Sửa Luật doanh nghiệp: Thống nhất một tỷ lệ “vàng”
Theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi sẽ được Quốc hội khóa XIII cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 và thông qua vào kỳ họp thứ 8 năm 2014. Dự kiến, Luật sửa đổi sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2015
DN có thể chọn tỷ lệ biểu quyết, miễn là phải đưa vào điều lệ công ty
|
Ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, việc soạn thảo Luật sửa đổi, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, đã được khởi động từ đầu năm nay và đang trong quá trình xây dựng dự thảo lần 1. Tháng 8/2013, dự thảo Luật sửa đổi sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi và xem xét, tiếp thu các góp ý. Đến tháng 3/2014, dự thảo sẽ được trình Chính phủ thẩm tra, cho ý kiến.
Đánh giá về Luật DN 2005, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đây là bước tiến mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xóa bỏ cơ bản các rào cản gia nhập thị trường. Tuy nhiên, qua hơn 7 năm áp dụng, Luật đã bộc lộ những bất cập, một số quy định chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn hoặc không phù hợp, do đó cần sửa đổi để tạo điều kiện cho DN phát triển.
“Một trong những mục tiêu của việc sửa luật là nhằm xác định rõ vị trí của Luật DN. Bản chất của Luật DN là luật về thành lập và quản trị DN, còn hoạt động của DN sẽ được điều chỉnh theo luật chuyên ngành. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều luật đều can thiệp vào việc thành lập và quản lý DN, dẫn đến chồng chéo, bất cập”, ông Tuấn nói.
Đáng chú ý, một nội dung được sửa đổi lần này là vấn đề tỷ lệ biểu quyết. Hiện nay, tỷ lệ biểu quyết trong DN là 65% lượng cổ phần có quyền biểu quyết đối với các vấn đề thông thường và 75% đối với một số vấn đề quan trọng được Luật quy định. Việc thiết kế các tỷ lệ này nhằm đảm bảo cổ đông lớn phải tôn trọng ý kiến cổ đông nhỏ. Tuy nhiên, mục đích này không những không đạt được mà còn gây hại khi các cổ đông nắm đến 26% hay 36% còn lại lợi dụng quyền phủ quyết gây khó dễ cho hoạt động của DN.
Trong khi đó, ngay sau khi Luật DN 2005 được ban hành, trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO đã có cam kết về tỷ lệ biểu quyết khác chỉ là 51% lượng cổ phần có quyền biểu quyết. Điều này dẫn đến Nghị quyết 71 của Quốc hội cho phép áp dụng tỷ lệ đa số để thông qua quyết định là 51%, gây nên tình trạng bất nhất trong việc tuân thủ pháp luật.
Theo TS. Lưu Hương Ly, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), qua nghiên cứu luật của nhiều quốc gia thì các nước đều quy định tỷ lệ đa số tối thiểu là 51%, trừ trường hợp các bên tự thỏa thuận một tỷ lệ cao hơn.
ng Phan Đức Hiếu cho rằng, cần tôn trọng nguyên tắc đối vốn, người đầu tư nhiều hơn phải có quyền lớn hơn. Do đó, Luật sửa đổi sẽ quy định tỷ lệ biểu quyết đa số là 51%, đồng thời, với ý tưởng xuyên suốt là tôn trọng thỏa thuận nội bộ, Luật sửa đổi sẽ cho phép điều lệ công ty quy định tỷ lệ biểu quyết khác đối với một số vấn đề đặc thù mà tự nội bộ DN cho đó là quan trọng. Thậm chí DN có thể chọn tỷ lệ có “số đẹp” như 68% chẳng hạn, miễn là phải đưa vào điều lệ công ty.
Một bất cập khác của Luật DN 2005 là vấn đề giảm vốn điều lệ. Với quy định của pháp luật hiện hành, DN chỉ được tăng vốn mà không thể giảm vốn. Việc giảm vốn chỉ được thực hiện trong trường hợp duy nhất là khi cổ đông sáng lập không góp đủ vốn như đã đăng ký nhằm đảm bảo vốn điều lệ đúng là vốn thực góp của cổ đông. Trong thực tế hoạt động, nhiều trường hợp DN thua lỗ và muốn giảm vốn điều lệ để có thể thực hiện các bước tái cơ cấu tiếp theo, nhưng không được phép, bởi pháp luật không có quy định cho giảm vốn điều lệ. Điều này dẫn đến tình trạng DN phải đi đường vòng: chuyển đổi từ mô hình CTCP sang mô hình công ty TNHH, giảm vốn điều lệ, rồi lại chuyển ngược lại từ loại hình TNHH sang loại hình CTCP. Như một DN nhận xét thì đây là vòng luẩn quẩn, tốn thời gian, công sức của cả xã hội.
“Dự thảo luật sửa đổi sẽ xem xét và tính đến vấn đề giảm vốn điều lệ của CTCP bởi đơn giản là sau khi khai sinh một DN, quá trình phát triển sẽ phải có cả tăng trưởng và cả thua lỗ”, ông Tuấn cho biết. Chưa rõ điều luật sẽ thiết kế ra sao và thủ tục hành chính yêu cầu những gì, song thời gian tới, chắc chắn DN sẽ được phép giảm vốn điều lệ.
Ngoài ra, trong Luật sửa đổi, một số vấn đề khác sẽ được sửa đổi hoặc quy định thêm như bổ sung quy định quản trị đối với DN 100% vốn nhà nước, vấn đề mua vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vấn đề tổ chức lại, chuyển đổi và chấm dứt sự tồn tại của DN, có nên tồn tại công ty hợp danh…
Hoàng Duy
Đầu tư chứng khoán
|