Thứ Năm, 01/08/2013 08:31

TS Võ Trí Thành: Đã có dư địa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

Ghi nhận những dấu hiệu cải thiện đáng kể của các chỉ số kinh tế vĩ mô, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các dấu hiệu này đang tạo dư địa để có được những chính sách linh hoạt hơn nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Theo ông, dấu hiệu tích cực đáng chú ý nhất của kinh tế vĩ mô sau 7 tháng đầu năm 2013 là gì?

Điểm rõ ràng nhất là các chỉ số kinh tế vĩ mô đang được cải thiện. An tâm nhất là lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2013 tăng 2,68% so với tháng 12/2012, là mức tăng gần như thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua (trừ năm 2012 với mức tăng 2,22%). Như vậy, với diễn biến này, lạm phát bình quân 7 tháng tăng 6,81% không còn ở mức lo ngại lớn.

Cộng với đó, cán cân thanh toán thặng dư, dự trữ ngoại tệ tốt, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang chuyển biến tích cực.

Sự ra đời và đi vào hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), các giải pháp giải quyết nợ xấu sẽ đóng góp tích cực cho những cải thiện tiếp tục của kinh tế vĩ mô.

Các tín hiệu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng bắt đầu tích cực. Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục xu hướng giảm dần.

Với những khó khăn trong giai đoạn vừa qua, những chỉ số này có thể coi là khá tích cực.

Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn. Tín hiệu từ sản xuất khá tích cực, nhưng chuyển biến chậm do tổng cầu vẫn giảm mạnh, đầu tư giảm mạnh. Trong khi đó, thu ngân sách đang khó.

Ngay cả lạm phát dù đang không đáng quan ngại, song lại phụ thuộc vào một số yếu tố mang tính điều hành, như điều chỉnh học phí, viện phí, tỷ giá...

Xuất khẩu có thể là bệ đỡ, thưa ông?

Tuy nhiên, bệ đỡ này đang có dấu hiệu đáng lo. Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu dù vẫn tăng, song tốc độ lại giảm rất nhanh. 7 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 14,3% so với cùng kỳ. Mức tăng này của 6 tháng là 16,1%; của 5 tháng là 15,1%, của 4 tháng là 16,9%, của 3 tháng là 19,7%, của 2 tháng là 23,9%, 1 tháng là 43,2%.

Thứ hai, xuất khẩu tiếp tục dựa vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong 7 tháng đầu năm nay, khu vực này vẫn chiếm 60,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 26,3%, trong khi mức tăng của khu vực trong nước chỉ là 1,6%.

Vậy theo ông, tình hình kinh tế vĩ mô đang đặt yêu cầu gì trong điều hành của Chính phủ những tháng cuối năm?

Mấu chốt vẫn là giữ và cải thiện kinh tế vĩ mô. Đương nhiên, các dấu hiệu tích cực ban đầu của kinh tế vĩ mô đang tạo dư địa để có được những chính sách linh hoạt hơn nhằm hỗ trợ thị trường, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang triển khai theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Dư địa này cũng đang cho phép thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn các giải pháp đã có.

Có nên đặt câu chuyện kích cầu vào thời điểm này không, thưa ông?

Chưa, nhưng có thể có chương trình phục hồi dần kinh tế, nằm trong xu hướng chung của thế giới, nhằm kích tổng cầu. Có thể thực hiện 2 giải pháp ngay trong chương trình này.

Một là, đẩy nhanh giải ngân vốn ODA, vốn đối ứng và có thể xem xét thêm phát hành trái phiếu.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đang làm ăn có lãi, để có ngay một nguồn lực bổ sung cho nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho những công trình đủ điều kiện và hoàn thành đúng tiến độ vào lúc này.

Tuy nhiên, thông điệp chính của các chính sách này vẫn là không tạo sức ép tăng trưởng, gây dựng niềm tin cho thị trường. Có thể nói, niềm tin này dù được cải thiện, song vẫn khá bấp bênh.

Khánh An

đầu tư

Các tin tức khác

>   Ông Cao Sỹ Kiêm: Chính sách chậm trễ cản trở phục hồi kinh tế (01/08/2013)

>   CPI tháng 8 có thể tăng 0,6% nếu Hà Nội tăng viện phí từ 1/8 (31/07/2013)

>   PGS-TS Trần Đình Thiên: Nền kinh tế đang mở ra dư địa cải cách lớn (31/07/2013)

>   Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 (30/07/2013)

>   CPI: Mừng vội rồi lo xa (29/07/2013)

>   Đầu tư ra nước ngoài: Đã giải ngân được 4 tỷ USD (28/07/2013)

>   FDI cấp mới vào Việt Nam 7 tháng: Singapore đứng đầu (28/07/2013)

>   Dự án ODA mắc cạn giữa dòng vốn dồi dào (27/07/2013)

>   "Tránh cấp phép FDI ào ạt rồi lại mất công đi thu hồi" (27/07/2013)

>   Thúc đẩy hợp tác tài chính Việt Nam-Myanmar (26/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật