Sức mua yếu, mặt bằng giá vẫn có xu hướng tăng
Mặc dù hàng hóa bày bán tại các chợ vẫn ế dài nhưng thị trường từ đầu tháng 8 đã thiết lập mặt bằng giá mới theo chiều hướng tăng, điều mà khiến cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng đều ngao ngán.
Như PLVN đã đưa, từ ngày 1/8, EVN điều chỉnh tăng giá điện thêm 71,85 đ/kWh, tương ứng tăng 5%, nâng giá lên 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), đây là mức điều chỉnh giá điện đầu tiên trong năm 2013.
Cũng từ ngày 1/8, giá bán gas trên thị trường tăng 667 đồng/kg, tương đương 8.000 đồng/bình 12kg so với đầu tháng 7, đưa giá gas bán lẻ cho người tiêu dùng bình quân khoảng 386.000 đồng/bình loại 12kg, đây là đợt tăng giá thứ ba kể từ đầu tháng 6/2013. Các hãng sữa cũng đã thông báo cho đại lý của mình giá sữa đầu tháng 8 tăng thêm 5- 20%, mặc dù trong tháng 7 giá sữa đã điều chỉnh tăng 1-2 lần.
Đại diện các siêu thị tại TP.HCM cho biết, siêu thị đã nhận được nhiều thông báo đề nghị tăng giá hàng hóa của các đầu mối cung cấp hàng, tuy vậy hầu hết các siêu thị chưa chấp nhận việc tăng giá hàng hóa trong lúc này vì sức mua hiện tại rất yếu, nếu tăng giá thêm nữa khách hàng sẽ bỏ siêu thị.
Trong những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8, tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM, nhiều loại thực phẩm thiết yếu giá đã tăng thêm từ 5-20% so với đầu tháng 7. Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng trứng gia cầm chợ Tân Phú (quận Tân Phú) cho biết, các công ty cung cấp trứng gia cầm vừa gửi thông báo trứng gà loại có thương hiệu tăng 1000 đồng/vỉ (10 quả), tức giá 25.000 đồng/ vỉ trứng vịt loại 1 tăng 1.500 đồng/vỉ, đua giá lên 35.000 đồng/vỉ.
Tại chợ Võ Thành Trang (chợ Bà Quẹo) giá nhiều mặt hàng thủy hải sản tăng 3-10% so với thời điểm trước đó một tuần. Giá cá thu ngày 24/7 bán 180.000 đồng/ kg, đầu tháng 8 tăng 20.000 đồng/kg. Thịt gà vịt làm sẵn tăng 2.000-5.000 đồng/kg; thịt heo đùi 70.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/ kg. Thịt ba rọi 80.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg. Tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống chợ Võ Trành Trang cho biết, do giá điện, gas và xăng tăng trước đó nên nguồn thực phẩm nhập vào tăng giá, buộc tiểu tthương phải bán cao.
“Khi giá hàng hóa tăng lên sức mua ngay lập tức bị giảm. Trong lúc sức mua qúa yếu và liên tục giảm từ đầu năm đến nay hàng hóa lại tăng giá khiến cho việc bán lẻ thêm khó khăn vì người dân mua ít đi so với trước”- tiểu thương Lâm Thị Minh nói.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Thạnh (quận Bình Tân) Nguyễn Quốc Cường cho biết, từ đầu năm đến nay hai xưởng may gia công cho các bạn hàng ở chợ Tân Bình cầm cự để nuôi 240 công nhân, nay giá điện tăng thì khả năng duy trì sản xuất như cũ là rất khó. “Ngành may không tiêu hao điện như sản xuất sắt thép, cơ khí nhưng với mức tăng 5% giá điện thì ngành may gia công vào lúc này là rất khó khăn”.
Ba “ông lớn” xăng, gas, điện hè nhau tăng giá gần như cùng lúc khiến cho giá nhiều mặt hàng đội giá lên cao là khó tránh khỏi, nhưng điều người tiêu dùng quan tâm là điện, xăng, gas tăng một đồng thì hàng hóa khác lại tăng từ hai đến ba đồng, thậm chí nhiều mặt hàng không chịu nhiều ảnh hưởng bởi giá xăng, điện đã cũng“ăn theo” tăng 4 đến 5 lần.
Bà Quách Thị Lan, ngụ đường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú nói, giá điện lần này tăng 5% người tiêu dùng ngoài chịu mức giá điện tăng trên hóa đơn còn phải cộng thêm 5-10% mức tăng giá trên hàng hóa, dịch vụ (do điện, xăng tăng giá), như vậy cuộc sống của người dân sẽ phải vất vả hơn.
Mị Na
Pháp luật Việt nam
|