Giá xăng, điện tăng gây áp lực lên sức mua
Trong bối cảnh sức mua còn yếu, việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu có khả năng tạo thêm áp lực cho sức cầu của nền kinh tế. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đặng Đình Đào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân).
Thưa ông, thời gian gần đây giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng mà mới đây nhất là giá điện đã tăng thêm 5%. Theo ông việc tăng giá các hàng hóa này tác động thế nào đến mặt bằng giá cả nói chung?
Điều chỉnh giá xăng dầu cùng các mặt hàng thiết yếu khác như điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả nói chung, làm tăng giá các sản phẩm hàng hóa dịch vụ cũng như tăng áp lực chi phí đầu vào cho các DN. Trong tình hình kinh tế hiện nay, việc tăng giá các mặt hàng sẽ khiến cho đời sống của người tiêu dùng, nhất là những người làm công ăn lương thêm phần khó khăn.
Bên cạnh đó, hiện nay lượng hàng tồn kho của các DN tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Chi phí đầu vào tăng sẽ ảnh hưởng mạnh đến sức sản xuất của DN, làm đội chi phí, tăng giá thành sản phẩm, khiến việc giải phóng hàng tồn kho càng trở nên nan giải. Đây chính là quy luật thị trường, không thể nào có diễn biến khác được.
Mặt khác, giá cả hàng hóa tăng cũng sẽ làm lạm phát từ nay đến cuối năm tăng lên so với 6 tháng đầu năm.
Trong bối cảnh sức cầu yếu, một số giải pháp kích cầu cũng được cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra. Việc tăng giá các mặt hàng liệu có sự mâu thuẫn với chủ trương kích thích kinh tế, thưa ông?
Đúng là dường như có sự mâu thuẫn trong điều hành. Sự phục hồi của nền kinh tế còn khá yếu ớt, nên việc tăng giá các chi phí đầu vào quan trọng có thể khiến sự phục hồi này càng mong manh. Điều này cũng sẽ hạn chế phần nào nỗ lực kích cầu thông qua các biện pháp giảm, giãn thuế cùng hàng loạt chính sách khác của cơ quan quản lý Nhà nước.
Điều đang băn khoăn là dường như chúng ta chưa kiểm soát được chi phí vật tư, chi phí giá thành của các mặt hàng chiến lược. Chẳng hạn ngành điện vẫn chưa tính toán được suất tiêu hao trên một kWh điện để tính giá thành thì làm sao định giá được chính xác. Nếu chúng ta chỉ dựa vào số liệu tính toán ước lượng, ước chừng để quyết định có tăng giá một mặt hàng hay không, thì đó là không thuyết phục. Phát ngôn của ngành điện về việc tăng giá điện do giá điện ở Việt Nam thấp cũng càng trở nên kém thuyết phục khi các chi phí cấu thành 1 kWh điện chưa được tính toán chính xác.
Vậy theo ông công tác điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước cần tiến hành như thế nào để đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các chính sách?
Cách điều hành nên khách quan hơn, dựa vào cơ sở khoa học nhiều hơn chứ không nên chỉ dựa vào "tiếng kêu" của một số ngành sản xuất, nhất là những ngành độc quyền hay những ngành chưa có tính cạnh tranh đầy đủ. Công tác điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước cũng không nên theo hướng đảm bảo lợi ích của từng ngành, từng lĩnh vực mà phải tính toán đến lợi ích toàn cục của nền kinh tế, lợi ích chung của các ngành cũng như đời sống của đa số người dân.
Lương Bằng
Hải Quan
|