Thứ Sáu, 02/08/2013 11:43

Áp lực tăng giá cuối năm

Theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều yếu tố tác động làm tăng CPI, do đó công tác điều hành giá cần phải tính toán thận trọng.

Giá cả cuối năm sẽ chịu tác động của giá thế giới.

Tổng cầu tăng gây sức ép lên CPI

Theo quy luật, CPI tháng 8 trong 3 năm gần đây đều tăng so với tháng 7 (CPI tháng 8-2010 tăng 0,23%, tháng 8-2011 tăng 0,93%, tháng 8-2012 tăng 0,63%).

"5 tháng cuối năm, nếu không xảy ra những đột biến về bão lũ, dịch bệnh và chính trị thế giới ổn định, giá dầu không tăng đột biến... thì có thể thực hiện được mục tiêu CPI từ 6- 6,5% của năm 2013".

Theo Cục Quản lý giá

Theo Cục Quản lý giá, trong những tháng cuối năm, mặt bằng giá thị trường có thể chịu tác động của các yếu tố như giá hàng hóa trên thị trường thế giới bắt đầu có xu hướng tăng đối với nhóm nhiên liệu, nhất là khi một số nước bắt đầu bước vào mùa lạnh.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng tiếp tục được điều hành theo lộ trình thị trường giá như giá điện; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước; dịch vụ giáo dục (học phí); giá xăng dầu tiếp tục điều hành theo giá thị trường và quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu...

Cụ thể, từ 1-8, Hà Nội tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh. Đáng mừng là áp lực tăng giá sẽ giảm khi TP.HCM đã quyết định hoãn chưa tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh (trước dự kiến tăng vào quý IV-2013).

Tuy vậy, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2013-2014 vẫn có một số tỉnh có khả năng sẽ tăng giá học phí phổ thông, mầm non năm học 2013-2014 như Phú Thọ, Bắc Giang, Tiền Giang... Trong khi TP.HCM thực hiện điều chỉnh tăng học phí năm học mới này từ tháng 9-2013. Tại Hà Nội, mức học phí đối với các bậc mầm non và phổ thông giữ nguyên so với năm học trước nhưng đối với giáo dục nghề nghiệp thì mức trần sẽ tăng lên.

Ngoài ra, yếu tố tăng lương và những tháng cuối năm, có nhiều yếu tố thuận lợi giúp tăng trưởng tổng cầu và sức mua như quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu, các giải pháp khuyến khích đầu tư toàn xã hội, chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế... tiếp tục thực hiện cũng sẽ khiến làm tăng chỉ số giá tiêu dùng cuối năm.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, 5 tháng cuối năm, nếu không xảy ra những đột biến về bão lũ, dịch bệnh và chính trị thế giới ổn định, giá dầu không tăng đột biến... thì có thể thực hiện được mục tiêu CPI từ 6- 6,5% của năm 2013.

Cân nhắc lộ trình tăng giá các hàng hóa thiết yếu

Để hoàn thành mục tiêu kiểm soát CPI cả năm 2013, Cục Quản lý giá kiến nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, triển khai có hiệu quả Luật Giá, tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, về đăng ký, kê khai giá nhất là các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu cơ bản và hàng tiêu dùng thiết yếu.

Cục Quản lý giá kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo lộ trình, thời gian, mức độ tăng học phí, viện phí đảm bảo hạn chế thấp nhất tác động đến tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2013.

Đối với giá xăng dầu, than bán cho sản xuất điện, giá điện, Cục Quản lý giá cho biết sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo hướng không bao cấp đối với giá than và không giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với xăng dầu.

Ngoài ra, cân nhắc lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, DN và nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Giá một số loại dịch vụ công khác, điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí trong giá phù hợp với chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện cho các đơn vị cung ứng dịch vụ công thực hiện hạch toán kinh tế, tự chủ trong kinh doanh.

Đối với các loại dịch vụ công còn được chi từ nguồn ngân sách Nhà nước, thực hiện theo cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất thực hiện theo giá do Nhà nước quy định bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả.

Tại Hội thảo mới đây về diễn biến giá cả thị trường Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013 do Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, để kiểm soát lạm phát đạt thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao, nên theo đuổi các chính sách thuần túy thị trường hơn là nghĩ về các biện pháp hành chính hay mở rộng kích thích.

"Lạm phát rất nhạy cảm, thường không bền vững, dễ bị phá vỡ và nếu bùng phát trở lại sẽ rất khó kiểm soát. Do vậy, cần tập trung kiềm chế lạm phát ngay cả khi vẫn ở mức thấp để tránh rủi ro cho những năm tới", ông Long khuyến cáo.

Minh Anh

hải quan

Các tin tức khác

>   Không chủ quan trong điều hành kinh tế (02/08/2013)

>   Các chỉ tiêu kinh tế của TP.HCM tăng trưởng ổn định (01/08/2013)

>   ‘Bão’ tăng giá mới: Dân sống trong sợ hãi (01/08/2013)

>   Lưu ý đảm bảo “điểm rơi chính sách” (01/08/2013)

>   HSBC: Lĩnh vực sản xuất của VN giảm sút 3 tháng liên tiếp (01/08/2013)

>   TS Võ Trí Thành: Đã có dư địa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh (01/08/2013)

>   Ông Cao Sỹ Kiêm: Chính sách chậm trễ cản trở phục hồi kinh tế (01/08/2013)

>   CPI tháng 8 có thể tăng 0,6% nếu Hà Nội tăng viện phí từ 1/8 (31/07/2013)

>   PGS-TS Trần Đình Thiên: Nền kinh tế đang mở ra dư địa cải cách lớn (31/07/2013)

>   Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 (30/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật