởng GDP theo kế hoạch Quốc hội đã đề ra là một thách thức lớn, là rất khó khăn...

Mới đây, Ủy ban này có đưa ra dự báo cho mức GDP có thể đạt được trong năm nay là khoảng 5,3%, tương tự như mức mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự kiến.

Như vậy, có thể thấy rằng, ngay từ khi xác định mục tiêu cũng như nhiệm vụ cho phát triển kinh tế - xã hội năm nay, Chính phủ và các cơ quan tham mưu của Chính phủ đã tỏ ra rất sẵn sàng với việc chuẩn bị “đường lùi” cho khả năng GDP không đạt.

Thực tế, sự “dọn đường” này cũng không có gì là lạ, khi mà trong nửa đầu của nhiệm kỳ 2011-2015, giữa chỉ tiêu và thực hiện tăng trưởng kinh tế, luôn là những con số khác xa nhau.

Còn nhớ, mỗi khi thuyết trình trước Quốc hội về con số tăng trưởng GDP vì sao không đạt theo mục tiêu đề ra, Chính phủ thường trần tình rằng tuy không đạt được theo mục tiêu đề ra, không cao như kỳ vọng nhưng đó cũng là mức tăng hợp lý rồi trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Cách giải thích này đã khiến Quốc hội nhiều phen xôn xao.

Chẳng hạn, khi nghe Chính phủ báo cáo về một trong bốn chỉ tiêu hụt đích của năm 2012 là GDP năm 2012 tăng 5,03% so với năm 2011, thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội là 5,2% và thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra là tăng 6-6,5%.

Thế nhưng, Chính phủ vẫn cho rằng đây là một trong những kết quả đạt được và nhận định “nền kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng hợp lý”.

Năm 2012 cũng là một năm Chính phủ khá vất vả trong việc đưa ra các con số dự kiến về tăng trưởng GDP khi các dự kiến đưa ra sau luôn phải thụt lùi so với các dự kiến đưa ra trước đó.

Mục tiêu tăng GDP của năm 2012 mà Chính phủ trình và Quốc hội thông qua là từ 6 đến 6,5%. Thuyết minh cho mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có gọi đây là phương án thấp, phương án khả thi.

Đến kỳ họp thứ 3, tháng 6/2012, chỉ tiêu này được Chính phủ ước hẹn phấn đấu ở mức tăng khoảng 6%. Nhưng chỉ không lâu sau đó, tại một hội nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đưa ra con số tăng GDP năm 2012 chỉ có thể từ mức tăng 5,2 - 5,7%.

Đến tháng 8/2012, tại một phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một con số tiếp tục thụt lùi hơn nữa là, GDP năm 2012 khoảng 5%. Kết quả, năm 2012, GDP cán đích ở mức 5,03%.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thường nói rằng “để tăng trưởng thấp là rất nguy hiểm”. Nếu lấy tăng trưởng làm thước đo thì có thể thấy nền kinh tế ngày càng lún sâu vào tình trạng nguy hiểm hơn. Tốc độ tăng GDP bình quân năm cho giai đoạn 2000-2005 là 7,5%, đến giai đoạn 2006-2010 là 7%; cả giai đoạn 2011- 2015, dự kiến khó vượt nổi mức 6%...

Tăng trưởng GDP của Việt Nam không còn ở mức cao nhất trong khu vực, năm 2010 về tăng trưởng GDP, Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực, đứng thứ 26 trên thế giới; năm 2011 đứng thứ 4 trong khu vực và đứng thứ 28 trên thế giới; còn trong các năm gần đây, tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn thấp hơn mức bình quân của các nước đang phát triển.

Lê Châu

vneconomy

Các tin tức khác

>   Việt Nam tiến 5 bậc trong xếp hạng cạnh tranh toàn cầu (04/09/2013)

>   HSBC: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 5% trong 2 năm tới (04/09/2013)

>   Sắp trình kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế (04/09/2013)

>   Giá xăng dầu ảnh hưởng không đáng kể đến CPI (04/09/2013)

>   Bổ sung gần 4 tỷ USD cho các mục tiêu kinh tế (03/09/2013)

>   PMI tháng 8: Hoạt động sản xuất gần đạt trạng thái ổn định (03/09/2013)

>   Hướng tới nền nông nghiệp 100 tỷ USD (03/09/2013)

>   Việt Nam sẽ ra khỏi chu kỳ tăng trưởng thấp từ 2015 (02/09/2013)

>   TS. Trần Đình Thiên: “Kinh tế Việt Nam còn khó ít nhất hai năm nữa” (01/09/2013)

>   Bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát cuối năm (31/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật