Thứ Sáu, 02/08/2013 06:25

Không chủ quan trong điều hành kinh tế

Trong gần hai năm qua, hầu như chưa có lần nào mà tại các cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam không mở đầu bằng câu tình hình kinh tế đang có chiều hướng tốt lên.

Như tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7 vừa diễn ra, Bộ trưởng Đam nói: “Kể từ đầu năm tới nay, tình hình kinh tế - xã hội phát triển đúng hướng, tốt lên”. Vào thời điểm tháng 9 năm ngoái, khi lạm phát đột ngột phi mã, mở đầu phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng này, ông cũng nói “kinh tế tiến triển tốt qua từng quý, chuyển biến như dự báo”...

Dư luận có lẽ luôn cảm thấy yên lòng, khi mà thông tin đầu tiên họ nhận được từ các phiên họp báo Chính phủ, cũng là thông tin mà họ luôn mong đợi: Đó là xu hướng tốt lên của nền kinh tế

Bộ nào cũng đánh giá ngành mình tốt lên

Dư luận có lẽ luôn cảm thấy yên lòng, khi mà thông tin đầu tiên họ nhận được từ các phiên họp báo Chính phủ, cũng là thông tin mà họ luôn mong đợi: Đó là xu hướng tốt lên của nền kinh tế. Thủ tướng có lẽ cũng luôn cảm thấy yên lòng, khi thông tin đầu tiên mà Thủ tướng nghe được từ các thành viên Chính phủ trong các phiên họp thường kỳ, là thông tin về xu hướng tốt lên của nền kinh tế.

Chẳng hạn, trong phiên họp rồi, những con số đầu tiên báo cáo tới Thủ tướng của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 có tăng một chút, 0,27% so với tháng trước, đưa CPI bảy tháng lên mức 2,68% - thấp nhất so với cùng kỳ bảy năm qua. Vốn FDI đăng ký mới và thực hiện những tháng gần đây tiếp tục duy trì mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước, tính chung 7 tháng đầu năm, vốn thực hiện tăng 6,4%, vốn đăng ký tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2012, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định của kinh tế Việt Nam...

Ở lĩnh vực đang gay go nhất là thu ngân sách, thì Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho hay tổng thu ngân sách tháng này tăng gần 42%, nên đã cải thiện được một chút những căng thẳng trong cân đối ngân sách.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát cho biết việc thu mua lúa tạm trữ đến nay được hơn 820.000 tấn, kết hợp với diễn biến giá thế giới, đã hỗ trợ nâng giá lúa khô trong nước lên mức 5.600-6.000 đồng/kg. Ở giá này, trừ đi chi phí, nông dân có thể được lãi 800 đồng/kg.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thì thông tin chỉ số hàng tồn kho đã cải thiện khá nhiều, đến mức từ giờ không nên nhắc nhiều nữa. Chung một âm hưởng reo vui, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói tồn kho vật liệu xây dựng đang tiếp tục giảm, ví dụ như tồn kho xi măng chỉ còn ở mức 14 tuần sản xuất. Tồn kho bất động sản cũng cải thiện, với giao dịch tăng khá ở phân khúc nhà ở nhỏ tại Tp.HCM, Hà Nội...

Có niềm tin nhưng không được chủ quan

Vào phiên họp thường kỳ tháng 6 diễn ra cách đây hơn một tháng, cũng là phiên họp tổng kết nửa năm chặng đường kinh tế năm 2013, với nhiều lo lắng, Thủ tướng hỏi các thành viên Chính phủ vì sao tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp lại giảm sút.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư đã mang đến một câu trả lời rất đỗi giản dị và bình yên: “Báo cáo Thủ tướng là lý do đầu tiên khiến sản xuất nông nghiệp giảm, đó là “theo quy luật sinh học thôi”. Tức là năng suất cây trồng tới hạn, không thể tăng liên tục được, như thế cũng không có gì là lạ, vì cứ “trèo” mãi cao lên là không có được đâu!”.

Bộ trưởng Vinh sau đó cũng có nhắc đến các lý do khác như tiêu thụ trong nước giảm, xuất khẩu giảm cả giá và số lượng, chăn nuôi giảm... đồng thời đưa ra một giải pháp đầy trách nhiệm cho tình hình này là “Bộ Kế hoạch và đầu tư đã dành riêng hẳn một mục giải pháp cho ngành nông nghiệp, trong đó chúng tôi nhấn mạnh phải quan tâm nhiều hơn nữa trong chỉ đạo”.

Thủ tướng không hỏi thẳng lại các bộ trưởng của mình nhận định thế có lạc quan hay không, nhưng ông thường nhắc nhở, nhấn mạnh điều hành không được chủ quan. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, khách quan cho báo chí, dư luận, đồng thời tiếp thu những phản hồi của dư luận để có điều chỉnh phù hợp, qua đó tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

“Chúng ta ai cũng phải có niềm hy vọng, niềm tin vào tình hình tốt lên chứ, không có niềm hy vọng, không có niềm tin vào phía trước thì cuộc sống khó khăn lắm”, nữ ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cũng là một doanh nhân, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã từng nói như vậy khi hồi năm ngoái, phóng viên hỏi bà về triển vọng của nền kinh tế.

Nhưng bà, cũng như các thành viên khác của Ủy ban Kinh tế, luôn phải trăn trở về việc vậy đâu là cơ sở cho những niềm tin, niềm hy vọng đó. Chẳng hạn, như hồi năm 2012, khi Chính phủ luôn nhận định về một trong những tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang tốt lên là tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, Ủy ban này đã phải đặt ra câu hỏi là động lực cho tăng trưởng kinh tế ở đâu, khi mà doanh nghiệp vẫn đóng cửa, giải thể hàng loạt, tín dụng không cải thiện và tồn kho tiếp tục tăng cao...

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS.Trần Hoàng Ngân, thậm chí còn phải kêu lên rằng: “Hay là các thành viên Chính phủ thiếu thông tin nên mới đưa ra những nhận định như vậy, bởi vì tăng trưởng quý sau hơn quý trước đã là thông lệ, không phải là dấu hiệu chuyển biến của nền kinh tế”.

Và ngay tại Kỳ họp thứ 5 vừa diễn ra, Quốc hội cũng lại một lần nữa nóng lên cũng vì những nhận định về xu hướng tốt lên khi đại biểu Quốc hội cho rằng tình hình không thể màu hồng được như thế, cuộc sống thì vất vả, nền kinh tế thì khó khăn mà Chính phủ báo cáo lại bình yên quá...

Lê Châu

tbktvn

Các tin tức khác

>   Các chỉ tiêu kinh tế của TP.HCM tăng trưởng ổn định (01/08/2013)

>   ‘Bão’ tăng giá mới: Dân sống trong sợ hãi (01/08/2013)

>   Lưu ý đảm bảo “điểm rơi chính sách” (01/08/2013)

>   HSBC: Lĩnh vực sản xuất của VN giảm sút 3 tháng liên tiếp (01/08/2013)

>   TS Võ Trí Thành: Đã có dư địa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh (01/08/2013)

>   Ông Cao Sỹ Kiêm: Chính sách chậm trễ cản trở phục hồi kinh tế (01/08/2013)

>   CPI tháng 8 có thể tăng 0,6% nếu Hà Nội tăng viện phí từ 1/8 (31/07/2013)

>   PGS-TS Trần Đình Thiên: Nền kinh tế đang mở ra dư địa cải cách lớn (31/07/2013)

>   Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 (30/07/2013)

>   CPI: Mừng vội rồi lo xa (29/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật